Chọn đúng cán bộ, xứ Thanh sẽ "cất cánh"

Chọn đúng cán bộ, xứ Thanh sẽ "cất cánh"

Thứ Ba, 13/09/2022 - 06:09

LTS: Tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có trong lịch sử để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Những lợi thế, tiềm năng, giá trị khác biệt, nổi trội cùng với các Nghị quyết đặc thù dành cho địa phương đã và đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp xứ Thanh hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng. Những kỳ tích mà Thanh Hóa đạt được trên tất cả các lĩnh vực một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của địa phương đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, Reatimes khởi đăng loạt bài “Ấn tượng Thanh Hóa” nhằm giúp độc giả có góc nhìn đa chiều hơn về những thành tựu mà địa phương đã đạt được trong những năm qua, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bài 2: Chọn đúng cán bộ, xứ Thanh sẽ "cất cánh"

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

TỪ CHUYỆN "ÔNG VUA MÍA ĐƯỜNG" NHÌN VỀ CÔNG TÁC

SẮP XẾP CÁN BỘ...

Người viết muốn mở đầu vấn đề này bằng việc nhắc lại câu chuyện vẫn mang tính thời sự đến hôm nay trong công tác lựa chọn, “sắp đặt”, cất nhắc cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa mấy chục năm về trước.

Thời kỳ bao cấp, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cử một cán bộ trí tuệ, mẫn cán đến nơi cực kỳ khó khăn, gian khổ để vực dậy một nhà máy được ví như “một đống củi khô” trở thành đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Người cán bộ ấy suốt mấy chục năm trời gắn bó chặt chẽ với vùng đất phía Tây Thanh Hóa, cùng với hàng vạn gia đình nông dân cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, biến một vùng nông thôn vốn nghèo nàn trở thành khấm khá như hôm nay. Người đó chính là Anh hùng lao động - Doanh nhân Lê Văn Tam.

Những năm 78, 79 của thế kỷ trước, khu vực thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) bây giờ là vùng bán sơn địa, Bộ Công nghiệp - Thực phẩm thành lập “Ban kiến thiết Nhà máy đường Lam Sơn” - công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ Pháp hỗ trợ về công nghệ và thiết bị sản xuất đường. Công trình xây dựng Nhà máy đường Lam Sơn tiến hành khởi công, xây dựng, lắp đặt thiết bị được trên dưới 50% thì đột ngột dừng lại. Chuyên gia Pháp về nước, thiết bị, máy móc xếp đống nằm phơi sương gió…

Không thể để dang dở một công trình trọng điểm quốc gia, Bộ Công nghiệp - Thực phẩm lập tức phối hợp với các bộ, ban, ngành, các trường đại học, có cả sự “chi viện” của Bộ Quốc phòng, cụ thể là Học viện Kỹ thuật quân sự thành lập “đội chuyên gia nội” nghiên cứu, chế tạo máy móc thiết bị tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh Nhà máy đường Lam Sơn.

Nhưng như vậy thôi chưa đủ. Xây dựng nhà máy sản xuất đường đương nhiên phải có nguyên liệu sản xuất. Cái khó ở chỗ, những người dân trong vùng quanh năm chỉ quen trồng mía để kéo mật theo kiểu thủ công mà chưa hề được làm quen với máy móc như bây giờ. Do vậy, khoảng thời gian từ năm 1981-1987, Nhà máy đường Lam Sơn đứng trước nguy cơ phải “đắp chiếu” vì nguyên liệu lúc có, lúc không. Bấy giờ, ai cũng nghĩ tới viễn cảnh, xây dựng dở dang rồi “đắp chiếu” sẽ gây hậu quả cho sản xuất, nhưng xây dựng hoàn chỉnh mà không sản xuất được hậu quả còn nặng nề gấp nhiều lần.

Anh hùng lao động - Doanh nhân Lê Văn Tam (Ảnh: Trần Thanh Giang/Thông tấn xã Việt Nam)

Chính trong lúc khó khăn bộn bề, Bộ Công nghiệp - Thực phẩm và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tập trung nhiều biện pháp tháo gỡ. Trước hết, phải tìm được cán bộ am hiểu đồng đất vùng bán sơn địa, tâm huyết với công việc gắn chặt với bà con nông dân để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía phục vụ cho nhà máy sản xuất. Qua nhiều lần cân nhắc cuối cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quyết định giao nhiệm vụ cho ông Lê Văn Tam, Phó giám đốc Ty Nông nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) trực tiếp làm Giám đốc Nhà máy đường Lam Sơn. Ông Lê Văn Tam là kỹ sư kinh tế nông nghiệp, nhiều năm làm việc trong ngành nông nghiệp xứ Thanh, am tường về đồng đất quê hương.

10 năm lăn lộn cùng bà con nông dân trong vùng, vị Giám đốc Nhà máy đường Lam Sơn đã trở thành nông dân thực thụ. Ông cùng với nhân dân trong vùng xây dựng và phát triển vùng trồng mía rộng lớn hơn 15.000ha ở 4 nông trường quốc doanh, 212 xã của 11 huyện trung du, miền núi Thanh Hóa.

Thời gian hơn 10 năm từ 1988-1999, vùng nguyên liệu rộng lớn đã cung cấp kịp thời nguyên liệu mía để Nhà máy đường Lam Sơn hoạt động không chỉ hết công suất mà còn phải xây dựng thêm nhà máy đường số 2. Thương hiệu “Mía đường Lam Sơn” (Thanh Hóa) trở thành điểm sáng của ngành mía đường cả nước. Năm 1999, Nhà máy đường Lam Sơn được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; năm 2000, cá nhân Giám đốc Lê Văn Tam cũng được phong tặng Anh hùng lao động. Đặc biệt nhân dân vùng trồng mía vốn nghèo nàn, lạc hậu, giờ đây cuộc sống trở nên khấm khá hơn, nhiều gia đình đã trở nên giàu có…

Rời thành phố “khăn gói” lên vùng đất Lam Sơn khi 50 tuổi, đến nay ông Lê Văn Tam (gần 90 tuổi) vẫn tiếp tục gắn bó với vùng đất ấy và luôn được người dân trong vùng kính trọng, tin yêu mỗi khi nhắc đến.

Việc dùng người, tiến cử cán bộ như trường hợp kỹ sư Lê Văn Tam từ 36 năm trước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: "Câu chuyện về Anh hùng lao động Lê Văn Tam là bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn, sắp đặt cán bộ. Theo đó, muốn tạo ra phong trào phát triển kinh tế sôi nổi thì phải có người lĩnh xướng, chỉ huy. Ngoài ra, cán bộ đó phải tâm huyết, mẫn cán, tạo ra giá trị sản xuất để doanh nghiệp, người dân cùng thụ hưởng thành quả.

Mặt khác, trong công tác cán bộ nói chung, việc đánh giá cán bộ phải được xác định là khâu đột phá trong công tác cán bộ, là tiền đề, cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đúng, bố trí cán bộ trúng thì mọi chuyện sẽ trôi chảy”, ông Hùng chia sẻ với phóng viên Reatimes.

ĐẾN CUỘC "CẢI TỔ" SÂU RỘNG, TOÀN DIỆN VỀ BỘ MÁY VÀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ

Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bổ nhiệm cán bộ; sắp xếp tinh gọn bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là lộ trình, thận trọng được tỉnh Thanh Hóa thực hiện hết sức bài bản trong những năm qua, đồng thời đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Cách đây 6 năm (2016), Thanh Hóa rộ lên thông tin nhiều đơn vị trong tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh) có số lượng cấp phó vượt quy định. Cử tri và dư luận khi ấy băn khoăn rằng, với số lượng cấp phó nhiều như vậy thì ngân sách nào nuôi nổi cán bộ? Nghi ngại đó hoàn toàn có căn cứ, bởi cứ thêm 1 cấp phó thì sẽ phát sinh thêm nhiều ban bệ, tăng biên chế, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi đó cho rằng, việc cấp phó nhiều hơn quy định là phù hợp với đặc thù địa phương. Trong khi cử tri và dư luận cho rằng, việc "lạm phát" số lượng cấp phó là không đúng quy định và cần phải xử lý để tránh tạo ra tiền lệ xấu trong công tác cán bộ. Thủ tướng Chính phủ khi đó cũng chỉ đạo Thanh Hóa phải rà soát vụ việc theo thông tin báo nêu.

Sau hơn 1 năm kể từ có chỉ đạo kiểm tra rà soát số lượng cấp phó tại các Sở và cơ quan ngang Sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành hàng loạt các quyết định điều động, bổ nhiệm, sắp xếp lại cán bộ vượt quá số lượng quy định, đảm bảo theo quy định tại các Sở, cơ quan ngang Sở...

Sau sự việc này, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện việc tổng rà soát về công tác cán bộ đặc biệt là việc bổ nhiệm cấp phó tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, và các đơn vị sự nghiệp công lập... Qua kiểm tra, Thanh Hóa xuất hiện một số Sở số lượng cấp phó phòng còn nhiều hơn cả nhân viên làm việc. Ở cấp huyện, tình trạng “lạm phát” cấp phó cũng diễn ra khá phổ biến. Đây cũng là thực trạng chung diễn ra tại nhiều địa phương chứ không riêng gì Thanh Hóa.

Xác định đây là nhiệm vụ cần kíp phải làm ngay để khắc phục những tồn tại trong công tác cán bộ và nhằm tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã... tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành hàng loạt các quyết định nhằm sắp xếp lại số lượng cấp phó tại các phòng, ban thuộc Sở và tương đương; sắp xếp các đơn vị hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập, sáp nhập giảm các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc khối nhà nước…

Chỉ sau 5 năm (2016-2021), trên cơ sở thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, toàn tỉnh đã tinh giản biên chế được 45.262 người; trong đó cấp tỉnh và cấp huyện giảm 13.051 người; cấp xã giảm 8.863 người; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn giảm 23.348 người; Hủy hàng loạt quyết định bổ nhiệm cấp phó không đúng quy định; giảm hàng chục trưởng phòng sau khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có lộ trình việc giảm tối thiểu 58 phòng chuyên môn, 141 trưởng, phó phòng bằng việc đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy các phòng ban chuyên môn từ cấp huyện trở lên trên địa bàn toàn tỉnh… Về lý thuyết thì Thanh Hóa giảm hẳn một bộ máy có thể bằng một tỉnh.

Ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy phải kể đến thành công trong việc sáp nhập thôn, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Thanh Hóa từ một địa phương có số thôn, tổ dân phố nhiều nhất cả nước (5.971 thôn, tổ dân phố) với mức chi ngân sách hơn 600 tỷ đồng/năm để “nuôi” cán bộ, sau sáp nhập đã giảm hẳn 1.578 thôn và giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách. Thực hiện việc sáp nhập 143 xã, đơn vị hành chính cấp xã thành 67 đơn vị, (giảm 76 đơn vị); giảm 6 ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; 96 phòng, chi cục hoặc tương đương, 267 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện, tiết kiệm chi phụ cấp, lương ngân sách được hàng trăm tỷ đồng.

Trước thành quả to lớn đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc tinh gọn bộ máy ở Thanh Hóa được thực hiện "rất êm”. Quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính tại Thanh Hóa không xảy ra nhiều xáo trộn, bộ máy hành chính cấp xã không phát sinh những vấn đề lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá: "“Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quá trình tinh gọn bộ máy được thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao. Trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính, cá biệt có địa phương sáp nhập 3 xã thành 1 nhưng mọi việc diễn ra rất êm xuôi.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa chú trọng chất lượng nguồn nhân sự, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với vị trí, việc làm, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Mặt khác, nếu cán bộ nếu chỉ nói mà không làm được việc, không có sản phẩm được ghi nhận thì không thể nói người đó làm tốt được”, ông Hùng nói.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định, những kết quả đạt được trong quá trình tinh gọn bộ máy cho thấy, đây là cuộc cải tổ mạnh mẽ, sâu sắc nhất về công tác cán bộ và tổ chức bộ ở Thanh Hóa kể từ trước tới nay.

“Thành quả to lớn trong việc tinh gọn bộ máy không chỉ thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất cao của tập thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách một cách đúng và trúng, mà còn cho thấy đó là chủ trương hợp lòng dân và được nhân dân ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, chủ động thay đổi quan điểm trong việc xử lý các vấn đề mang tính nội tại, để bộ máy vận hành tốt hơn”, ông Cuông đánh giá.

Song song với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, đổi mới công tác cán bộ, việc kiểm tra giám sát, xử lý cán bộ đảng viên vi phạm được xem là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh hóa, để củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới.

Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp ở Thanh Hóa đã kiểm tra 7.984 tổ chức đảng, 28.759 đảng viên; giám sát 16.610 tổ chức đảng. Thi hành kỷ luật 45 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 3.472 đảng viên bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

CÓ NGHỊ QUYẾT ĐẶC THÙ THÌ CÔNG TÁC CÁN BỘ CŨNG

CẦN CÓ TÍNH ĐẶC THÙ

Những thuận lợi về mặt chính sách từ “nghị quyết đặc” thù mang lại cho Thanh Hóa cũng đem đến cho lãnh đạo địa phương những áp lực phải thay đổi nhằm đáp ứng với xu thế phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là việc bố trí, sắp đặt cán bộ ở những vị trí chủ chốt, quan trọng.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa nhận định: “Tỉnh Thanh Hóa đã và đang tạo được nền tảng tốt về công tác cán bộ để bắt nhịp với thời cuộc. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với những gì đang có mà quên mất rằng, công tác cán bộ là vấn đề then chốt, xuyên suốt trong tiến trình phát triển. Nhiệm vụ đặt ra đối với Thanh Hóa trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội cho rằng, chọn được cán bộ tốt, thì địa phương mới phát triển, đồng thời gợi mở một số vấn đề về việc lựa chọn, sắp đặt cán bộ của tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ mới: “Thứ nhất, trong công tác cán bộ, chọn được cán bộ tốt, đặc biệt là người đứng đầu là việc hết sức khó khăn. Do đó, trước hết người được chọn phải có tâm trong sáng, khách quan, biết lắng nghe, quyết đoán và biết đặt lợi ích chung lên trên hết.

Thứ hai, loại bỏ ngay cán bộ không làm được việc, hoặc có tâm lý thỏa mãn với chức vụ. Trong thực tế, không hiếm trường hợp cán bộ sau khi được bầu, bổ nhiệm có tâm lý chủ quan, thỏa mãn với những gì đạt được mà không chịu rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức.

Do đó, đối với cán bộ được bầu hoặc bổ nhiệm phải thường xuyên được theo dõi, giám sát, đánh giá khách quan để biết cán bộ đó có làm được việc hay không, có còn xứng đáng đảm nhiệm chức vụ không. Qua theo dõi, nếu cán bộ đó không đáp ứng được công việc thì nên thay thế giống như việc thay thế Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường mới đây. Người đứng đầu cần quyết liệt xử lý cán bộ giữ ghế dù không làm được việc hoặc với động cơ không trong sáng”.

Ông Cuông cũng cho rằng, việc lựa chọn cán bộ cần xem xét thực hiện thí điểm thi tuyển để chọn được “hạt giống” tốt: “Thứ nhất, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng đề án khuyến khích việc thi tuyển mở rộng để chọn người tài làm việc tại các viện nghiên cứu, các khu công nghệ cao, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước. Đi kèm với đó là cơ chế đãi ngộ để người được tuyển yên tâm công tác.

Thứ hai, đối với việc quy hoạch bổ nhiệm các chức danh (Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương), các nguồn được đưa vào quy hoạch cán bộ cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng thông qua chương trình hành động, đề án nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển ngành, lĩnh vực được giao phụ trách. Việc đánh giá phải thông qua sát hạch, kiểm tra năng lực bằng bài thi cụ thể. Quá trình đánh giá cán bộ phải được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan. Việc chuẩn y chức danh có thể thông qua bỏ phiếu hoặc biểu quyết của thành viên Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ ba, đối với chức danh bầu (cấp huyện, thị, thành phố), hiện nay chúng ta đang thực hiện theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu”. Việc Đảng giới thiệu cán bộ để thực hiện bầu chức danh cần thí điểm nhiều hơn một nguồn để tạo tính cạnh tranh, dân chủ để chọn được cán bộ tốt nhất”.

Nhấn mạnh thêm về ý nghĩa của công tác cán bộ đối với sự phát triển của Thanh Hóa, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: "Việc coi trọng người tài bằng cách “chiêu hiền đãi sĩ”, sẽ là nhân tố tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương".

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng mong muốn Trung ương tạo cơ chế đặc thù Thanh Hóa trong vấn đề tổ chức bộ máy, nhân sự phù hợp với lợi thế, đặc trưng của tỉnh: “Đề xuất được thành lập các Sở đặc thù và lược bỏ các Sở khác mà trước đây tỉnh phải thành lập theo cơ chế chung; kiện toàn bộ máy hoạt động cấp Sở, rút gọn các phòng ban, chức năng không cần thiết trong quá trình vận hành, để tránh tốn kém.

Mặt khác, nên trao thêm quyền tổ chức bộ máy và nhân sự cho Thanh Hóa. Nhân sự thuộc cấp quản lý của Trung ương, thì có thể ủy quyền xuống một bậc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định để địa phương chủ động hơn trong việc bổ nhiệm cán bộ, chiêu hiền, đãi sĩ và xử lý cán bộ trong thẩm quyền được cho phép”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top