Aa

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Thay thế chủ đầu tư dự án nước không đủ năng lực

Thứ Bảy, 07/09/2019 - 06:30

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP. Hà Nội về cung cấp nước sạch cho Nhân dân diễn ra ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP đã kêu gọi người dân sử dụng nước sạch vì sức khỏe của chính mình.

Ngày 6/9, tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP. Hà Nội về cung cấp nước sạch cho Nhân dân, để làm rõ hơn các việc mà TP đã triển khai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trả lời các vấn đề các đại biểu quan tâm. Trong đó, Chủ tịch UBND TP kêu gọi người dân sử dụng nước sạch vì sức khỏe của chính mình.

Dùng nước sạch để nâng cao chất lượng sống

Theo Chủ tịch UBND TP, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội chọn phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. TP cũng đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân trong đó có nâng cao tiêu chuẩn cấp nước sạch cho người dân.

Chủ tịch UBND TP chỉ rõ các bất cập tồn tại như: Trước tình trạng nước ở vùng nông thôn chưa đảm bảo, thiếu nước mùa khô tại các khu chung cư, khu đô thị; nguồn vốn đầu tư cho nước sạch còn thiếu; cấp nước sạch ở nông thôn trước đây không hiệu quả, có dự án có dấu hiệu sai phạm. 

“Trong quá trình đô thị hóa, không lý do gì mà phường, xã mà mỗi nơi lại sử dụng nước chất lượng khác nhau. Nếu chúng ta không thay đổi việc cung cấp nước cho người dân thì phải cắt bêtông đã được xây dựng để làm đường ống nước, gây tốn kém và lãng phí ngân sách nhà nước”, Chủ tịch UBND TP nói.

Ngoài ra, trong quy hoạch nước đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phải hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cấp nước mặt, và đóng các giếng nước ngầm… Đặc biệt, tâm tư của người dân cũng muốn được dung nước sạch. Trên cơ sở đó, TP đã mạnh dạn đề xuất được HĐND TP chấp thuận thông qua các chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân.

Thay đổi tư duy đầu tư, áp dụng công nghệ lọc nước hiện đại

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND TP quan tâm về cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn TP

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP cho biết TP đã báo cáo các bộ, và Thủ tướng cho phép Hà Nội đưa chức năng quản lý toàn bộ nước sạch của Hà Nội về một đầu mối là Sở Xây dựng. TP và Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép các công ty nước sạch, nhà nước không bắt buộc phải giữ 51% vốn, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Từ giữa 2016, TP đưa các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt công khai để kêu gọi đầu tư. TP thay đổi cách kêu gọi đầu tư; đề nghị thêm các nhà máy nước các tỉnh lân cận, đầu tư đường ống đề cung cấp ngược lại cho TP nếu còn thừa công suất. Đồng thời, yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có như: Nhà máy nước Vân Trì, nhà máy nước mặt sông Đà, trạm cấp nước Dương Nội....

Đáng chú ý, TP cũng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức ở Dương Nội, Hà Đông. Chủ tịch UBND TP dẫn chứng về việc trạm lọc nước ở Hà Đông sử dụng công nghệ này. 

“Công nghệ lọc nước này được áp dụng ở khu vực cạnh bãi rác Nam sơn. Sau 6 tháng người dân đã được dùng nước sạch, nếu dùng phương án cũ việc kéo đường ống lên đến khu vực ít mất thời gian, tốn kém hơn rất nhiều”, Chủ tịch UBND TP nói.

3 năm qua, UBND TP đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng mà điển hình như dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã giải phóng mặt bằng 100ha trong vòng 4 tháng. Đồng ý cho các nhà đầu tư vừa thiết kế vừa thi công đường ống, nhờ đó mà trong vòng 7 tháng, Quốc Oai đã đảm bảo 80% các xã có nước sạch. 

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, TP kết nối ngân hàng đồng hành về vốn, có cơ chế chính sách thông qua Quỹ đầu tư để làm “vốn mồi” cho nhà đầu tư; thí điểm xây dựng hệ thống cấp nước ở nông thôn ở 3 huyện để triển khai rộng rãi...

Giá nước sẽ được điều chỉnh để hài hòa lợi ích

Làm rõ hơn việc tại sao nước sạch đến nơi rồi mà có chỗ người dân chưa dùng, Chủ tịch UBND TP lý giải nguyên nhân là thói quyen người dân là chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm trong sinh hoạt để đỡ tốn kém. Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, TP sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các DN cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa...

Trước thông tin, giá nước mặt sông Đà chỉ 5.000/m3 mà nước mặt sông Đuống cao hơn, Chủ tịch UBND TP cho biết, tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sông Đuống đang cao nhất hiện nay. Một số nhà máy nước sẽ phải đầu tư bổ sung công nghệ mới, thay thế đường ống đảm bảo chất lượng. Giá nước sẽ được điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ngay sau hội nghị, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế...

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP kêu gọi người dân đồng thuận trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. “Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch chính là đảm bảo sức khỏe của mình”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top