Tại công văn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu yêu các xã, phường mới ưu tiên tập trung nguồn lực, nhân lực, thời gian thực hiện, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện đối với các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an sinh dân sinh, quốc phòng - an ninh.
Trong đó, yêu cầu UBND các xã, phường khẩn trương tiếp nhận, chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thu hồi đất theo thẩm quyền, được quy định tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP và Quyết định số 38/2025/QĐ-UBND, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch. Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, nhất là các dự án trọng điểm của quốc gia và thành phố.

Dự án Cải tạo không gian Đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục cũng là một trong 10 dự án trọng điểm của Thành phố được yêu cầu có "làn xanh”.
Trong đó, Chủ tịch Hà Nội nêu đích danh 10 dự án trọng điểm của Thành phố cần được đưa vào “làn xanh”. Bao gồm các dự án Cải tạo không gian Đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục; Dự án Cầu Tứ Liên; cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi; Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây; cải tạo chỉnh trang nước sông Tô Lịch; Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP; Tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc.
Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu UBND các xã, phường liên quan cung cấp thông tin đầu mối lãnh đạo UBND phụ trách và công chức được phân công công tác tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 10/7/2025 để tổng hợp chung.
Cũng ngay sau khi chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, TP. Hà Nội đã vận hành 126 Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng thuộc UBND xã, phường, trên cơ sở tổ chức lại các Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng cấp huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện hiện nay.
Ban quản lý Dự án đầu tư - hạ tầng có nhiệm vụ tổ chức quản lý các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư và nhận ủy thác quản lý dự án theo hợp đồng ủy thác cho các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu. Đồng thời, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Trước đó, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng ký Quyết định số 38/2025/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND ngày 06/9/2024 của UBND Thành phố quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội; nhằm phù hợp với tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong đó, Quyết định 38 đã sửa đổi, bổ sung Điều 28 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND về điều khoản chuyển tiếp khi chính quyền xã, phường mới đi vào hoạt động.
(1) Đối với các trường hợp đã được UBND Thành phố chấp thuận chính sách hỗ trợ khác mà không trái với quy định của Luật Đất đai, các Nghị định hướng dẫn thi hành và Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chính sách đã được UBND Thành phố chấp thuận;
(2) Trường hợp đang thực hiện thủ tục quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác đối với từng dự án cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Đất đai mà chưa có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố thì Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục thực hiện theo quy định.