Chủ động kết nối mối quan hệ tích cực
Hãy lựa chọn cho mình một tư thế ngồi thoải mái, ngay lúc này, bạn cho phép chính mình được thư giãn. Thả lỏng toàn bộ cơ thể và tâm trí của mình. Hít một hơi thật sâu và thở ra chậm rãi, lặp lại 3 lần, cảm nhận sự dễ chịu bên trong mình. Đặt bàn tay phải lên trái tim của bạn, lắng nghe từng nhịp đập kỳ diệu, cảm nhận sự sống đang tuôn chảy bên trong mình. Lúc này đây, chúng ta biết ơn vì mình có một cơ thể khỏe mạnh. Và nếu như cơ thể không toàn vẹn, thì chỉ cần bạn còn có thể hít thở, có một trái tim bên trong mình, cũng thật may mắn rồi.
Trong trạng thái biết ơn và đủ đầy, bạn hãy nghĩ đến một mối quan hệ, bạn biết người ấy đang cần bình an, thông qua ý nghĩ bạn trao tặng đến họ tình yêu thương, cảm nhận sự nhẹ nhõm nơi họ.
Bây giờ, Bình An kể bạn nghe một câu chuyện diễn ra giữa vị chủ tịch John D. Rockefeller với người nhân viên cấp trung của mình khi anh này làm thất thoát của công ty 2 triệu đô. Mắc một lỗi trầm trọng như vậy, anh nhân viên đã nghĩ mình sẽ phải nhận hậu quả nặng nề. Bước vào phòng của vị Chủ tịch, anh thấy ông đang đưa bút chì viết trên tờ giấy. Vị Chủ tịch nhìn anh rồi nhẹ nhàng nói: "Anh hãy đọc đi, tôi vừa kịp viết vài dòng cho anh đây". Bài viết được chia làm 3 đoạn. Đoạn đầu tiên viết tất cả những đóng góp quan trọng của anh nhân viên. Đoạn thứ hai viết tất cả những sáng kiến của anh. Và đoạn thứ ba viết: "Một lỗi lầm của anh, không đáng kể so với những gì anh đóng góp trong nhiều năm qua đối với công ty. Do vậy, chúng tôi mong anh coi đây như một bài học và đừng để ý chuyện này".
Chúng ta học được gì trong mối quan hệ giữa một người ở cấp rất cao với nhân viên của mình? Cách mà vị Chủ tịch đã nhìn sự việc ở tầm rộng và ứng xử thấu đáo? Người nhân viên sẽ cảm thấy thế nào?
Câu chuyện được kết rằng, anh nhân viên đã trung thành và tận hiến với công ty. Chính sự phản hồi tích cực của vị Chủ tịch đã giúp anh dũng cảm đối diện và làm việc tốt hơn.
Chúng ta ai cũng có khả năng thay đổi và truyền cảm hứng trong ứng xử với các mối quan hệ.
Giờ bạn có thể chọn cho mình một mối quan hệ mà bạn đang gặp trắc trở để trải nghiệm 5 phương pháp dưới đây nhé.
Nhớ lại một mối quan hệ mà bạn cảm thấy dâng trào hạnh phúc, mỗi khi ký ức ấy xuất hiện, bạn thấy những giá trị nào trong đó: Thấu hiểu, khoan dung, hay yêu thương…? Bạn và người còn lại trong mối quan hệ đó đã có những suy nghĩ ấm áp, làm mọi điều tốt đẹp nhất dành cho nhau phải không?
Theo các bạn, bản chất của chúng ta là yêu thương hay ghét bỏ, bình an hay bất an? Khi ở trạng thái bất an, chắc chắn bạn sẽ muốn quay trở lại với bình an. Còn nếu đã ở trong sự bình an, chắc hẳn bạn không hề muốn bất an.
Vậy là một cách tự nhiên, điều bạn muốn quay lại là bản chất của bạn. Sự dễ chịu, thoải mái trong tâm sinh lý chính là thước đo. Như con cá sống ở nước, nếu bị tách khỏi nước, nó sẽ muốn quay trở lại, bởi nước là môi trường tự nhiên của loài cá.
Giả sử ngay lúc này đây, bạn đang có một mối quan hệ trắc trở, tổn thương, điều trong sâu thẳm bạn thực sự mong muốn là gì? Nếu có cơ hội lựa chọn giữa suy nghĩ, hành động tốt đẹp và suy nghĩ, hành động xấu để chuyển hóa mối quan hệ đó, bạn sẽ lựa chọn ra sao?
Có thể bạn cảm thấy rất khó chịu và uất ức, bạn nghĩ rằng mình sẽ làm những điều khủng khiếp cho hả dạ, nhưng sự thật là bạn không hề dễ chịu chút nào phải không? Bạn vẫn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp nào đó trọn vẹn hơn. Nghĩa là bản chất nguyên thủy trong bạn là những giá trị tốt đẹp, là tình yêu thương, mà khi bạn dừng lại - tĩnh tâm - sáng suốt, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn.
Cho nên, để giải quyết được một mối quan hệ trắc trở, trước hết ta cần trở về kết nối với bản chất tốt đẹp vốn có của mình. Và bạn biết không, với chính mình, cũng có những lúc bạn thấy khó khăn đó. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Bên trong chúng ta có cả hạt giống tốt và hạt giống xấu”. Quan trọng là mỗi ngày, ta tưới tẩm và khiến cho hạt giống nào nảy mầm.
Trên hành trình thực tập xây dựng và chuyển hóa các mối quan hệ của chính mình, Bình An đã đi học rất nhiều khóa học, đọc rất nhiều sách cũng như trải nghiệm để rút ra được những bài học. Rồi nhận ra, phương pháp đầu tiên cần phải làm cho bằng được, làm nghiêm túc, làm triệt để là thấu hiểu và khám phá bản thân. Ở ngay khoảnh khắc hiện tại này, ta có quyền chủ động lựa chọn mình là ai và cam kết sống với những giá trị tốt đẹp vốn là bản chất của mình.
Mỗi chúng ta đều có nhiều mối quan hệ, mà trước hết là với chính bản thân mình, sau đó là đến gia đình, công việc, cộng đồng xã hội…
Có một công thức phân tích về mối quan hệ mà Bình An được học và áp dụng hiệu quả. Đó là: Mối quan hệ = Thông tin + Cảm xúc + Ý định
- Thông tin là những điều mà mình có về người trong mối quan hệ (có thể là với chính mình, với cha mẹ, các con…)
- Cảm xúc là cảm nhận của mình trong kết nối mối quan hệ.
- Ý định là suy nghĩ, điều mà mình muốn biểu hiện, muốn hành động.
Trong những mối quan hệ trắc trở, thường là do chúng ta chưa quan sát được bức tranh tổng thể, ta thiếu thông tin khách quan. Ví dụ, trong một khoảnh khắc nào đó, trong bạn tràn đầy suy nghĩ: "Anh chồng của tôi là một người đàn ông tồi tệ, tất cả đàn ông trên thế giới này đều đáng ghét". Chuyện gì đang xảy ra vậy? Từ một trải nghiệm, bạn đúc kết mở rộng ra; từ một niềm tin sai lệch, bạn phóng chiếu ra xung quanh. Câu chuyện trở nên phức tạp, đi xa sự thật và đến một thời điểm nào đó, nó trở nên tồi tệ đúng như bạn đã thêm vào.
Vậy, đơn giản giúp bạn nhìn nhận mối quan hệ đang có với thông tin chính xác, xây dựng cảm xúc tích cực, dẫn tới ý định tích cực, giúp bạn cải thiện vấn đề trong khả năng của mình.
Như ở ví dụ trên, bạn có thể thực hiện theo công thức Mối quan hệ = Thông tin + Cảm xúc + Ý định để thay đổi cục diện, cụ thể là:
Bước 1: Nhận diện thông tin: Bạn hãy bắt đầu bằng việc "nạp" vào não bộ những thông tin tích cực, ví như: Anh chồng của tôi có những điểm tốt là chăm chỉ, hiếm khi than phiền... Thay vì dùng cụm từ "anh ta phải thay đổi" thì bạn có thể dùng cách nói: Những điểm mà anh ấy có thể cải thiện là...
Bước 2: Soi chiếu cảm xúc của tôi được sinh ra từ thông tin mà tôi có. Ví dụ: Khi tôi nghĩ đến những điểm mạnh của chồng mình, trong lòng tôi bất giác nhen nhóm lên sự bao dung, tha thứ...
Bước 3: Ý định - hay hiểu nôm na là cách mà tôi lựa chọn ứng xử với tình huống đó ra sao. Tiếp tục câu chuyện trên, trong mối quan hệ với người chồng, trước hết tôi chọn xem lại bản thân mình, chú tâm vào những điều thuộc khả năng kiểm soát của tôi. Tôi chuyển hóa và thay đổi mình trước, rồi ảnh hưởng lên anh ấy sau. Nếu tôi đã làm hết sức mình và mọi chuyện diễn ra như ý, điều đó thật hạnh phúc. Nếu không, tôi sẽ dừng lại và lựa chọn hướng đi mà mình mong muốn. Mọi thứ trong cuộc sống đều có cách giải quyết, tôi có thể tìm kiếm thêm sự trợ giúp từ các chuyên gia về mối quan hệ như nhà tâm lý, nhà khai vấn…
Như vậy, nhờ hiểu và vận dụng được công thức Mối quan hệ = Thông tin + Cảm xúc + Ý định, ta hoàn toàn có thể xây dựng hoặc cải thiện các mối quan hệ quanh mình.
Có câu nói: Người mà ta cần phải gặp nhất định sẽ gặp, việc ta cần phải trải qua nhất định sẽ đến. Cho dù mối quan hệ của ta có đang thế nào, nó cũng ẩn chứa những bài học ý nghĩa. Hãy học cách “cúi đầu” để nhìn nhận và đánh giá sự việc. Tạm thời “bỏ nhỏ” cái tôi của mình lại. Hãy luôn nhớ về điều bạn thực sự muốn, kết quả bạn thực sự muốn tạo ra để tìm được cách giải quyết với kết quả tốt nhất, không phải là nói cho đã miệng, chỉ trích, làm tổn thương nhau, hiếu thắng...
Mối quan hệ được ví như một điệu nhảy, khi ta điều chỉnh nhịp điệu của mình, người khác cũng có xu hướng nương theo.
Khiêm nhường không phải là cố gặng chịu đựng, yếu thế, mà là cư xử có tiết chế, có chừng mực và thấu hiểu rõ hướng đi của mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của bản thân để nâng đỡ mối quan hệ.
Mỗi ngày, bạn chú ý tới điều gì trong cuộc sống của bạn? Hướng ánh nhìn ra xung quanh, bạn nhìn thấy gì ngay lúc này? Lắng đôi tai lại, bạn nghe thấy gì? Nhìn xuyên suốt hành trình của bạn từ khi có thể lưu lại ký ức trong mình, bạn nhớ về điều gì? Có phải bạn cũng có rất nhiều niềm vui, bạn đã làm được nhiều việc ý nghĩa? Vậy thì những khó khăn, thử thách diễn ra có đáng để khiến bạn gục ngã? Và nhất là làm bạn cảm thấy tổn thương, hụt hẫng, chất chứa những cảm xúc tiêu cực bên trong mình?
Khi bạn tập trung vào điều gì, thứ đó sẽ mở rộng ra, giống như cách bạn dùng chỉ một thấu kính hội tụ, những tia nắng có thể đốt cháy tờ giấy vậy. Mỗi suy nghĩ của bạn sẽ đóng góp vào chất lượng cuộc sống của bạn. Vậy nên, ngay lúc này, bạn có thể lấy một cuốn sổ và viết ra những điều mình cảm thấy hài lòng và mãn nguyện. Bên trong bạn một cách tự nhiên sẽ giãn ra, dễ chịu, khơi thông tâm trí.
Cuộc sống là một dòng chảy, chúng ta đến thế giới này để trải nghiệm cuộc sống. Hành trình đó sẽ thật tuyệt nếu may mắn và suôn sẻ, nhưng cũng sẽ thật đáng để chinh phục nếu gặp trắc trở. Bạn có những sức mạnh tiềm ẩn mà chỉ khi đối diện với tình huống khó khăn, bạn mới khám phá ra mình mạnh mẽ đến thế.
Dù lúc này, bạn đang cảm thấy như thế nào, hãy cho phép bản thân mình đánh thức con người khao khát, nhiệt huyết, ước mơ trong bạn, để sống cuộc đời mà bạn thực sự mong muốn.
Dịch bệnh đến, như một lời cảnh tỉnh, biết bao người đã trút hơi thở cuối cùng, những chia ly trong chớp nhoáng không lời tiễn biệt, biết bao người thất nghiệp, rơi vào hoàn cảnh cực nhọc.
Còn bạn, bạn đang thế nào? Lắng nghe tiếng nói bên trong trái tim bạn, khi nó rung động với những tiếng nói yêu thương, lòng tử tế, cả ý chí để vượt qua giông bão trong cuộc đời.
Hãy biết ơn chính mình, vì bạn đã đi qua mọi thứ thật nỗ lực. Những gì có thể làm tốt nhất vào giây phút đó, bạn cũng đã làm. Ghi nhận bản thân, để bước tiếp, hoàn thiện và trưởng thành hơn.
Hãy biết ơn ai đó từng quan tâm, giúp đỡ, động viên bạn, bởi nhờ có họ mà bạn cảm thấy được an toàn và tin tưởng, có sự vui tươi và động lực cố gắng.
Hãy biết ơn ai đó từng khiến bạn tổn thương, bởi vì họ đến để mang theo thông điệp của bài học, để giúp bạn nhìn kỹ hơn chính mình, nhất là khơi dậy bản lĩnh của bạn trong những tình huống khó.
Hãy biết ơn… những gì bạn đang có, cho dù rất đỗi bé nhỏ, nhưng sự có mặt của chúng đã đóng góp vào sự sống của bạn, từ nụ cười của em bé, chút thức ăn, bầu không khí để hít thở, bộ quần áo mặc, người thân hay một công việc có thu nhập và cống hiến giá trị... Còn gì nữa không?
Bạn hãy dành thời gian chỉ 5 phút mỗi ngày viết lên cuốn sổ của mình những điều bạn thấy biết ơn.
Số tài khoản trong "ngân hàng tình cảm" của bạn sẽ được bồi đắp, tích lũy thêm qua mỗi giây phút bạn lưu lại những điều tốt đẹp.
Hãy tin tưởng vào chính mình và kết nối mối quan hệ tích cực mà bạn muốn.
Chúc cho tất cả chúng ta mỗi ngày đều cảm nhận nhịp đập ấm áp nơi trái tim, sự hăm hở nơi nụ cười và cái nhìn bao dung nơi ánh mắt./.