Aa

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai: Thị trường BĐS “nóng” theo sân bay Long Thành

Thứ Năm, 06/10/2016 - 12:01

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai khi trao đổi với Reatimes sáng 5/10 xoay quanh những điểm sáng và hạn chế của thị trường BĐS Đồng Nai thời gian qua.

Dự án “khủng” làm “nóng” thị trường

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, thị trường BĐS tỉnh Đồng Nai trong những năm gần đây đã có bước phát triển quan trọng. Dẫn chứng là thời gian qua, hàng loạt dự án khu nhà ở, khu đô thị được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo đảm về chất lượng, đa dạng về chủng loại, không chỉ giải quyết tốt nhu cầu chỗ ở bền vững, nâng cao điều kiện sống cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 304 dự án nhà ở thương mại, diện tích khoảng 12.509 ha.

“Trong thời gian tới, các dự án cũng tập trung nhiều ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa. Hầu hết các dự án còn trong giai đoạn lên kế hoạch hoặc giải phóng mặt bằng. Sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn 5-10 năm tới vẫn là đất nền và căn hộ liên kế/sân vườn do nhu cầu của người dân đa số tập trung ở các nhóm nhà ở này”, ông Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai đánh giá: Dự án sân bay Long Thành được chấp thuận đầu tư đang làm “nóng” thị trường BĐS Đồng Nai thời gian qua. Theo khảo sát thị trường cho thấy, nhiều dự án BĐS tại Đồng Nai nằm trong bán kính quanh dự án sân bay Long Thành từ 10 – 15 km hiện đang đua nhau mọc lên và được quảng bá rầm rộ.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn đang triển khai, phân phối các dự án đất nền tại tỉnh này như tập đoàn Đất Xanh với dự án đất nền nhà phố, biệt thự Gold Hill Center (huyện Trảng Bom, quy mô 27,1 ha); Công ty Địa ốc Long Điền đầu tư dự án The Viva City (huyện Trảng Bom, quy mô 117 ha), Sakura Valley (huyện Trảng Bom, quy mô 37 ha)…

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai đánh giá: Dự án sân bay Long Thành được chấp thuận đầu tư đang làm “nóng” thị trường BĐS Đồng Nai thời gian qua.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai đánh giá: Dự án sân bay Long Thành được chấp thuận đầu tư đang làm “nóng” thị trường BĐS Đồng Nai thời gian qua.

Đánh giá về tình hình chung của thị trường trong thời gian qua, ông Lâm cho rằng thị trường BĐS Đồng Nai phát triển lành mạnh, bền vững một phần là do cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS từng bước được hoàn thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng cho thị trường BĐS đã hình thành và đang đi vào hoạt động. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS bước đầu đã được củng cố, kịp thời đề xuất các giải pháp để điều tiết thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh mỗi khi thị trường có biến động bất thường.

Tuy nhiên cũng theo ông Lâm, thị trường BĐS tỉnh Đồng Nai thời gian vừa qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém. Đó là thị trường phát triển thiếu ổn định, khi thì “sốt nóng”, khi thì trầm lắng, thậm chí là “đóng băng”. Tình trạng “đóng băng” của thị trường BĐS Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung được thể hiện rõ nhất ở giai đoạn 2011 – 2013.

Bên cạnh đó, thời gian qua, cơ cấu hàng hóa BĐS tại Đồng Nai có xu hướng mất cân đối, lệch pha cung - cầu, nhất là tại các đô thị. Trong khi nhà ở thương mại cao cấp dư thừa nhiều, thì nhà ở xã hội (nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị) còn thiếu, làm cho một bộ phận không nhỏ người nghèo, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị luôn gặp khó khăn về nhà ở.

Thị trường chủ yếu mới phát triển loại hình nhà ở để bán, còn thiếu các loại nhà ở cho thuê. Điều này đã ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, từ đó phát sinh những nhân tố gây mất ổn định xã hội. Phân khúc đất nền chiếm lĩnh thị trường với trên 90% thị phần trong khi phân khúc biệt thự/nhà liền kề, căn hộ chỉ chiếm chưa tới 10% tổng nguồn cung. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển các sản phẩm BĐS không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường, tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào vẫn còn khá phổ biến.

Một vấn đề bất cập nữa của thị trường BĐS Đồng Nai thời gian qua là giá cả hàng hóa BĐS không ổn định, không đúng với giá trị thực. Trong đó giá nhà ở, đất ở thường vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân có mức thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp. Tình trạng đầu cơ, làm giá bất động sản, gây nên tình trạng “sốt giá”, tạo ra giá ảo nhất là trong những giai đoạn thị trường đang “nóng”…

Giữ vững vai trò cầu nối

Để đạt được mục đích phát triển thị trường BĐS Đồng Nai lành mạnh, bền vững, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai, tỉnh đã chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới như: Mở rộng hợp tác đối với các hiệp hội bạn trong nước có liên quan đến hoạt động BĐS và hoạt động của các doanh nghiệp hội viên; Hỗ trợ cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về các đối tác, nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong nước để kết nối; Tăng cường hợp tác với các tổ chức BĐS quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chuyến  khảo sát của Hiệp hội đến thị trường bạn và các chuyến công tác của nước bạn đến địa phương…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Lâm cũng đề xuất các giải pháp để phát triển thị trường BĐS Đồng Nai như: Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai; Tái cơ cấu thị trường BĐS, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và nâng cao năng lực các chủ thể tham gia thị trường BĐS…

Với tư cách là một Hiệp hội thành viên, ông Lâm đánh giá cao vai trò của Hiệp hội BĐS Việt Nam thời gian qua. “Hiệp hội BĐS Việt Nam nói chung đã tập hợp, động viên sức mạnh tập thể các thành viên là tổ chức, cá nhân tham gia Hiệp hội, là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương nhằm tạo sự gắn kết, thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS”, ông Lâm cho biết.

trong thời gian tới, ông Lâm mong muốn Hiệp hội BĐS Đồng Nai nói riêng và Hiệp hội BĐS Việt Nam nói chung luôn giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước

Trong thời gian tới, ông Lâm mong muốn Hiệp hội BĐS Đồng Nai nói riêng và Hiệp hội BĐS Việt Nam nói chung luôn giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước

Ngoài ra, ông Lâm cũng nhắc đến vai trò của Hiệp hội BĐS Đồng Nai trước những bước phát triển của thị trường BĐS Đồng Nai. Theo đó, tiêu chí hoạt động của Hiệp hội được xác định là vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền để từ đó đưa tiếng nói, nguyện vọng và những khiếu nại của các doanh nghiệp lên các cơ quan Nhà nước.

Hiệp hội luôn đứng bên cạnh các hội viên của mình để góp ý, tư vấn và chuyển tiếp các thỉnh nguyện, khiếu nại lên chính quyền địa phương. Về nhiệm vụ với chính quyền địa phương, Hiệp hội luôn tham gia và hoàn thành các công việc được giao, luôn đóng góp ý kiến và phát biểu trên tinh thần thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận, trong chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hoạt động của Hiệp hội còn nhiều hạn chế, trước mắt mới chỉ có thể tích cực hỗ trợ hội viên về mặt nghề nghiệp qua các hoạt động ráp nối kinh doanh, giao lưu giữa các doanh nghiệp; cung cấp thông tin về pháp luật để hội viên tiếp cận tốt và nhanh trước những thay đổi về chính sách.

Do đó trong thời gian tới, ông Lâm mong muốn Hiệp hội BĐS Đồng Nai nói riêng và Hiệp hội BĐS Việt Nam nói chung luôn giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo sự gắn kết, thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường BĐS trên cả nước.

Hiệp hội phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các cơ chế chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực BĐS cũng như về tổ chức và hoạt động của Hiệp hội. Đồng thời kiến nghị các cơ quan Nhà nước ban hành, sửa đổi và bổ sung các chính sách, cơ chế quản lý, tạo hành lang pháp lý cho các thành viên của Hiệp hội hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật…

Kết luận về vai trò của Hiệp hội BĐS Việt Nam nói chung, Hiệp hội BĐS Đồng Nai nói riêng trong việc phát triển thị trường BĐS Việt Nam, ông Lâm khẳng định: Hiệp hội sẽ đại diện cho các thành viên tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực trong lĩnh vực BĐS theo quy định của pháp luật.

Tham gia hoà giải các tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp đầu tư, quản lý khai thác sử dụng và kinh doanh BĐS là Hội viên của Hiệp hội; phối hợp với các cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên khi có tranh chấp trong quá trình đầu tư, quản lý khai thác, mua bán BĐS với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top