Aa

Chống dịch tốt và tiêm vắc xin diện rộng là tiền đề để kinh tế hồi phục mạnh mẽ

Chủ Nhật, 08/08/2021 - 01:00

Khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ nhờ công nghệ và triển vọng rất khả quan trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Công trình xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Công trình xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Đ.T

Định kế hoạch kinh tế 2022

Những thách thức của kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 đang “làm khó” các nhà hoạch định chính sách trong xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Như thông lệ, vào tầm này hàng năm, việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau đã được bắt đầu. Năm nay, cũng không khác hơn, bởi vào giữa thời điểm các đại biểu Quốc hội đang thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, cũng như Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Nghĩa là, cũng giống như mọi năm. Tuy vậy, có một điểm khác biệt trong Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là, không “định” trước một số chỉ tiêu và cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2022, giống như các năm trước.

Chẳng hạn, trong Chỉ thị 31/CT-TTg được ban hành cuối tháng 7 năm ngoái, mục tiêu được đưa ra là “phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước năm 2021 khoảng 7%”. Tất nhiên, sau này, dựa trên tình hình thực tế và đặc biệt là diễn biến phức tạp của Covid-19, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 chính thức điều chỉnh mục tiêu này.

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc xây dựng kế hoạch năm 2022 phải dựa trên việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021 “đầy đủ, thực chất”, làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế, dự báo tình hình, nhất là trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp…

Mặc dù không đưa ra một định hướng chỉ tiêu cụ thể, song Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện bằng được “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế…

Trong bối cảnh Covid-19 khó lường như hiện nay, khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất đình trệ, cả tiêu dùng, dịch vụ nội địa và xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng, thì cũng chưa thể xác định một cách chắc chắn, kinh tế năm 2021 sẽ đi theo hướng nào.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Quốc hội mới đây, vẫn đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế là 6% và 6,5% và tuy đã nghiêng hơn về con số 6%, song Bộ trưởng vẫn nói rằng, còn tùy thuộc vào việc kiểm soát Covid-19 ở Việt Nam.

“Điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là ở các khu vực động lực, thành phố lớn, khu công nghiệp. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện cần, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, từ nay tới cuối năm, hơn lúc nào hết, phải thực hiện cho được mục tiêu kép, là khôi phục nền kinh tế và ngăn ngừa có hiệu quả Covid-19, nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tình hình thực hiện các chỉ tiêu năm 2021
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu năm 2021

Cơ hội nào cho nền kinh tế?

Để kinh tế năm 2022 có thể tiếp tục đà phục hồi, thì việc thực hiện kế hoạch năm 2021 là rất quan trọng, nhất là trong nửa cuối năm.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực mặc dù đã chỉ ra khá nhiều điểm sáng của nền kinh tế, như lạm phát đang được kiểm soát tốt, xuất nhập khẩu vẫn tương đối tốt, tỷ giá, lãi suất ổn định…, song cũng không khỏi lo ngại về những thách thức của nền kinh tế, như dịch bệnh, bong bóng tài sản, bất ổn tài chính toàn cầu…

Theo ông Lực, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến, nên cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19. “Nếu tiến trình tiêm vắc-xin được đẩy nhanh trong quý III, thì quý IV sẽ có sự phục hồi”, ông Lực nói.

Ông Lực cũng cho biết, theo dự báo của nhóm nghiên cứu của ông, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ khoảng 5,3 - 5,5%.

Trong khi đó, chuyên gia Võ Trí Thành đồng tình với các quan điểm về tiến trình phục hồi đang diễn ra chậm lại của nền kinh tế và cho rằng, để thoát khỏi những dự báo “xấu” về nền kinh tế, thì phải chống dịch tốt. Bên cạnh đó, cần có các cách thức hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô…

Tình hình đang rất khó khăn, khiến gần đây, một số tổ chức quốc tế cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Tuy vậy, những dự báo tích cực cũng vẫn được đưa ra.

Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dù mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4, xuống còn 5,8%, song vẫn dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 7% trong năm tới.

Tương tự, HSBC cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,6% xuống 6,1%, song lại nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 6,5% lên 6,8%.

Theo nhận định của Khối Nghiên cứu HSBC Việt Nam, gần đây, các ổ dịch đã làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất trong thời gian dài và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế bền vững của Việt Nam. Các chỉ thị giãn cách để ngăn ngừa dịch bệnh cũng đã dẫn đến sự suy giảm thêm về triển vọng tiêu dùng và sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, biến thể mới của Covid-19 và tốc độ tiêm vắc-xin chậm sẽ tiếp tục gây trì hoãn việc mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đại chúng và các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC nhận định, trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. “Khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ nhờ công nghệ và triển vọng rất khả quan trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những yếu tố này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng nhất trong khu vực”, HSBC nhận định.

Như vậy, cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam trong 2022 là có. Cơ hội đến từ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt các nền kinh tế Âu - Mỹ, khi chiến dịch tiêm chủng được mở rộng. Tuy nhiên, cơ hội cũng chỉ thực sự đến khi Việt Nam quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, theo thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế. Theo dự kiến, chương trình này sẽ được trình Chính phủ trong quý IV/2021.

Chìa khóa nằm ở đầu tư công

Trong hàng loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế, ít nhất trong vài năm tới, đầu tư công vẫn sẽ luôn được xác định là chìa khóa quan trọng, giống như trong 2 năm 2020 - 2021.

Tuy vậy, giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn rất chậm. Theo số liệu được công bố, dự kiến giải ngân đến cuối tháng 7/2021 là trên 169.000 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38%, vốn nước ngoài đạt 7,52%.

Tháng 7 là tháng nhiều địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nên giải ngân vốn đầu tư công đã bị ảnh hưởng. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, nên dự kiến, vốn đầu tư công chưa thể sớm giải ngân nhanh trong những tháng tới. Do đó, mục tiêu đến hết quý III, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch và cả năm đạt 95 - 100% kế hoạch là một thách thức lớn.

Tuy vậy, tình hình đã có nhiều thuận lợi hơn khi Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, làm cơ sở quan trọng để tiếp tục phân bổ nốt phần vốn đầu tư còn lại của năm 2021, cũng như để chuẩn bị cho kế hoạch năm 2022.

Liên quan vấn đề này, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022, dựa trên đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Theo đó, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật; xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện trong năm 2022, chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên; xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang trình cấp có thẩm quyền…

Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, danh mục dự án dự kiến bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2022 phải thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã trình cấp có thẩm quyền. Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi lũy kế bố trí vốn đến hết năm 2021 và không vượt quá dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã trình cấp có thẩm quyền trừ đi số vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2021 của từng dự án…

Thực tế, việc xây dựng được danh mục dự án đầu tư, với các định hướng ưu tiên rõ ràng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo vốn đầu tư công được giải ngân nhanh và sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án và thực hiện nhanh chóng các thủ tục đầu tư.

Cùng với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, thì kế hoạch đầu tư công sẽ đảm bảo hướng đi đúng cho nền kinh tế trong năm 2022, với kỳ vọng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top