Câu chuyện Thủ tướng Chính phủ “vi hành” đến điểm nóng chống dịch Covid-19 của Hà Nội ngày 31/8/2021 ở phường Thanh Xuân Trung đã trở thành một vấn đề bàn luận nóng bỏng vượt quá không chỉ tầm của quận, của thành phố mà là ở tầm quốc gia, tầm chiến lược tổng thể.
Nóng là ở chỗ, khi cả nước thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” thì tại thời điểm Thủ tướng đến kiểm tra Sở chỉ huy tiền phương chống dịch của UBND phường Thanh Xuân Trung thì Sở chỉ huy này… không có người trực (!?).
Thủ tướng yêu cầu phường cho xem quyết định thành lập và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của phường nhưng phải chờ sau 20 phút, cán bộ mới trình ra được Quyết định thành lập, còn quy chế làm việc thì… không có (!?).
Chủ tịch UBND phường cũng cho biết, phường đang khuyết Bí thư phường hơn 1 tháng nay chưa được kiện toàn. Thủ tướng đã phê bình nghiêm khắc vấn đề này với Bí thư Quận ủy Thanh Xuân và nhấn mạnh, trong lúc phường đang là điểm nóng nhất về Covid-19 của Hà Nội mà chậm kiện toàn là khuyết điểm, yêu cầu phải kiện toàn ngay lập tức để nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống dịch…
Tôi không có ý định bênh vực những sai sót nghiêm trọng trong công việc triển khai phòng chống dịch của lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung (trách nhiệm của cấp phường là rõ ràng và khó có thể trốn tránh), nhưng tôi chắc chắn rằng, vốn là nơi trọng điểm chống dịch của thành phố (mà số trọng điểm này của Hà Nội hiện còn chưa nhiều) thì bản thân nguồn lực đơn lẻ của cấp phường, như Thanh Xuân Trung, không thể tự thân trở thành một “pháo đài” như mong muốn.
Chẳng hạn, chỉ nói riêng về nhân sự, với cấp phường loại 1 tại Hà Nội quy định không quá 23 người, trong đó gánh đủ công việc của bộ máy Nhà nước và các đoàn thể, như Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, văn phòng, địa chính, y tế… mà trong đó, mỗi lĩnh vực thường không quá… 2 người (trừ công an và quân sự cấp phường, có nhân sự chuyên trách theo ngành dọc, nhưng phải đảm trách nhiều nhiệm vụ cùng một lúc chứ không chỉ tập trung chống dịch).
Ngay như khi xảy ra ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, và ngay tại ngày Thủ tướng “vi hành” kiểm tra 31/8/2021 thì có tới 33 F0 mới phát hiện, chưa kể khoảng 300 F0 được phát hiện trước đó và gia đình họ cần có sự chăm sóc của chính quyền phường. Vậy phường sẽ xoay xỏa thế nào đây với nguồn lực chỉ của riêng mình?
Nhân đây, xin kể lại một câu chuyện thực tiễn mà một phóng viên trẻ (vốn trước đây có thời gian làm việc ở Tạp chí Reatimes thường vẫn gọi tôi là thầy) trực tiếp đi cứu trợ tại một điểm nóng chống dịch ở Bình Dương.
Sau khi nhận được lời cầu cứu của một gia đình đang sống tại Khu phố 1A (phường An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương) lúc 10h sáng ngày 29/8, hai bạn trẻ đều là phóng viên tại TP.HCM quyết định đi cứu trợ.
Qua thông tin được biết, gia đình này 4 người, gồm 3 anh chị em ruột và một bác trai đã lớn tuổi, từ huyện miền núi Nghệ An vào, thuê phòng trọ 15m2 ở và làm công nhân đều đã bị dương tính với Covid-19.
Họ biết mình dương tính qua đợt test nhanh của phường vào ngày 26/8. Sau khi có kết quả, phường yêu cầu họ về phòng trọ và ở yên trong phòng, không được bước chân ra khỏi cửa để tự cách ly tại nhà. Phường cũng trấn an họ là sẽ mang thuốc men đến đầy đủ để tự điều trị.
Tuy nhiên, đến lúc đó đã 3 ngày trôi qua, khi sức khoẻ của cả gia đình dần yếu đi thì vẫn chưa hề có một cán bộ y tế hay cán bộ phường tới phát thuốc men.
Thất nghiệp đã 3 tháng nay, họ sợ bản thân là F0 nếu bước chân ra đường thì không có tiền nộp phạt. Vì vậy, cả nhà 4 người chỉ biết chấp nhận tình trạng sức khỏe đang diễn biến xấu dần trong niềm hy vọng mong manh, tuy chưa quẫn bách về cái ăn nhưng lại lo lắng không có thuốc men gì hỗ trợ.
Biết sức mình có hạn, hai bạn trẻ gọi điện cho lãnh đạo TP. Thuận An, vị này yêu cầu gửi thông tin người cần hỗ trợ để kiểm tra và xử lý kịp thời. Thế nhưng, đến 15h, gia đình trên vẫn không được ai quan tâm nên hai bạn quyết định mua thuốc đủ cho 40 ngày điều trị (4 người, mỗi người 10 ngày) và thêm ít đồ xông và tự đến tận nơi để giúp đỡ.
Thì ra đó là một khu nhà trọ có 20 - 30 người bị phát hiện F0 nằm lọt sâu trong con hẻm ẩm mốc, người người đứng lô nhô hướng về phía đường lớn ngóng chờ được hỗ trợ y tế…
Kể lại câu chuyện trên đây của hai bạn phóng viên trẻ để thêm dẫn chứng thấy rằng, khi một điểm nóng dịch bệnh xuất hiện, công việc tại cấp phường xuất hiện đột ngột và nhiều vô kể. Từ khâu tổ chức đến khâu thừa hành, nào ra quyết định và thực hiện việc phong tỏa, nào đưa người đi cách ly, rồi lo chăm sóc y tế, rồi nguồn cung thực phẩm thiết yếu; rồi thông tin, tuyên truyền, tư vấn, rồi rà soát xem nhà nào cần hỗ trợ và đủ tiêu chuẩn hỗ trợ…
Chẳng hạn như ở Khu phố 1A phường An Phú nêu trên, các hộ dân bị phát hiện F0 mà mãi 3 ngày sau không được chính quyền phường chăm sóc y tế thì đúng là… quá tải. Cho đến khi về tới nhà, khoảng 17h, hai bạn phóng viên gọi điện lại một lần nữa cho lãnh đạo TP. Thuận An. Câu trả lời vẫn là hứa hẹn: “Anh đang họp với bên y tế để xử lý đây em!”...
Trở lại câu chuyện Thủ tướng Chính phủ “vi hành” đến điểm nóng chống dịch Covid-19 phường Thanh Xuân Trung, vấn đề ở đây không chỉ là “khuyết Bí thư phường hơn 1 tháng này chưa được kiện toàn”, không chỉ là “không có Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của phường”…, mà là những phương án ứng phó chống dịch ở các điểm nóng đã không được chính quyền cấp quận và thành phố quan tâm đến nơi đến chốn. Thử hỏi, quận Thanh Xuân và TP. Hà Nội có phương án tác chiến cụ thể, quyết liệt cho từng ổ dịch không; có những quyết định “điều binh khiển tướng” hỗ trợ cho phường Thanh Xuân Trung như thế nào mà lại để nơi đây thành một pháo đài yếu ớt như vậy?
Thiết nghĩ, nếu để cấp phường “đơn thương độc mã” như nhiều nơi hiện nay thì chúng ta không thể xây dựng cấp phường, xã trở thành một pháo đài đáng tin cậy trong công cuộc phòng chống Covid-19 hiện nay như Chính phủ đang mong muốn và chỉ đạo.