PV có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hường – Trưởng ban An toàn (EVNNPT).
PV: Thưa ông, hiện nay đang vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn truyền tải điện, EVNNPT đã triển khai các biện pháp gì?
Ông Phạm Xuân Hường: Mưa bão gây nhiều thiệt hại cho đời sống xã hội, đặc biệt với hệ thống truyền tải điện thường đi qua các vùng địa hình phức tạp thì ảnh hưởng, thiệt hại của mưa bão càng lớn hơn nếu không thực hiện tốt các phương án phòng, chống. Để hạn chế những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm EVNNPT đã ban Chỉ thị số 1147/CT-EVNNPT ngày 31/3/2023 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); Lập chương trình đi kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 1389/EVNNPT-AT và hoàn thành công tác kiểm tra trước mùa mưa bão; văn bản số 1722/EVNNPT-AT phát động tới các đơn vị chương trình Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia PCTT năm 2023. Các đơn vị trực thuộc lập, duyệt phương án đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải trong mọi tình huống. EVNNPT cũng đã chỉ đạo, kiểm tra việc khắc phục, xử lý, sửa chữa những thiệt hại trong mùa mưa lũ năm 2022 tại các đơn vị, đến nay các đơn vị đã thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ đạo của EVNNPT.
EVNNPT cũng đã phối hợp với các đơn vị trong EVN như Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thực hiện công tác diễn tập xử lý sự cố mất điện diện rộng kết hợp công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tại Trạm biến áp 220kV Hà Đông ngày 26/4/2023. Buổi diễn tập là dịp để các đơn vị kiểm tra lại tính sẵn sàng của lực lượng ứng phó, xử lý sự cố, PCTT-TKCN cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác PCTT-TKCN.
PV: Đối với những vị trí xung yếu khu vực đồi núi, có nguy cơ sạt lở, hay những khu vực vùng trũng dễ bị ngập úng, EVNNPT đã có giải pháp gì để ứng phó thưa ông?
Ông Phạm Xuân Hường: Hệ thống truyền tải điện phần lớn đi qua những địa hình phức tạp, từ núi cao hiểm trở đến những vùng có nguy cơ ngập lụt khi mưa bão nên việc sẵn sàng ứng phó, xử lý tình trạng sạt lở, ngập lụt là yêu cầu bắt buộc.
Đối với những vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng, thực hiện chỉ đạo của EVNNPT, trước mùa mưa bão hàng năm các đơn vị đã chủ động khơi thông, ngăn ngừa tình trạng dòng chảy vào chân cột, trạm biến áp; kè chống sói lở các vị trí cần thiết; kiểm tra, thống kê, lập phương án ứng phó với từng vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt do mưa lũ; chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng chủ động xử lý khi cần thiết.
Với một số TBA do địa hình thấp hơn mặt bằng xung quanh như TBA 220kV Hà Đông, Đình Vũ…, các đơn vị thuộc EVNNPT đã thực hiện phương án xây bao kết hợp bơm tiêu úng để ngăn ngừa tình trạng nước ngập ảnh hưởng đến vận hành thiết bị trạm. Với các trạm mới xuất hiện nguy cơ ngập lụt như TBA 220kV Huế, Hòa Khánh, EVNNPT đã chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) khẩn trương thực hiện, hoàn thiện dự án chống ngập cho 2 TBA này.
Trong những ngày qua mưa lũ diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến lưới truyền tải điện khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc…, làm sạt lở một số vị trí gần móng cột đường dây truyền tải do PTC3, PTC1 quản lý. EVNNPT đã thường xuyên nắm bắt tình hình, chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay những vị trí sạt lở để đảm bảo vận hành an toàn trong mọi tình huống.
PV: Thực tế hiện nay tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải vẫn còn tồn tại. EVNNPT đã và đang triển khai giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên trước mùa mưa bão thưa ông?
Ông Phạm Xuân Hường: Hành lang an toàn lưới điện cao áp luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão. Để xử lý vấn đề này, các đơn vị trực thuộc EVNNPT đã thường xuyên chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý những điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trước và sau mỗi cơn bão, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, chặt tỉa những cây cao ngoài hành lang nhưng có nguy cơ gãy, đổ vi phạm khoảng cách an toàn.
Việc phối hợp với các địa phương cũng như sự gẫn gũi tạo thiện cảm, chia sẻ của người dân với các đơn vị quản lý, nhân viên vận hành là yếu tố quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, trong các năm qua các đơn vị trong EVNNPT đã thực hiện tốt công tác này.
PV: EVNNPT đã có những ứng dụng khoa học công nghệ gì trong phòng chống thiên tai? Những hiệu quả ứng dụng này mang lại?
Ông Phạm Xuân Hường: Ứng dụng KHCN, chuyển đổi số đang mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện truyền tải của EVNNPT, trong đó công tác phòng chống thiên tai cũng không là ngoại lệ. Hệ thống camera đỉnh cột giúp các đơn vị dễ dàng kiểm soát tình trạng hệ thống đường dây trước, trong và sau mưa bão. Việc sử dụng UAV giúp các đơn vị QLVH tiệm cận được các điểm có nguy cơ sạt lở để có được hình ảnh rõ ràng nhất. Với các thông tin có được trên các đơn vị QLVH sẽ nhanh chóng đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, ngăn ngừa sự cố tiếp diễn, góp phần quan trọng đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện.
PV: Để đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, EVNNPT có khuyến cáo gì?
Ông Phạm Xuân Hường: Lưới điện truyền tải có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cung cấp điện, đặc biệt lưới điện 500kV là trục xương sống của hệ thống điện quốc gia. Việc vi phạm hành lang lưới điện cao áp như trồng cây, xây nhà, thả vật bay, khai thác đất, mở mỏ… vi phạm khoảng cách an toàn điện có thể gây ra sự cố lưới điện truyền tải, làm mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động SXKD và đời sống xã hội.
EVNNPT mong muốn người dân, doanh nghiệp khu vực có lưới điện truyền tải đi qua luôn đồng hành cùng EVNNPT trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện cao áp, tuân thủ các quy định bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp theo quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý vận hành
- Hơn 29.200 km đường dây 220-500kV trải dài trên 63/63 tỉnh/thành phố của cả nước;
- Tổng số trạm biến áp: 185 trạm biến 220-500kV;
- Dung lượng máy biến áp: 116.475MVA;