Chủ thầu và người dân cùng khóc
Bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty Thiết kế và Xây dựng Code Architecture cho biết, trong quý I/2017, giá thép tăng 30%, giá xi măng tăng 20%, giá vật liệu khác tăng từ 10 - 20%, giá nhân công tăng 20 - 30%.
“Công ty ký hợp đồng 6 công trình trước khi giá tăng. Nếu thực hiện thì không có lời, huỷ hợp đồng thì mất uy tín”, bà Linh nói.
Tương tự, theo ông Trần Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Xây dựng Gia Phú tại TP.HCM, tuy các hợp đồng ký trước đã tính yếu tố trượt giá, nhưng biến động giá cao hơn hẳn ước tính.
“Chúng tôi chấp nhận hòa vốn để giữ uy tín với khách hàng hoặc chịu lỗ trong phần xây dựng thô, nhưng đến phần hoàn thiện sẽ phải ngồi lại với khách hàng để bàn tính giá mới”, ông Lâm cho biết.
Tuy vậy, ông Lâm cho rằng, giá vật liệu xây dựng còn thương thảo được, chứ nhân công thì khó. Hiện giá nhân công ngành xây dựng cũng tăng cao, trước đây thợ phụ giá khoảng 180.000 - 230.000 đồng/ngày, thợ chính từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày, thì giờ giá đã tăng 10 - 20%. Đây là điều cực khó cho nhà thầu, vì nếu không chập nhận giá này, nhân công sẽ bỏ đi nơi khác làm, dẫn tới tiến độ xây dựng chậm và có thể vị phạt rất nặng từ khách hàng do chậm tiến độ.
Không chỉ chủ đầu tư mệt mỏi về giá vật liệu tăng cao, người dân cũng chật vật với kế hoạch xây nhà.
Ông Cùng nhà ở quận 7, TP.HCM đã phải dừng kế hoạch xây nhà của mình lại dù căn nhà đang ở đã xuống cấp nghiên trọng. Lý do là do kinh phí tăng quá nhiều so với dự kiến.
“Ngôi nhà diện tích 60 m2 của tôi theo tính toán cuối năm ngoái có giá xây dựng khoảng 800 triệu đồng, nhưng tới nay, nếu xây dựng giá tăng lên gần 1,2 tỷ đồng. Với số tiền này, tôi không thể xoay sở ở đâu được nữa”, ông Cùng nói.
Làm sao xây nhà có lợi thời bão giá?
Bà Linh cho biết, để tiết giảm chi phí, nhiều chủ đầu tư lựa chọn vật liệu giá rẻ. Tuy nhiên, chọn vật liệu xây dựng giá rẻ, nhưng làm sao vẫn đảm bảo chất lượng là một điều hết sức khó khăn với người dân.
Hiện thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội thất có rất nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới với mẫu mã phong phú và đa dạng.
Nhờ sự cạnh tranh này, người tiêu dùng có được nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cũng từ đây, các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng có điều kiện trà trộn vào gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Việc tìm ra một sản phẩm vừa ưng ý vừa đảm bảo chất lượng luôn là một “bài toán” khó đối với người tiêu dùng. Với “ma trận” như thế, người tiêu dùng khó lòng nhận ra đâu là sản phẩm chất lượng”, bà Linh nói.
Bà Linh khuyên, trước khi quyết định xây nhà, người dân cần coi kỹ diện tích xây dựng như thế nào và bao nhiêu lầu, nền đất có yếu hay đường hẻm nhỏ… Với kinh phí có giới hạn, người xây nhà cần tham khảo các mẫu nhà đẹp có trị giá dưới 1 tỷ đồng. Khi chọn được mẫu nhà ưng ý, người dân có thể tham khảo ý kiến của bạn bè đã xây nhà xem giá cả và chỗ vật liệu xây dựng nào thích hợp. Cuối cùng là ghi chép ra từng khoản: xây nền, đổ các tấm, chi phí mua nội thất theo quy trình.
Đối với vật liệu xây dựng, hiện nay thị trường biến động giá là do các cơ sở bán lẻ. Do đó, người dân nên tránh mua vật liệu của các cửa hàng không có niêm yết giá và bán các thương hiệu không rõ ràng. Bởi khi mua sản phẩm không nguồn gốc, chất lượng công trình sẽ không đảm bảo.
Đối với máy móc thiết bị thi công công trình, dù là xây nhà mới, hay sửa chữa nhà cũ, thì việc lựa chọn máy móc thiết bị phù hợp với công trình là vô cùng quan trọng.
Theo bà Linh, để tiết kiệm được chi phí, tùy vào kích thước công trình mà người dân có thể thuê những loại giàn giáo có kích thước khác nhau cho phù hợp. Máy móc xây dựng phải phục vụ được các vật liệu xây dựng. Với vữa chống thấm, cần sử dụng máy phun vữa chống thấm loại nhỏ để đảm bảo được tiến độ thi công, rút ngắn thời gian làm việc, tiết kiệm được chi phí nhân công.