Chiều 16/12, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Một trong những nội dung được đề cập nhiều trong buổi làm việc là lộ trình xây dựng đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong).
Báo cáo với Chủ tịch QH, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị QH thống nhất cho phép điều chỉnh quy mô, lấy toàn bộ diện tích huyện Vạn Ninh gồm 111.000 ha, dân số trên 128.000 người của 13 xã, thị trấn để xây dựng đặc khu. Việc lấy cả huyện Vạn Ninh vào đặc khu có ưu điểm là không phát sinh thêm đơn vị hành chính mới, biên chế cán bộ mới, không phải xây dựng trụ sở, thuận lợi cho việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế, không gây xáo trộn tâm lý nhân dân. Bên cạnh đó, đặc khu sẽ có đủ không gian quy hoạch phát triển.
Theo ông Vinh, do vốn xây dựng đặc khu rất lớn, khoảng 115.000 tỉ đồng nên Khánh Hòa đề nghị có chính sách đặc thù như: để lại 100% số thu xuất nhập khẩu, thu nội địa phát sinh ở Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Vạn Ninh đến năm 2030. Để lại 50% ngân sách cho địa phương đối với phần ngân sách trung ương được hưởng, bổ sung cho đặc khu trong 5 năm kể từ ngày thành lập. Kéo dài tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Nha Trang đến khu vực Bắc Vân Phong (thêm 80 km). Trong thời gian thực hiện các thủ tục lập và quy hoạch đặc khu, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho phép thu hút một số nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào đặc khu...
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết QH đang chỉ đạo làm luật Đơn vị kinh tế đặc biệt, đồng thời chuẩn bị 3 nghị quyết để thành lập 3 đặc khu. "Tôi rất thống nhất chủ trương điều chỉnh là đưa cả huyện Vạn Ninh vào đặc khu. Đưa Vạn Ninh vào thì mới tương đương với Phú Quốc, Vân Đồn và không làm phát sinh đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa cần chuẩn bị trước, đừng chờ luật mà sớm trình ra Ủy ban Thường vụ QH" - bà Ngân đề nghị.
Trước đó, ngày 13/12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với các sở, ngành chức năng về đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vốn đầu tư cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong khoảng 115.000 tỉ đồng. Về đầu tư hạ tầng cho đặc khu, phân kỳ đến năm 2020 cần khoảng 23.000 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2025 khoảng 73.000 tỉ đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ phải huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó mời các nhà đầu tư làm dự án theo hình thức BOT, BT, PPP với khoảng 20.000 tỉ đồng.
Trong buổi họp ngày 13/12, Khánh Hòa cũng đề nghị có chính sách đặc thù để lại toàn bộ số thu từ xuất nhập khẩu trên địa bàn Khu Kinh tế Vân Phong hiện tại và tại Đặc khu Bắc Vân Phong đến năm 2030. Đồng thời, để lại 50% cho địa phương đối với phần ngân sách trung ương được hưởng để bổ sung cho đặc khu trong 5 năm kể từ ngày thành lập.