Vốn đọng ở bất động sản và hàng không Bamboo
Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức sáng nay (26/6), Tập đoàn FLC đã thông qua rất nhiều nội dung quan trọng. Năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 570 tỷ đồng.
Năm 2018, trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn FLC đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm chất lượng, đa dạng trong các mảng nghỉ dưỡng, nhà ở đô thị, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… Do đó, doanh thu bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn với đóng góp 44% tổng doanh thu của Tập đoàn.
Những dấu ấn nổi bật nhất có thể kể tới việc khai trương Quần thể FLC Hạ Long giữa tháng 12/2018 với quy mô 157ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng gồm hơn 100 tiện ích cao cấp, hay bước đầu đưa vào vận hành các sân golf tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình quy mô lớn bậc nhất miền Trung.
Song song với đó, hàng loạt dự án đô thị hiện đại cũng được FLC triển khai đồng bộ tại Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định… nhằm hình thành nên chuỗi đô thị kiểu mẫu trên khắp cả nước. Hiện tại, Tập đoàn FLC đã và đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý cho hơn 230 dự án tại 56 tỉnh thành cả nước.
Đối với ngành hàng không, theo kế hoạch khai thác, tần suất chuyến bay sẽ được nâng lên 100 chuyến/ngày để phục vụ tối thiểu 5 triệu lượt khách ngay trong năm 2019. Bamboo sẽ bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế vào quý 2/2019 với những điểm đến đầu tiên là Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Cũng trong năm 2019, kế hoạch bay thẳng đến Mỹ đang được Bamboo Airways xúc tiến và dự kiến khai thác vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
Liên quan đến lĩnh vực này, trả lời cổ đông, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay Bamboo Airways đang trong giai đoạn tập trung đầu tư một cách tổng lực.
“Gần nửa năm cất cánh, Bamboo Airways bay trên dưới 8.000 chuyến bay, mỗi ngày trên dưới 60 chuyến. Tỷ lệ lấp đầy trên 80%, tỷ lệ đúng giờ trên 95% và được công nhận là đúng giờ dẫn đầu toàn ngành hàng không. Hãng cũng nhận được rất nhiều sự yêu quý và tin tưởng của hành khách. Có thể nói rất hiếm hãng hàng không mới đạt được những thành tích như vậy”, ông Quyết nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Tập đoàn FLC, Bamboo Airways đang bay 10 máy bay, và vừa được Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương tăng 30 máy bay trong thời gian tới.
“Nhưng ngay từ hiện tại chúng tôi đã phải chuẩn bị tài chính để duy trì đầy đủ bộ máy nhân sự từ phi công, tiếp viên… cho đến hạ tầng kỹ thuật cho khoảng 30 - 40 máy bay. Chuẩn bị kỹ như vậy mới đảm bảo duy trì được tỷ lệ lấp đầy, tỷ lệ bay đúng giờ chất lượng như hiện tại”, Chủ tịch FLC giải thích và cho biết với sự chuẩn bị chu đáo này, dự kiến từ cuối năm 2019 hoặc quý I/2020 Bamboo Airways sẽ ghi nhận lợi nhuận tích cực với đội máy bay mới được bổ sung và vận hành theo đúng kế hoạch.
Vì sao cổ phiếu FLC ở dưới mệnh giá?
Tại đại hội cổ đông lần này, điểm khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn là vì sao FLC đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn nhưng giá cổ phiếu FLC cứ dưới mệnh giá. Trả lời vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết cho biết:
“Cổ phiếu của FLC mấy năm nay luôn luôn ở dưới mệnh giá. Hiện nay, nhiều cổ phiếu trên thị trường có giá cổ phiếu không đúng giá trị thực của doanh nghiệp và FLC là một trong những trường hợp như thế. Bản thân tôi cũng thấy buồn lắm, buồn đến mức cả tháng tôi không xem bảng điện tử. Tuy nhiên về lý do khách quan, kế hoạch kinh doanh 3 năm gần nhất đều lợi nhuận trên dưới 500 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng, tổng tài sản tăng, vốn vay ngân hàng ít. Nhưng hiện nhà đầu tư đánh giá không đúng giá trị thực của Tập đoàn.
Còn nguyên nhân chủ quan, cá nhân tôi giữ 50% rồi các cổ đông lớn khác cũng chiếm phần lớn nên hiện tại nguồn cung cổ phiếu FLC trên thị trường không nhiều. Chỉ cần tôi mà bỏ tiền ra mua thêm 10 - 20% nữa thì giá trị cổ phiếu FLC sẽ khác, giá chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, nếu hiện tại tôi mua thêm 10 - 20% giá trị cổ phiếu FLC nữa thì thanh khoản của cổ phiếu FLC sẽ bị cô đặc, không tốt cho cổ đông nhỏ lẻ".