Aa

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói gì về việc nạo vét, khai thông sông Trường Giang?

Thứ Tư, 03/03/2021 - 06:00

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đầu tư Dự án nạo vét sông Trường Giang sẽ phục vụ tốt nhất đời sống người dân, du khách, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực, hiệu quả.

Trường Giang là dòng sông rất độc đáo, khác với phần lớn những dòng sông khác thường bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi đổ ra biển, dòng sông này không có thượng lưu, hạ lưu, không có hữu ngạn và tả ngạn. Sông Trường Giang chảy theo hướng Bắc - Nam từ Cửa Đại đến Cửa Lở, nối hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía Bắc và hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía Nam. Nguồn nước của Trường Giang được thu nhận từ hai hệ thống sông này. Sông chạy song song với bờ biển và dài khoảng 67km.

Người dân mưu sinh trên dòng sông Trường Giang. Ảnh: Nhân Nghĩa

Sông Trường Giang là dòng chảy chính tiêu thoát lượng nước thừa trong mùa lũ ra biển (thoát lũ từ sông Vu Gia và sông Thu Bồn). Bên cạnh đó, dòng sông này còn là tuyến giao thông thủy quan trọng trong mạng lưới giao thông đường thủy nội địa của vùng, kết nối các khu dân cư, khu kinh tế lớn của tỉnh Quảng Nam. Là tuyết giao thông thủy trọng điểm, ngắn nhất kết nối các đầu mối quan trọng như bến Hội An, cảng Kỳ Hà…

Tuy nhiên, hiện nay do xói mòn nghiêm trọng, bồi lắng (trầm tích sông và biển), việc phát triển ồ ạt các đầm nuôi trồng thủy sản và đập Cổ Linh (xã Bình Hải, H. Thăng Bình), lòng sông bị bồi lấp bởi trầm tích đã làm cho lòng sông bị cạn kiệt, lạch bị thu hẹp nghiêm trọng, tàu thuyền không đi lại được, khu vực ven sông bị ngập dài khi nước lũ về, nước lũ thoát ra biển với tốc độ rất chậm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư dự án, cho biết mục tiêu của dự án là tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm ven biển, cũng như các khu dân cư và các khu du lịch ven biển, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ góp phần phát triển kinh tế xã hội; cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, kết hợp phòng chống ngập lụt và tiêu thoát lũ lưu vực sông Trường Giang, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế khu vực; thúc đẩy phát triển nền kinh tế du lịch, nâng cao chất lượng theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng tuyến vận tải thủy từ Cửa Đại đến Cửa Lở (An Hòa) phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam; nâng cao năng lực neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Cửa Đại và Cửa Lở trong các điều kiện khu vực Cửa Đại hoặc Cửa Lở bị bồi lấp tàu thuyền không thể ra vào; tăng cường khả năng thoát lũ và mở ra hướng nghiên cứu thoát lũ cho TP. Tam Kỳ và các vùng dân cư dọc sông.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (bên trái) khảo sát thực tế sông Trường Giang. Ảnh: H.P

Dự án dự kiến được thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành vào giai đoạn 2026 - 2027, bao gồm: nạo vét sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở. Tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60km, đi qua các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, TP. Tam Kỳ và Núi Thành. Quy mô luồng đường thủy cấp IV, đáp ứng cho tàu 100 tấn lưu thông hai làn, chiều rộng luồng 30m, độ sâu luồng 2,3m… Phạm vi nạo vét bao trọn hết toàn bộ sông (trừ 2km đầu Cửa Đại và 4km đầu Cửa Lở), khối lượng vật chất nạo vét gần 4 triệu mét khối.

Xây dựng 17 đoạn kè bảo vệ bờ ở đoạn luồng hẹp, luồng đi sát bờ và đoạn sát khu dân cư tổng chiều dài 11.500m. Trong đó, kè cứng (kè đá hộc) được xây dựng tại nơi luồng hẹp có mái dốc để hạn chế giải phóng mặt bằng. Kè mềm (lớp phủ thực vật gồm những loại cây sống chịu nước, chịu ngập mặn, như cỏ vetiver, cói, lau sậy, sú vẹt, dừa nước, bần, trám nước…) xây dựng ở những nơi rộng để làm giảm tác động gây sạt lở bờ sông, kênh của sóng và dòng chảy.

Ngoài ra, sẽ xây dựng mới 5 cầu vượt sông: Cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Tĩnh Thủy, cầu Tam Thanh (Quốc lộ 40B) và cầu Tam Tiến, các cầu đáp ứng khổ tĩnh không thông thuyền sông cấp IV… Sau khi dự án hoàn thành sẽ giảm lượng sa bồi trung bình hằng năm từ khoảng 72.733m3 xuống khoảng 37.461m3. Thời gian tiêu thoát lũ sẽ nhanh hơn khoảng 1 giờ, mực nước lũ trên sông sẽ đều giảm, mức giảm cao nhất là 36,8cm. Việc dòng chảy trên tuyến sông được khai thông sẽ làm giảm sự ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở giữa sông.

Cũng theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, dự báo đến năm 2025, khi dự án Nạo vét sông Trường Giang cơ bản hoàn thành, tuyến đường thủy huyết mạch này sẽ góp phần tăng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa cũng như đối với việc vận chuyển hành khách trên sông.

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc triển khai dự án Nạo vét sông Trường Giang sẽ là một “liều thuốc” giúp hồi sinh dòng sông này, tạo đòn bẩy để địa phương khai thác được hết những tiềm năng vốn có của sông Trường Giang. Đây chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt vùng phía Đông Nam của tỉnh Quảng Nam.

Về mặt địa hình, sông Trường Giang cũng tương tự như sông Cổ Cò, chảy theo hướng Bắc - Nam, chạy song song với đường bờ biển và nối 2 cửa (sông Cổ Cò nối Cửa Hàn với Cửa Đại), trong khi sông Trường Giang nối Cửa Đại với Cửa Lở. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quy hoạch của sông Trường Giang sẽ khác với quy hoạch sông Cổ Cò.

“Nếu bám theo sông Cổ Cò là những dự án quy mô nhỏ, chưa được quy hoạch phát triển trước khi thu hút đầu tư thì sông Trường Giang lại khác, được làm mới từ vẻ hoang sơ, đa dạng sinh học. Sông Trường Giang đi từ quy hoạch của vùng phía Đông gắn biển cho đến quy hoạch hai bên bờ sông.

Hai bên bờ sông Trường Giang sẽ không cắt thành những lô nhỏ để giao cho các nhà đầu tư. Dòng sông sẽ được quy hoạch tổng thể một cách khoa học, tổ chức thu hút những nhà đầu tư có năng lực để thực hiện những dự án lớn (quy mô khoảng vài trăm ha) để đảm bảo quy chuẩn của các khu đô thị, khu du lịch đẳng cấp quốc tế, đảm bảo hạ tầng đồng bộ và tạo sức lan tỏa lớn”, ông Lê Trí Thanh, phác họa về tầm nhìn quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị ven sông Trường Giang.

Song song với quy hoạch phát triển sông Trường Giang, ông Lê Trí Thanh cho hay, tuyến đường sát biển cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ giúp hạn chế việc giao đất các dự án ra tận ngoài mép biển, tôn trọng luật bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tạo không gian công cộng cho người dân địa phương tiếp cận được với không gian biển để phục vụ chung. Vừa phát triển dự án đầu tư nhưng đảm bảo yếu tố quyền tiếp cận không gian biển của cộng đồng, cư dân. Đảm bảo yếu tố cơ động trong an ninh quốc phòng.

Ong Le Tri Thanh
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hữu Trà

“Tuyến đường sát biển này cũng được vay vốn từ Ngân hàng Thế giới, đàm phán đồng thời với dự án Nạo vét sông Trường Giang. Khi mà đầu tư xây dựng sông Trường Giang thì đồng thời với đầu tư xây dựng tuyến đường sát biển này”, ông Lê Trí Thanh chia sẻ thêm.

Theo người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam, từ việc đầu tư xây dựng tuyến đường sát biển, bên cạnh đó tuyến đường Võ Chí Công đã được đầu tư; tuyến đường ven sông Trường Giang và các cầu qua sông thì sẽ tập trung kết nối lên vùng phía tây, các đường Quốc lộ, tỉnh lộ kết nối lên phía Tây nối với Quốc lộ 1, nối với đường cao tốc, với đường Hồ Chí Minh, nối với Tây Nguyên sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của địa phương và của vùng.

Theo ông Lê Trí Thanh, để dự án “lọt vào mắt xanh” của Ngân hàng Thế giới không phải dễ. Tổ chức này đã cử các chuyên gia đi khảo sát tất cả các xã tại các khu vực ven sông Trường Giang để lấy ý kiến của người dân về việc nạo vét dòng sông, thu thập thông tin về những tác động đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và việc chuyển đổi nghề nghiệp.

“Kết quả đáng mừng là người dân rất đồng thuận với dự án Nạo vét sông Trường Giang và sẵn sàng chung tay giải phóng mặt bằng, chuyển đổi nghề nghiệp”, ông Lê Trí Thanh thông tin thêm và cho hay đến tháng 3 và tháng 6/2021 sẽ có thêm đoàn chuyên gia Hà Lan (do Ngân hàng Thế giới lựa chọn) sang tiếp tục khảo sát các vấn đề khác nhau…

Trên sông Trường Giang hiện có rất nhiều người dân chọn mưu sinh nên UBND tỉnh Quảng Nam hết sức cân nhắc trước khi quy hoạch, chuyển đổi nghề. Ảnh: H.P

Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thanh, quan điểm của UBND tỉnh Quảng Nam rất rõ ràng: Những khu vực đông dân cư, có lịch sử lâu đời ở khu vực ven sông, tập trung mật độ dân cư cao thì trong quy hoạch cố gắng giữ lại. Sẽ hạn chế việc giải tỏa trắng những khu vực người dân sống quần cư lâu đời, mật độ dân cư cao, có những di tích về lịch sử, về văn hóa. “Các khu dân cư giữ lại trên cơ sở khoa học nhất, đảm bảo tính hài hòa trong việc tôn trọng bản sắc vùng sông nước của Quảng Nam, nhưng vẫn đảm bảo các tiện ích đô thị để đời sống người dân ngày càng đi lên”, ông Lê Trí Thanh, tâm sự.

“Đối với những khu vực cần thiết phải giải phóng mặt bằng thì mới giải phóng mặt bằng, nhưng sẽ thực hiện trên cơ sở những người dân ở khu vực giải phóng mặt bằng sẽ được bố trí xen kẽ vào những nơi đã có sẵn dân cư sinh sống, cố gắng không để cộng đồng dân cư bị phân tán và tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư đã sinh sống với nhau bao đời nay sẽ tiếp tục sống gần nhau. Chỉ di dời đối với những khu nào không thể thực hiện được, khi đấy mới xây dựng, bố trí các khu tái định cư và di dời người dân đi”, ông Lê Trí Thanh, nói thêm.

Cũng theo ông Lê Trí Thanh, có rất nhiều hình thức chuyển đổi nghề, tạo điều kiện chuyển đổi nghề của người dân để tham gia phục vụ vào sự phát triển chung. Khi các khu du lịch, resort đi vào hoạt động thì nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm sạch, an toàn, phục vụ cho du khách rất lớn. Tỉnh Quảng Nam đã và sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để tổ chức sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo các yêu cầu để cung cấp cho các khu du lịch. Các khu du lịch sẽ hỗ trợ cho người dân địa phương quy hoạch và tổ chức trồng các vùng lương thực an toàn, chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, hạn chế sử dụng hóa chất để làm nguyên liệu phục vụ lại cho các khu du lịch này.

Quảng Nam tiến hành làm việc với các doanh nghiệp đầu tư du lịch vào những khu vực này, kết hợp với địa phương tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng quê… trở thành các vệ tinh để phục vụ khu du lịch. Kéo dài thời gian khách lưu trú tại các resort cao cấp bằng cách mở rộng không gian tham quan, trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm làng quê ở những khu vực này. Người dân sẽ có cơ hội tham gia vào những mô hình du lịch này để phục vụ du khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Quảng Nam tổ chức gặp gỡ một số cơ quan báo chí để thông tin về dự án Nạo vét sông Trường Giang. Ảnh: Nhân Nghĩa

Ngoài ra, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết sẽ làm việc với các nhà đầu tư để thống nhất tổ chức các điểm bán hàng, các sản phẩm lưu niệm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP của Quảng Nam ở trong các khu du lịch cao cấp, các resort nghỉ dưỡng. Như vậy sẽ mở ra một hướng mới để tạo thêm công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đối với những người dân vẫn muốn tiếp tục những công việc gắn bó với sông nước như nuôi tôm, đánh bắt cá,… thì chính quyền sẽ quản lý chặt chẽ, cái nào phù hợp với quy hoạch, đảm bảo được môi trường sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường... mới cấp phép hành nghề.       

Sông Trường Giang chảy từ Cửa Đại vào Cửa Lở, độ mặn có sự thay đổi, độ nông sâu có sự thay đổi, địa hình có sự thay đổi. Trên cơ sở khảo sát này, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho các nhà khoa học nghiên cứu để phục hồi lại hệ thực vật, thủy hải sản…

Hai bên bờ sông Trường Giang đoạn qua huyện Duy Xuyên, Thăng Bình thì thích hợp với các loại cây dừa nước, cói. Vào trong khu vực TP. Tam Kỳ thì có cây dừa, qua huyện Núi Thành thì hợp với cây bần, cây đước. Bản thân các loài sinh vật ở dưới nước cũng có sự khác nhau như cá ở vùng cửa sông Thu Bồn khác, cá ở vùng Cửa Lở khác…

Khai thông sông Trường Giang sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Nghĩa

“Đến lúc này, khi Quảng Nam quyết định tổ chức Dự án Nạo vét sông Trường Giang thì đã có ít nhất 4 công trình khoa học nghiên cứu về sông Trường Giang. Có những công trình đang nghiên cứu và chưa nghiệm thu, các công trình nghiên cứu mang tính toàn diện, có cái thuần túy về mặt kỹ thuật, có những cái mang tính môi trường, có những cái mang tính xã hội…

Từ sự toàn diện đó mà Quảng Nam cân nhắc trước khi quyết định phương án triển khai dự án Nạo vét sông Trường Giang. Trong đó có vấn đề về nghiên cứu phục hồi đa dạng sinh học dọc con sông Trường Giang”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Du lịch sông nước trên dòng Trường Giang dài 67km với sự đa dạng sinh học sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị khi du khách đến với Quảng Nam. Ảnh: Nhân Nghĩa

“Nếu như sông Cổ Cò là con sông thiên về mặt kiến trúc, đường hai bên sông sát với bờ sông và phát triển các dự án tiếp giáp với bờ sông. Sông Cổ Cò có đặc điểm là lòng sông nhỏ, hẹp (trung bình khoảng 80m), nên phù hợp với việc tạo ra một đô thị ven sông với lối kiến trúc độc đáo, không quá tách xa nhau, thu gọn lại, bám sát hai bên dòng sông, lấy dòng sông làm chủ đạo”, ông Lê Trí Thanh, nói về kiến trúc đô thị ven sông Cổ Cò và cho rằng: “Khác với sông Cổ Cò, sông Trường Giang sẽ quy hoạch để giữ cho được hiện trạng tự nhiên như vốn có của nó. Các đường trục giao thông sẽ cách xa bờ sông, chỉ ép sát bờ sông khi nào địa hình không thể thay đổi được. Về cơ bản sẽ giữ nguyên địa hình hiện tại để sau này sẽ tổ chức các thảm thực vật và các điểm dừng chân trên tuyến sông cho du khách tham quan các mô hình, các cánh đồng nuôi trồng thủy sản sạch,…

Du khách đi từ Đà Nẵng theo đường sông khi qua sông Cổ Cò sẽ thấy những công trình tiệm cận hai bên bờ sông, nhưng khi vào đến cửa ngõ sông Trường Giang sẽ vỡ òa trước một không gian rộng mênh mông và tự nhiên”.

“Đối với quy hoạch sông Cổ Cò, chúng ta đã bị động. Nhưng với sông Trường Giang, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quy hoạch, nạo vét, thiết kế, đầu tư, xây dựng... Quan điểm chủ đạo về quy hoạch của con sông Trường Giang là con sông mang màu sắc về tính đa dạng sinh học”, ông Lê Trí Thanh khẳng định.

4 triệu khối cát nạo vét sông Trường Giang đi đâu?

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, cát nạo vét trên sông Trường Giang sẽ được sử dụng để tạo bãi cho dự án đầu tư xây dựng kè Cửa Đại (đoạn từ phía Bắc khách sạn Victoria). Hiện dự án này cũng đã được triển khai nhằm khắc phục tình trạng xói lở bờ biển ở Cửa Đại - TP. Hội An. Nên dự án Nạo vét sông Trường Giang là dự án nhất cử lưỡng tiện của tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, ngoài việc nạo vét lòng sông qua H. Duy Xuyên (8km), H. Thăng Bình (25km), TP. Tam Kỳ (11km), H. Núi Thành (16km), sẽ tiến hành xây dựng kè cứng, kè mềm bảo vệ, phục hồi thảm thực vật bản địa, đồng thời xây dựng mới 5 cây cầu: Bình Dương, Hưng Mỹ, Tỉnh Thủy, Tam Thanh, Tam Tiến, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Thế giới tương đương 1.394,87 tỷ đồng).

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top