Đại gia Hà Nội muốn biến ga Nha Trang thành cao ốc 30 - 35 tầng
Theo đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Địa chỉ: Thôn 9, Xã Ninh Hiệp, Huyện Gia Lâm, Hà Nội), có 2 phương án được đưa ra để cải tạo, di dời ga Nha Trang.
Phương án 1: Cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng. Xây dựng mới ga Vĩnh Trung là ga hàng hóa và xây dựng thêm đường vòng tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tàu hàng không phải đi vào thành phố.
Với phương án này, gần 37.000m2 đất khu vực nhà ga Nha Trang sẽ “dựng” lên 1 tòa chung cư 30 tầng, 1 công trình hỗn hợp 35 tầng, nhiều nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại…
Phương án 2: Cải tạo nhà ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Chủ đầu tư dự án sẽ dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại; đồng thời xây dựng nhà ga mới ở xã Vĩnh Trung để hệ thống đường sắt không phải đi vào trung tâm như hiện nay.
Với phương án này, gần 115.000m2 đất khu vực ga Nha Trang sẽ được dùng để xây dựng bảo tàng ga Nha Trang, 1 tòa chung cư 30 tầng, 1 công trình hỗn hợp 35 tầng, nhiều nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại…
Được biết, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa thống nhất đề xuất định hướng di dời ga Nha Trang và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố theo phương án 2, mà phía Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung đưa ra.
Tại cuộc họp mới đây về phương án cải tạo, di dời ga Nha Trang, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỏ ý hoan nghênh việc Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung cùng các đơn vị tư vấn đã quan tâm đến dự án này.
Ông Tuân cho rằng, báo cáo phương án di dời ga Nha Trang của Công ty Tuấn Dung và các đơn vị tư vấn chỉ là phương án đề xuất ban đầu chứ chưa phải là hồ sơ đề xuất thực hiện dự án. Đồng thời để có đầy đủ thông tin báo Ban thường vụ tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao các Sở ngành rà soát pháp lý, chủ trương di dời ga Nha Trang, xem xét hồ sơ đề xuất của Công ty Tuấn Dung…
Nếu đề xuất của Công ty Tuấn Dung được chấp thuận, thì đây sẽ là thương vụ giao đất công không qua đấu giá, ở vị trí đắc địa bậc nhất Nha Trang, từ thời ông Nguyễn Tấn Tuân lên làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Gương người tiền nhiệm giúp tân Chủ tịch vượt qua “vết xe đổ”
Để thất thoát hàng ngàn tỷ ở các dự án BT, là một trong những sai phạm nổi cộm, khiến hàng loạt lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, 2 nhiệm kỳ từ năm 2010 đến năm 2020, bị kỷ luật. Vi phạm của các tổ chức Đảng và các cá nhân lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa được kết luận là "rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục".
Hồi cuối năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên.
Ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa trong 2 nhiệm kỳ và những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng, của UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Hậu quả nhãn tiền của dàn lãnh đạo tiền nhiệm sẽ là bài học đắt giá, giúp cho tân chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, lấy làm tấm gương để đưa ra những quyết định đúng đắn, không lặp lại “vết xe đổ”. Định giá tiền sử dụng đất luôn là bài toán khó, nếu không đưa ra đấu giá. Làm sao xác định đúng giá trị tài sản công, theo giá thị trường để thanh toán dự án BT, không làm thất thoát tài sản Nhà nước là thách thức trước mắt cho vị tân Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, tại dự án ga Nha Trang.