Vì sao “kéo” 8 bộ vào cuộc?
Ông Phương kể: “Đầu năm đến tháng 5/2016, ti vi đêm nào cũng ra rả đưa tin Nam Bộ hạn hán, dân khóc. Tôi thường để ngoài tai, vì chuyện của ông trời, mình không làm gì được. Nhưng một đêm vắt tay lên trán, tôi nghĩ: Ôi chắc mình làm được, giống kiểu như trời mách vậy! Các ý tưởng cứ thế nảy ra trong đầu. Có những ngày tôi làm 30 giờ/ngày, say sưa lắm, không ngả lưng xuống giường lúc nào”.
Ông bắt tay vào lập dự án, đặt tên tếu là “Lên trời gọi mưa”. Nhưng bản chất là đúng thế, phải lên trời mới gọi mưa được. Tháng 5, ông trình Chính phủ dự án. Làm khoa học phải nghiên cứu từng li từng tí, viết 1 câu văn không được sai một chữ… Trước khi trình lên Chính phủ dự án này, ông đã phải cặm cụi đọc đi đọc lại, sửa từng chữ, từng câu một như trút cả tâm huyết, gan ruột của mình vào dự án. “Tôi nghĩ cái tên dự án tếu như thế sẽ bị vứt ngay vào sọt rác, nhưng không ngờ tháng 7 đã được Văn phòng Chính phủ trả lời”.
Văn phòng Chính phủ làm việc rất nghiêm túc. Họ trả lời bằng văn bản rất ngắn gọn, nội dung gửi Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì đề tài này và 7 bộ liên quan như: Quốc phòng, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư, Tài chính… sẽ cùng công ty An Sinh Xanh suy nghĩ và quyết theo từng nhiệm vụ chức năng của từng Bộ. Cái nào vượt thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chính phủ đánh giá khách quan quá trình hoạt động của công ty, ghi nhận hàng chục công trình, sáng chế mà tôi và đội ngũ công ty đã đóng góp cho đất nước.
“Trước tháng 5 tôi chỉ nghĩ làm sao bằng mọi giá “gọi mưa” về cho Nam Bộ, nhưng đến tháng 6, tháng 7, tin tức mưa giông làm ngập Hà Nội, xe tắc đường, thấy dân khổ vô cùng… nên tôi chỉnh sửa, cặm cụi làm lại toàn bộ dự án với mong muốn thực hiện trên cả nước” – ông Phương nói.
Dự án “Lên trời gọi mưa” liên quan đến nhiều Bộ là bởi các lĩnh vực và sự ảnh hưởng của nó rất rộng. Dự án can thiệp vào thời tiết nên phải làm đúng Luật khí tượng thủy văn, luật đó phải làm việc với Bộ Tài nguyên - Môi trường. Còn chuyện bay lên trời là liên quan đến Bộ Quốc phòng… Một mình tôi không thể cắp cặp đi làm việc với cả 7 Bộ, rồi làm việc tiếp với 7 sở ở 63 tỉnh, thành cả nước. Tính ra nếu làm việc đủ phải hơn 3.000 cuộc họp. Mà không phải cuộc họp lần đầu nào cũng thắng lợi, họp đến lần thứ 2 sẽ đưa tổng số cuộc họp lên 6.000 cuộc. Giả sử mỗi ngày họp 1 cuộc là mất 20 năm thì mới xong!
Tôi đã đề xuất thành lập Bộ Chỉ huy dự án “Lên trời gọi mưa” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mà “trụ cột” thực hiện dự án là Bộ Quốc phòng vì họ tuần tra trên biển và bầu trời, tôi chỉ là tác giả đề xuất cách làm mà thôi. Tiền thực hiện sẽ không rót về tài khoản công ty hay cá nhân ông Phan Đình Phương mà rót về Ban chỉ đạo dự án…"
Quyết tâm của một giám đốc luôn “làm ngược” người khác
Phan Đình Phương vốn là một giám đốc không ngồi chỉ tay năm ngón mà lúc nào cũng xắn tay mày mò cùng nhân viên. Ông cũng là một kỹ sư luôn làm những việc mà chẳng ai nghĩ ra, chẳng ai dám làm. Trước khi bắt tay viết dự án, ông Phan Đình Phương đã tự mày mò, tìm hiểu sâu về El Nino, biến đổi khí hậu, vì sao chỗ kia ngập lụt, chỗ này hạn hán? Vì sao Irael nằm trong sa mạc mà phát triển được nông sản, giàu có nhờ nông nghiệp vì họ biết ứng dụng KHKT, công nghệ mới… “Tôi phải tự tìm hiểu, lên trên mạng đọc về El Nino, La Nino, về biến đổi khí hậu… cả tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh”.
Quy trình “lên trời gọi mưa” hoạt động mưa đơn giản là khi đơn vị khí tượng thủy văn báo mây ở ngoài biển lưu lượng là bao nhiêu đang bay vào đất liền, cơ quan chức năng sẽ cố gắng điều hòa lượng mưa bằng máy móc, thiết bị. “Giả sử lưu lượng mây là 100, mưa sẽ là 100, nguy cơ gây ngập lụt cao thì ta cho các tàu ngoài biển phun nước lên, gây mưa luôn trên biển, khi vào đất liền lượng mưa sẽ vừa phải. Chẳng hạn, Hà Nội có khả năng ngập nặng thì ta tác động gây mưa ngay từ Hưng Yên, Hải Dương, nông dân có nước phục vụ nông nghiệp, thành phố thì khỏi ngập lụt. Ngược lại, khi mây vào Hà Nội tích tụ đen kịt, không khí nóng ngột ngạt thì gây mưa ngay trong Hà Nội để giảm nhiệt độ. Chúng ta điều hòa mưa là chính”.
Ông Phương bảo bí quyết giúp ông tự tin viết ra những dự án “không tưởng” như “lên trời gọi mưa” là vốn kinh nghiệm sau hàng chục công trình sáng chế cống hiến cho đất nước. Tất cả các sáng chế đều gây bất ngờ về kỹ thuật, lại không “đụng hàng” vì chẳng giống ai. Người ta từng ngỡ ngàng về cách chữa cháy của ông khi mà ô tô cứu hỏa đến nơi bị tắt máy vẫn chữa được cháy (?!). Thông thường, muốn chữa cháy phải cúp điện, nhưng với cách làm của ông Phương thì không. Với ông “cúp điện là cả tòa nhà hàng chục tầng sẽ tối om, khói sẽ phủ kín, không có hệ thống quạt hút khói hoạt động. Cầu thang máy ngừng chạy thì khác nào giết người hàng loạt”.
Quy trình chữa cháy của Phan Đình Phương hoàn toàn lạ lẫm: điện vẫn chạy, nhịp sinh hoạt vẫn bình thường, thang máy đưa lính cứu hỏa vào tận nơi… Quy trình ngược đó được Mỹ đánh giá rất cao. Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Mỹ lần đầu tiên phá lệ, kết nạp một kỹ sư Việt Nam là ông Phan Đình Phương làm thành viên của mình.
Thực tế, An Sinh Xanh là đơn vị vận hành phun nước cầu rồng trong thành phố Đà Nẵng, ông Phương cho biết, một buổi tối phun đầu rồng ở thành phố Đà Nẵng chỉ hết 4 khối nước, nhưng ai cũng tưởng phải mất vài chục mét khối nước. Có người nước ngoài còn khăng khăng phải hết hàng trăm mét khối nước. 4 khối nước sẽ tạo ra 6.000 mét khối hơi sương bay ra xung quanh, điều hòa không khí…
Không ngại nói về dự án “Lên trời gọi mưa”, không ngại nhận “bom tấn” chỉ trích, cũng chẳng biết “con đẻ” của mình có được rót 5.000 tỷ đồng hay không, hiện ông Phan Đình Phương vẫn kiên định theo đuổi ý tưởng của mình. “Cái gì mới cũng nhận được phản ứng của dư luận. Cả xã hội chê, bình luận, họ lật ngược lật xuôi dự án coi như là họ đang chỉ ra cho mình tất cả những thất bại có thể xảy ra. Lúc đó mình càng sáng tỏ, con đường thành công sẽ rộng mở…” - Ông Phương quả quyết.