Nồi cơm điện nắp rời
Đây là loại có thiết kế với phần nắp độc lập với thân. Chúng có kích thước không quá lớn, vỏ ngoài thường bằng kim loại (chủ yếu là inox) hoặc đắt tiền hơn là kính chịu nhiệt. Với chất liệu đó, loại này thường dễ bám bẩn nhưng cũng dễ vệ sinh, lau chùi.
Nồi nắp rời có cơ chế đun nóng bằng nhiệt, được trang bị rơ-le cơ để ngắt khi đạt nhiệt độ nhất định. Chúng cho phép nấu cơm nhanh, 20 - 30 phút, có thể giữ ấm cơm khoảng 1 giờ đồng hồ, khá thấp nếu so sánh với loại khác. Bên cạnh đó, việc sôi trào có thể diễn ra khi nấu, chất lượng cơm không ngon bằng các loại khác.
Những loại nồi này thường không có công nghệ nào đi kèm. Việc bắt đầu nấu cũng buộc người dùng gạt bằng tay, với hai cơ chế là nấu và hâm nóng. Chỉ một số sản phẩm có xửng hấp đi kèm. Ngoài ra, công suất của nồi cũng không quá cao, từ 400 đến 800W, nhưng bù lại có thể tiết kiệm điện năng. Giá thành sản phẩm cũng khá thấp, từ 150.000 đến 800.000 đồng.
Nồi cơm điện nắp gài
Thay vì để rời, một bên nắp loại nồi cơm điện này được cố định bằng chốt, trong khi bên còn lại có lẫy gài. Cấu tạo không khác nhiều so với nồi nắp rời, nhưng cho phép giữ nhiệt lâu hơn, từ 2-3 giờ do có phần nắp kín (khi rút điện) hoặc 4-6 giờ (nếu cắm điện, nhưng dễ làm cơm khô).
Nồi cơm điện nắp gài được trang bị 1-3 mâm nhiệt, cho phép mất khoảng 25-30 phút để nấu cơm. Nồi cơm bên trong thường được làm bằng chất liệu chống dính.
Các nồi nắp gài thường không có công nghệ đi kèm, nhưng một số phiên bản mới gần đây có thể được tích hợp Fuzzy Logic - công nghệ giúp điều chỉnh nhiệt độ nấu phù hợp với lượng gạo và nước thông qua chip xử lý và cảm biến. Ngoài ra, chúng cũng có khả năng hẹn giờ. Giá bán loại nồi này từ 250.000 đồng đến ba triệu đồng.
Nồi cơm điện tử
Những loại nồi này có thiết kế hiện đại hơn, thường dạng hộp chữ nhật. Bên trong nồi được nhà sản xuất tích hợp vi mạch nhằm điều khiển các chế độ nấu, như nấu cơm, hấp, cháo, soup... Công suất máy khoảng 600-1.200W. Chúng cũng được lập trình sẵn về thời gian và nhiệt độ. Việc của người dùng là chọn đúng nguyên liệu và thiết đặt chế độ nấu hợp lý.
Về cấu tạo, chúng thường có ba mâm nhiệt, đi kèm nồi phía trong bằng hợp kim nhôm dày, từ đó thời gian nấu cơm lâu hơn. Bù lại, cơm nấu ngon hơn và cắm lâu không bị khô. Một số mẫu đi kèm công nghệ làm nóng ba chiều, Fuzzy Logic hay thậm chí là cả Inverter cho phép điều chỉnh nhiệt độ theo từng quá trình nấu, cơm chín ngon và tiết kiệm điện năng.
Tuy vậy, do được trang bị nhiều công nghệ, nồi cơm điện tử cũng đắt hơn hẳn so với hai loại trên, thường từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng, thậm chí có những model lên đến 10 triệu đồng.
Nồi cơm điện cao tần
Chúng có thể được nhận dạng thông qua ký hiệu "IH" (Induction Heating – công nghệ đốt nóng trong) trên sản phẩm. Đặc điểm của loại nồi này là dùng cảm ứng từ để làm nóng lòng nồi thay vì đun bằng mâm nhiệt, do đó, nhiệt độ lan tỏa đều hơn. Thậm chí, chúng có thể nấu được cơm ngon tương đương việc nấu bằng than củi. Tuy nhiên, loại nồi này cũng đi kèm nồi phía trong làm bằng hợp kim nhiễm từ tính, thành nồi dày (2-5mm) do đó giá bán đắt hơn.
Nồi cơm điện cao tần có công suất 1.000-1.500W, hỗ trợ nhiều chức năng nấu khác nhau, tích hợp các công nghệ hiện đại, một số model đời mới có thể điều khiển qua smartphone qua Wi-Fi. Chúng cũng có van thoát hơi thông minh, đa chức năng nấu, hẹn giờ... thời gian giữ nóng lâu (4-5 giờ khi không cắm điện, 12-24 giờ nếu cắm điện) và không làm cơm bị khô.
Tuy vậy, giá bán của loại nồi này đắt nhất trong số các loại nồi nấu cơm, từ 3-10 triệu đồng. Thậm chí, có những model lên tới 20 triệu đồng.