Aa

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Các doanh nghiệp BĐS đã có ý thức giải quyết các vấn đề tồn tại của thị trường

Thứ Hai, 03/04/2017 - 06:01

Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam, trong quý I/2017, mặc dù có những phân khúc BĐS đang chững lại như căn hộ cao cấp nhưng tại một số phân khúc khác như nhà giá rẻ, condotel, thị trường chứng kiến sự nhộn nhịp ngay từ đầu năm.

Tại Hội nghị thường niên gặp mặt hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam năm 2017 (VNREA 2017) diễn ra vào ngày 1/4 vừa qua, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có những đánh giá chi tiết về thị trường BĐS thời gian qua, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2017. 

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cho thấy thị trường BĐS năm 2017 vẫn tiếp tục sự ổn định của năm 2016 và có phần mạnh mẽ hơn nhờ những chính sách hiệu quả của Nhà nước giúp cho nền kinh tế vĩ mô có điều kiện tốt nhất để phát triển lâu dài và bền vững. Những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Bên cạnh đó, tính thanh khoản tốt cũng đã thúc đẩy thị trường BĐS giao dịch tốt hơn trong năm 2017.

"Các doanh nghiệp BĐS đã có ý thức cùng với cộng đồng giải quyết các vấn đề tồn tại của thị trường nhằm góp phần cân đối cơ cấu hàng hóa BĐS", Chủ tịch Nguyễn Trần Nam nhận định.

Cũng theo ông Nam, trong năm 2017, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Sự quan tâm này tới từ nhiều đối tượng khác nhau, từ những cá nhân tìm mua nhà mong muốn tận dụng Luật Nhà ở sửa đổi, cho tới quỹ đầu tư tư nhân cũng như quỹ tài chính lớn trong khu vực tìm kiếm những thương vụ lớn. Về nguồn vốn cho phát triển BĐS, FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn, nhất là đầu tư vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.

“Năm 2017 có bước chuyển biến tốt trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS. Các doanh nghiệp BĐS đã có ý thức cùng với cộng đồng giải quyết các vấn đề tồn tại của thị trường nhằm góp phần cân đối cơ cấu hàng hóa BĐS, thực hiện đúng định hướng phát triển thị trường của Nhà nước, đồng thời, phát huy cơ hội mang lại hiệu quả cho chính doanh nghiệp mình”, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam đánh giá.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng lưu ý, thị trường BĐS 2017 đang còn tiềm ẩn một số rủi ro cần theo dõi, điều chỉnh để có thể phát triển ổn định, bền vững như: Cơ cấu hàng hóa BĐS có sự mất cân đối. Trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp (chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu) thì trên thị trường, hầu hết các dự án lại cung cấp hàng hóa BĐS là nhà ở cao cấp, thiếu hàng hóa có giá bán thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân có nhu cầu nhà ở.

Tình trạng phát triển ồ ạt các dự án, đặc biệt tại các thành phố lớn mà không căn cứ vào kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm. Việc phát triển các dự án nhà ở xã hội bị chững lại do nguồn vốn hỗ trợ cũng như các chính sách có liên quan đến nhà ở xã hội chưa được giải tỏa hoặc đáp ứng một cách phù hợp.... là những vấn đề cần được Chính phủ, cộng đồng các doanh nghiệp chung tay giải quyết trong năm 2017.

Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, trong năm 2017, mục tiêu chính của Hiệp hội BĐS Việt Nam là phát triển mạnh mẽ và có chất lượng số lượng hội viên và cơ cấu tổ chức bộ máy của Hiệp hội; Hoạt động luôn gắn kết với cơ quan quản lý Nhà nước, đi sâu sát vào thị trường và hoạt động của các hội viên để giải quyết các vấn đề thực tiễn thị trường đòi hỏi;

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề theo hướng chuyên sâu, có hiệu quả thiết thực và gắn với nhu cầu thị trường; Xây dựng hệ thống dữ liệu BĐS, tiếp tục phát triển hệ thống báo cáo thị trường BĐS và triển khai họp báo công bố tình hình thị trường BĐS hàng quý từ quý I/2017; Tổ chức giải thưởng BĐS Việt Nam; Nghiên cứu và tạo điều kiện để triển khai thành lập các quỹ đầu tư BĐS; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư qua việc kết nối và tham dự các dự kiện của các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội bạn trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

“Với sự đồng hành của các hội viên, báo chí và cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy được sứ mệnh, vai trò to lớn của mình trong việc phát triển thị trường BĐS Việt Nam lành mạnh, hiệu quả và bền vững, xứng đáng với kỳ vọng cũng như sự tin tưởng của Chính phủ và các doanh nghiệp BĐS”, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định.

Hiệp hội BĐS Việt Nam vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Hiệp hội BĐS Việt Nam vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Để thị trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhân Hội nghị gặp mặt hội viên, Hiệp hội BĐS Việt Nam một lần nữa nhắc lại những kiến nghị quan trọng và vẫn mang tính thời sự đối với thị trường BĐS, cụ thể:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét và thúc đẩy bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và kiên trì thực hiện chính sách đã được nêu ra tại Luật Nhà ở cũng như các văn bản pháp luật đã ban hành, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư có diện tích dưới 75m2), giá bán thấp (dưới 15 triệu đồng/m2) như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Sắp tới, cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp và coi đây là là chính sách lâu dài nhằm cân đối cung cầu của thị trường BĐS.

Thứ ba, để điều tiết lượng hàng hóa và cân đối sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần có chương trình kế hoạch, không chỉ phát triển nhà ở chung chung mà cần xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể.

Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính, quyết định việc cấp đất dự án, xác định tiến độ của các dự án hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương ở từng thời điểm phát triển. Đề nghị Chính phủ có chế tài và tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương.

Thứ tư, chính sách tín dụng, nguồn vốn cho thị trường BĐS có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh và ổn định. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị có sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành có liên quan và Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết nguồn tín dụng hợp lý, tránh tập trung tín dụng quá lớn vào một số phân khúc hoặc một số chủ đầu tư cũng như tránh việc thay đổi chính sách một cách đột ngột và thị trường không kịp điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ năm, Hiệp hội với hệ thống các doanh nghiệp hội viên khắp cả nước, có đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đủ điều kiện năng lực nghiên cứu các vấn đề về thị trường BĐS. Vì vậy, VNREA đề nghị Bộ Xây dựng giao cho Hiệp hội thống kê tình hình thị trường BĐS và một số đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực BĐS./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top