Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung: Trên con đường giải mã hạnh phúc

Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung: Trên con đường giải mã hạnh phúc

Lương Kim
Lương Kim luongkjm@gmail.com
Thứ Tư, 30/06/2021 - 06:10

Ở đâu đó, về tiểu sử của doanh nhân Nguyễn Đình Trung, họ đã viết: “Ông Nguyễn Đình Trung thuộc thế hệ 7X, sinh ra trong một gia đình nghèo tại miền quê Bình Định... Năm 1990, ông đậu Đại học chuyên ngành kế toán tại TP.HCM. Sau khi ra trường, ông đã thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau, và rồi lại bén duyên với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho đến hiện tại”. Vị Chủ tịch của Tập đoàn Hưng Thịnh đã được mô tả như vậy, xuất thân từ một gia đình nghèo, nơi đất võ Bình Định.

***

Và có một điều rất chung ở nhiều vị doanh nhân của Việt Nam là khi nhắc tới tiểu sử, người viết thường nhấn về cái nghèo. 

Cũng có một vị doanh nhân được nhắc đi nhắc lại trên báo chí về việc xuất thân từ một gia đình nghèo, thuộc vùng quê nghèo của Hải Dương. Nhưng thực tế được chia sẻ từ chính nhân vật thì gia đình ông thật ra cũng… không nghèo. Hải Dương là quê của bố mẹ ông mà thôi, còn ông lớn lên ở Hà Nội, có thể coi là một chàng trai Hà Nội.

Quay trở lại với một xuất thân nghèo, có lẽ, đó là cái cớ để bài viết trở nên thu hút hơn, và cái nghèo đó phải chăng còn là một động lực mạnh mẽ cho quá trình khởi nghiệp, phát triển của những người mang trong mình khát vọng vươn lên.

Riêng với Nguyễn Đình Trung, tôi không nghĩ rằng vị doanh nhân ấy nghèo. Bởi ở giai đoạn 2007 - 2008 khi nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và gặp khó khăn, thì có người bạn đã sẵn lòng tin tưởng đưa 7, 8 tỷ đồng để ông làm ăn kinh doanh, thì hoặc Nguyễn Đình Trung đã gây dựng được một chữ tín rất tốt, hoặc Nguyễn Đình Trung là người “khá” chứ chẳng hề “nghèo”. Nhưng có lẽ phải thừa nhận rằng, việc xuất thân từ miền đất Bình Định đã hun đúc nên những chất “võ” trong con người bản lĩnh ấy, để “dám” mạnh mẽ bước vào bất động sản với tấm bằng cử nhân kế toán.

Là người theo sát và có nhiều năm gắn bó với Hưng Thịnh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có những chia sẻ thú vị xung quanh Tập đoàn và vị "chủ soái" Nguyễn Đình Trung:

- Thưa ông Lê Hoàng Châu, là một người gắn bó mật thiết với doanh nghiệp bất động sản TP.HCM và hơn hết là có thời gian dài song hành cùng Tập đoàn Hưng Thịnh, ông đánh giá thế nào về doanh nghiệp này?

Ông Lê Hoàng Châu: Khi nhận xét về một doanh nghiệp, tập đoàn, tôi rất muốn là mình có đủ thông tin để đánh giá khách quan và vô tư nhất. Vì mỗi đơn vị bao giờ cũng có mặt tốt, tích cực có thể phổ biến làm kinh nghiệm tốt để học tập, nhưng cũng vẫn có những gót chân Achilles - điểm yếu. Thậm chí ngay ở tập đoàn lớn cũng vẫn còn những điều chưa tốt.

Cho nên mình cần phải hết sức khách quan. Khi khách quan ta sẽ triệt tiêu ở mức tối đa các định kiến. Còn nếu không khách quan, thì hoặc bạn sẽ định kiến, hoặc lại “thương ai thương cả đường đi”, nên đánh giá của mình lúc đó không còn trung thực nữa.

Với Hưng Thịnh, nhìn lại thị trường giai đoạn mà doanh nghiệp này bắt đầu thành lập, thì đó cũng là giai đoạn thị trường vừa mới hình thành, còn rất sơ khai.

Có thể nhìn thấy rằng, khoảng chục năm đầu trong quá trình phát triển, Hưng Thịnh đã trải qua không ít gập ghềnh, sóng gió. Một đồ thị hình sin đã được vẽ ra để chờ đợi con thuyền ấy neo đậu, vượt lên rồi lại trồi sụt… 

Năm 2002, doanh nhân Nguyễn Đình Trung thành lập CTCP Hưng Thịnh Land (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Đồng Tiến), chuyên hoạt động tư vấn môi giới bất động sản.

Ra đời khi thị trường bất động sản còn ở giai đoạn sơ khai, hoạt động của Hưng Thịnh khi ấy chủ yếu là môi giới bất động sản. 

Năm 2007, Nguyễn Đình Trung thành lập CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corporation).

Sau 6 năm vận hành phát triển, cú đánh lái đầu tiên của Hưng Thịnh là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 - 2008, đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam chịu tác động không hề nhỏ.

Theo đó, giai đoạn 2006 - 2008 là khoảng thời gian vàng son ngắn ngủi của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi mà người người, nhà nhà đều tham gia bất động sản. Sự lưu thông dòng tiền qua thị trường chứng khoán mang tới một nguồn vốn khổng lồ được huy động thông qua kênh này. Nhưng rồi, bong bóng bất động sản đã hình thành và vỡ tan ngay trong chính giai đoạn này. 

Bong bóng bất động sản khi ấy vỡ do 3 vấn đề chính:

Thứ nhất, giai đoạn 2006 - 2008 thị trường bất động sản bắt đầu đạt đỉnh, các nhà đầu cơ bắt đầu nhảy vào, cùng với chính sách nới lỏng tín dụng cho vay bất động sản, người người nhà nhà kiếm lời thông qua kênh này. Khi nguồn vốn từ chứng khoán giảm, các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất. Lúc này các nhà đầu cơ không chịu nổi sức nóng bắt đầu bán ra bất chấp giảm giá.

Thứ hai, đây cũng là giai đoạn một ngành nghề mới xuất hiện và đến nay, đây là thành phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ - Nhóm môi giới thứ cấp. Nhưng tại thời điểm đó, riêng nhóm này cũng góp phần thổi giá bất động sản làm cho giá rao bán cao hơn nhiều so với giá trị thực.

Thứ ba, nợ xấu xuất hiện, thiếu vốn đầu vào làm cho việc phát triển dự án của các chủ đầu tư chậm lại. Bong bóng bắt đầu vỡ - giá nhà đất sau 3 lần “sốt nóng” đã tăng lên 100 lần.

Bong bóng bất động sản nổ ra kéo theo sự đóng băng của hàng loạt dự án bất động sản. Bất động sản rơi vào cảnh “đóng băng” và kéo dài suốt 6 năm sau đó.

Tại thời điểm ấy, hàng nghìn doanh nghiệp đã nghĩ đến cảnh phá sản, phải rời bỏ công việc kinh doanh. Nhưng chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh lại có hướng suy nghĩ khác, vị doanh nhân này tin rằng, nhà đất vẫn là tài sản lớn nhất trong quan niệm của người Việt Nam.

Ông nhận định, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng sẽ đi kèm tình trạng “đầu cơ”, nên khi gặp “bong bóng”, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt hại với những dự án không có người ở. Trong khi đó, người dân có nhu cầu thực sự lại không thể mua nhà với giá tốt nhất và phải tăng thêm chi phí khi mua lại từ những nhà đầu tư thứ cấp đã “gom hàng” trước đó.

Cơ hội đến với tôi, vì khi đó, nhu cầu của người dân quá lớn mà nguồn cung lại hạn chế. Tôi nhận thấy, chỉ cần đưa ra những sản phẩm phù hợp với khách hàng, tạo cho họ niềm tin về sự phát triển bền vững, hạn chế rủi ro thì chắc chắn sẽ được đón nhận”, ông Trung chia sẻ.

Vậy là, sau nhiều năm bôn ba với nghề môi giới, khi ông Trung tham gia vào đầu tư bất động sản thì cũng đúng lúc thị trường nhà đất vào cơn sốt giai đoạn 2007 - 2008. Và rồi, những dự án đầu tiên của Hưng Thịnh đầu tư, hợp tác đầu tư ở TP.HCM, Vũng Tàu, Phan Thiết đã đem lại thành công cho doanh nghiệp.

Năm 2010, Nguyễn Đình Trung bắt đầu khởi công xây dựng Dự án Căn hộ Thiên Nam Apartment - đánh dấu bước đi mới trên con đường phát triển bất động sản chuyên nghiệp.

Những tưởng một biểu đồ trồi sụt với muôn vàn khó khăn đã vẽ ra ở đó và chờ đợi, nhưng vị “chủ soái” của Hưng Thịnh đã khéo léo mà chèo lái con thuyền qua sóng gió bằng cú đánh lái ấn tượng, để sau màn bão giông của thị trường, Hưng Thịnh chuyển mình trên cung đường mới.

***

- Nhìn lại khoảng chục năm đầu phát triển của Hưng Thịnh, ông nghĩ thế nào về câu chuyện khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sau sự thành công của Tập đoàn này?

Ông Lê Hoàng Châu: Không phải cho đến khi bạn đặt câu hỏi này tôi mới có suy nghĩ, nhân sinh quan về chuyện khởi nghiệp và bất động sản. Từ trước tới nay, tôi vẫn khuyến khích các bạn trẻ nếu muốn lập nghiệp trong bất động sản thì môi giới bất động sản là một lĩnh vực mà các bạn có thể khởi sự kinh doanh ở đó. Vì thứ nhất, không quy định anh phải có nguồn vốn lớn, mà chỉ bằng hiểu biết và kết nối của anh, anh hoàn toàn thông qua cái nghề - nghề không vốn - làm môi giới, làm cò để hưởng thù lao, hoa hồng.

Nhìn lại 10 năm đầu trong bước đường khởi nghiệp, phát triển của Nguyễn Đình Trung và Hưng Thịnh thì có thể nói, các bạn trẻ khởi nghiệp bất động sản trong giai đoạn đầu những năm 2000 hoặc kể cả từ đầu những năm 1990, phần lớn đều bắt đầu bằng hoạt động cò đất, cò nhà, môi giới bất động sản; và những người sáng lập của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng là những người làm nghề môi giới, bán lại sản phẩm của các tập đoàn lớn.

Những bạn trẻ này khởi nghiệp bằng con đường ấy có lợi thế là am hiểu thị trường, am hiểu khách hàng, am hiểu nhu cầu và khi đã tích lũy được nguồn vốn nhất định, chuyển thành doanh nghiệp phát triển bất động sản.

Trong quá trình đó, có những người phát triển lên một cách vững chắc, trong đó có thể nói tới Hưng Thịnh đầu tiên. Ban đầu, họ là nhóm các bạn trẻ cùng trang lứa rủ nhau làm ăn, nhưng sau đó khác biệt về mô hình quản lý cho nên họ đã tách ra làm 2, một là Nguyễn Đình Trung và Nguyễn Văn Cường - hai anh tiếp tục giữ thương hiệu Hưng Thịnh để phát triển; một nhóm khác tách ra làm công ty riêng Hưng Hưng Thịnh của anh Gia Thạnh và chị Trâm, cũng là những người sáng lập Hưng Thịnh ban đầu.

Nói đến những doanh nghiệp lớn lên từ môi giới thì có thể kể thêm Phúc Khang, cũng xuất phát từ nghề môi giới phát triển lên, hay như Tập đoàn Danh Khôi, Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn của anh Thái Hoàng…

Với Hưng Thịnh, Nguyễn Đình Trung cũng đã chọn con đường khởi nghiệp bắt đầu từ môi giới. Cho đến nay, Tập đoàn này đã và đang trên đường trở thành tập đoàn đa ngành với trên 100 đơn vị thành viên.

Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế chung, nhưng con số mua bán sản phẩm hằng năm của Hưng Thịnh cũng lên tới trên dưới 8.000 sản phẩm.

Cơ hội đến bằng nhiều hình hài khác nhau. Đôi khi cơ hội đến trong niềm vui, trong sự hân hoan của một chiến thắng; nhưng cũng có lúc, cơ hội lại đến trong bối cảnh toàn màu xám, mà người tinh ý sẽ nhìn thấy ánh sáng lóe lên trên cái nền xám ngắt ấy.

Với Hưng Thịnh và vị “chủ soái”, thì cơ hội đã đến trong bối cảnh khó khăn như vậy.

Hậu khủng hoảng thị trường tài chính, đến lượt thị trường địa ốc chịu khủng hoảng vào giai đoạn 2009 - 2012. Tuy nhiên, với chiến lược thâu tóm các dự án “chết lâm sàng” từ trước đó, song song với việc hợp tác phát triển cùng nhiều đối tác, Hưng Thịnh đã nắm trong tay hàng chục dự án bất động sản lớn.

Thành công của Hưng Thịnh, một phần là do đã tìm cho mình sự khác biệt trong khai thác khách hàng. Không chỉ tập trung tìm kiếm khách hàng ở thành phố, Hưng Thịnh còn vươn về các vùng quê, các địa phương để tiếp cận những bậc phụ huynh có nhu cầu mua nhà cho con lên TP.HCM học tập, sinh sống và làm việc. Đây cũng là một hướng đi riêng để tìm thị phần của Hưng Thịnh.

Sự bứt phá và thay đổi tư duy của Nguyễn Đình Trung không chỉ diễn ra trong một giai đoạn cố định, mà nó dường như xuyên suốt chuỗi thời gian lớn mạnh của Hưng Thịnh.

Năm 2012, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về năng lực xây dựng với dự án Golden Bay Cam Ranh - một khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.

Năm 2013, ông Trung nhận tổng thầu xây dựng dự án Chung cư cao cấp đầu tiên - Căn hộ 91 Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình, TP.HCM). Khởi công xây dựng các dự án Căn hộ Sky Center, Căn hộ Melody Residences tại TP.HCM (năm 2014).

Sau gần 5 năm suy thoái, thị trường bất động sản lại quay trở lại đà tăng trưởng của mình và bắt đầu rơi vào quỹ đạo sốt đất lần tiếp theo vào giai đoạn 2014 - 2017. Đây là khoảng thời gian có sự phát triển một cách toàn diện và đồng đều ở hầu hết các phân khúc. Sự xuất hiện nhiều loại hình bất động sản mới: Shophouse, Condotel, Biệt thự nghỉ dưỡng, Officetel giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng của hàng loạt quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán sau 10 năm bắt đầu lại đạt đỉnh vào cuối năm 2017.

Đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Hưng Thịnh với những dấu mốc đáng nhớ.

Năm 2015, phát triển Hưng Thịnh Incons - đơn vị thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh thành một đơn vị tổng thầu chuyên nghiệp với nhiều dự án quy mô lớn như: Căn hộ Florita, Căn hộ Vung Tau Melody, Căn hộ Saigon Mia.

Năm 2016, Tập đoàn Hưng Thịnh tiếp tục phát triển các dự án Căn hộ 9 View Apartment, Căn hộ Moonlight Residences và hàng loạt dự án nổi tiếng khác.

Được biết, trong năm 2016, Hưng Thịnh đã M&A và hợp tác đầu tư 14 dự án, ở khu Đông và Tây thành phố, Vũng Tàu, Khánh Hòa… Tổng quỹ đất lúc này lên tới 1.000ha, riêng ở TP.HCM là 200ha - đủ để công ty có định hướng phát triển trong 10 năm tiếp theo.

Năm 2017, CTCP Thiết kế - Xây dựng Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Construction) đổi tên thành CTCP Hưng Thịnh Incons (Hưng Thịnh Incons). Ngày 12/11/2018, Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với mã HTN).

Cũng trong năm 2017, Tập đoàn Hưng Thịnh khởi công xây dựng dự án Biệt thự nghỉ dưỡng Cam Ranh Mystery Villas.

Trái ngọt đã chín, năm 2017, Nguyễn Đình Trung là 1 trong 10 doanh nhân trẻ được vinh danh Giải thưởng Sao Đỏ.

Triển khai từ năm 1999, Sao Đỏ là giải thưởng đầu tiên ở Việt Nam bình chọn, tôn vinh doanh nhân trẻ có thành tích xuất sắc trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh, là những gương sáng điển hình góp phần khơi dậy tinh thần lập nghiệp trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Đình Trung nhận Giải thưởng Doanh nhân trẻ Sao Đỏ 2017

Doanh nhân Nguyễn Đình Trung chia sẻ rằng: "Khi nói đến bất động sản người ta nghĩ ngay đến siêu lợi nhuận, nói đến chủ đầu tư dự án người ta nghĩ tới những "nhà giàu", "đại gia"... Nhưng, những khó khăn cũng như tính cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này thì chỉ có "người trong cuộc" mới hiểu rõ.

Tuy nhiên, tôi là con người của hành động và không ngại đối mặt với thách thức, càng khó khăn tôi càng muốn vượt lên. Trong tôi không có chỗ cho những điều đã cũ và tôi cảm thấy thú vị trước những thử thách mới. Nó tạo điều kiện cho tôi suy nghĩ và liên tục suy nghĩ để "tìm ra đáp án" cho "bài toán khó". Cũng đau đầu thật nhưng khi đã tìm ra hướng đi thì quả thật rất... đã".

Thời cuộc thay đổi, trong hành trình phát triển của doanh nghiệp, tư duy người lãnh đạo phải đổi thay, nếu không chúng ta sẽ nhanh chóng tụt hậu. Chính vì tư duy như vậy, nên ở Hưng Thịnh, Nguyễn Đình Trung luôn để cấp dưới của mình tự do sáng tạo và phát triển nghề nghiệp…

Có một cuốn sách ra đời vào năm 2007 của tác giả Trần Sĩ Chương, mang tên “Nói Chuyện Làm Ăn”, là tập hợp những bài viết từ năm 2001 ghi lại những suy nghĩ của tác giả về một số vấn đề khó khăn trong "chuyện làm ăn" của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân thời kỳ đất nước chuyển mình hội nhập bước vào vận hội mới.

Tôi lựa chọn cuốn sách ấy với những trích dẫn của Trần Sĩ Chương vì câu chuyện mà ông chia sẻ trùng với thời điểm mà Hưng Thịnh thành lập, nên ắt hẳn họ sẽ có cùng nhau những dòng suy nghĩ, những băn khoăn của doanh nghiệp trong bối cảnh khi ấy.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương

Đặc biệt hơn khi Trần Sĩ Chương là một người có điều kiện tham gia vào hoạt động tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, gần 20 năm nay ông lại có nhiều cơ hội quan sát một số vấn đề kinh tế xã hội đáng quan tâm ở Việt Nam.

Trước cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương tôi đã muốn đặt ra một câu hỏi rằng, giữa lý trí và cảm xúc, thì chúng ta nên lựa chọn tỷ lệ nào, với kinh nghiệm từ ông. Nhưng hóa ra, điều đó khó lòng cân đo được. Lý trí cần thiết, nhưng cảm xúc cũng rất quan trọng, bởi những cảm xúc tích cực chính là đòn bẩy đưa bạn vượt qua mọi khó khăn, đau khổ để trèo tiếp lên những bậc thang cao hơn…

- Thưa ông Trần Sĩ Chương, quay lại thời điểm 15 - 20 năm trước, những ông chủ doanh nghiệp khi ấy đứng trước thuận lợi, khó khăn ra sao?

Chuyên gia Trần Sĩ Chương: Thời điểm đó, doanh nhân Việt đang đứng trước những cơ hội lịch sử để tự chủ được tương lai của mình. Bởi, xã hội cần nhiều hơn những doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, làm đầu tàu, tạo công ăn việc làm có giá trị cao, thay vì chỉ làm gia công cho các ông chủ ngoại.

- Tôi muốn có một bức tranh rõ nét hơn về suy nghĩ, quan điểm của người làm chủ khi ấy, có khác gì các ông chủ ngày nay?

Chuyên gia Trần Sĩ Chương: Khi ấy, trong suy nghĩ của không ít doanh nhân, mọi chuyện mình đang làm đều quan trọng và khó ai thay thế được. Điều này có thể đúng trong bước đầu khởi nghiệp khi mọi việc đều phải tự làm.

Thế nhưng theo nghiên cứu của các nhà quản trị, ai cũng có thể tiết kiệm ít nhất 20% thời gian bằng cách tổ chức lại cuộc sống riêng tư, công việc, vấn đề đi lại... cho hợp lý hơn.

Ngoài ra, ít nhất 20 - 30% những công việc mình đang gánh vác có thể giao được cho người khác làm thay. Đây là những việc có mức độ ưu tiên thấp nhất mà nếu thoát khỏi chúng, ta sẽ có nhiều thì giờ cho những công việc có giá trị cao hơn và hiệu suất công việc từ đó cũng tăng đáng kể.

- Vậy đâu là kim chỉ nam cho lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay? 

Chuyên gia Trần Sĩ Chương: Tôi cho rằng người lãnh đạo cần phân biệt rõ ràng giữa quản lý và quản trị. Quản lý là xử lý vụ việc trước mắt, tập trung vào hiệu năng, nhìn công việc cá biệt một cách tập trung, như khi chúng ta nhìn một cái cây. Trong khi đó, quản trị tập trung vào hiệu quả cuối cùng, nhìn tổ chức một cách tổng thể, như khi chúng ta nhìn một khu rừng.

Tôi rất tâm đắc với 5 vấn đề mà vị cha đẻ của ngành khoa học quản trị, nhà nghiên cứu, Giáo sư Peter Drucker, đã chỉ ra và đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp luôn luôn phải biết:

1/ Mục tiêu cao nhất của tổ chức là gì và phải làm những gì để đến được đó?

2/ Có kế hoạch hành động cụ thể và rõ ràng. Không làm việc theo cảm tính, tuỳ tiện.

3/ Làm sao nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực và tri thức. Đây là thách thức lớn nhất.

4/ Ý thức làm những gì đúng nhất tốt nhất cho doanh nghiệp, chứ không chỉ cho cổ đông và dĩ nhiên không chỉ cho chính bản thân.

5/ Đặc biệt là cần phải nghĩ đến nhân viên của mình vì đây không chỉ là nhân viên mà còn là những con người.

Có biết quản trị thì mới có thể lãnh đạo hiệu quả. Có lãnh đạo hiệu quả thì mới không bị động, mới thật là “ông chủ”. Có là ông chủ thật sự thì mới kiểm soát chủ động được sự kế thừa sự nghiệp của mình!

Các dự án đã và đang triển khai của Tập đoàn Hưng Thịnh

Trong cuốn sách “Nói Chuyện Làm Ăn”, ông Trần Sĩ Chương từng viết: “Đa số doanh nhân thành đạt ở đâu cũng dễ bị lâm vào một tình trạng chung là luôn cảm thấy bị động. Tiền bạc đã có nhưng không có được sự thoải mái tinh thần. Đã ném lao phải theo lao, lớn thuyền thì lại lớn sóng, suốt ngày vất vả, tất bật, nghĩ ngợi đủ chuyện trăm bề… 

Doanh nhân cần cái tĩnh trong cái động để định hình được hoàn cảnh của mình và để tự tìm lối thoát. Nhưng cái tĩnh lại không có sẵn để mua!

Cái tĩnh này là sự tỉnh táo, mà điều kiện cần thiết là thời gian để nhìn lại mình đang ở đâu và áp lực nào đang bao quanh cũng như tác động của mình. Nhưng thời gian lại là của hiếm đối với những doanh nhân đang thành đạt. Như vậy muốn tìm được cái tĩnh thì việc đầu tiên là giải toả bớt công việc, chia sẻ trách nhiệm để có thêm thời gian cho riêng mình”.

***

Đó chính là sự đồng điệu tôi tìm thấy được ở Hưng Thịnh và cuốn sách cùng thời điểm ấy của ông Trần Sĩ Chương. Khi mà tác giả đang tìm kiếm những doanh nhân "làm chủ" thực sự, biết phân phối công việc để dành thời gian tĩnh tại cho mình, thì chính Hưng Thịnh và Nguyễn Đình Trung là câu trả lời.

Dù vị doanh nhân ấy đã thừa nhận rằng: "Thật sự tôi chẳng phải là nhà quản lý giỏi", nhưng hóa ra cái không giỏi ấy là do ông cho rằng mình chỉ là một người lãnh đạo tinh thần, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ở Tập đoàn, còn các công việc kinh doanh, lên kế hoạch phát triển, đều có những bộ phận chuyên trách, những con người chuyên trách làm. 

Tôi biết ai là người giỏi nhất trong lĩnh vực nào, và đặt họ đúng vị trí mà họ mong muốn. Đồng thời, truyền cảm hứng để họ phát huy tốt nhất khả năng của mình. Tôi định hướng chiến lược chung, mọi việc sẽ có những bộ phận khác triển khai.

Vậy mà cũng có đôi lúc tôi thấy mình gần như kiệt sức. Tuy nhiên, thành công nào cũng có cái giá của nó. Và tôi nghĩ tôi chỉ có thành công duy nhất - đó là có khả năng sống cuộc sống của mình theo cách mình muốn”.

Gần 20 năm hình thành, phát triển, con đường gập ghềnh đã đi qua với đủ đầy chông gai, đất đá và cả hoa hồng, Hưng Thịnh ngày nay đang vững bước trên một con đường bằng phẳng và rộng dài hơn. Dù chưa biết tương lai xa xôi hơn ra sao, nhưng những con người của Hưng Thịnh đang từng ngày từng giờ hạnh phúc dưới mái nhà chung ấy, cùng văn hóa sẻ chia được hun đúc và duy trì từ “chủ soái” Nguyễn Đình Trung.

Doanh nhân Nguyễn Đình Trung chia sẻ: “Doanh nghiệp muốn thành công trước hết phải xây dựng cho mình chữ tín. Doanh nghiệp phải biết cống hiến cho xã hội bằng cách chia sẻ lợi nhuận kinh doanh để xây dựng quê hương phát triển đồng đều hơn. Đó cũng chính là định nghĩa của tôi về một doanh nghiệp phát triển bền vững”.

- Qua lời chia sẻ ấy, tôi nhận ra rằng ông Trung không chỉ nhắc đến chữ “tín” mà còn nói cả về chữ “tâm”. Ở góc độ một người cộng sự, ông thấy Nguyễn Đình Trung là con người như thế nào, thưa ông Lê Hoàng Châu? 

Ông Lê Hoàng Châu: Có 5 chữ T ở nhân vật này mà tôi muốn nói tới.

Thứ nhất, anh Trung là người có Tâm. Làm bất động sản mà không có tâm thì sẽ dễ dẫn tới một cái gì đó làm thiệt hại đến quyền lợi khách hàng, thậm chí thiệt tại tới quyền lợi của xã hội, của đất nước. Cho nên chữ Tâm của anh Trung thể hiện rất rõ.

Thứ hai, Nguyễn Đình Trung là một người có Tầm, đó là tầm nhìn xa, tầm nhìn rộng. Năm 2018, tôi phát hiện là người ta chia nhỏ giá trị bất động sản để mời gọi rất nhiều nhà đầu tư có vốn nhỏ để đầu tư vào bất động sản qua dự án 36 triệu USD ở New York dùng công nghệ blockchain. Sau đó, tôi biết ở Thượng Hải Trung Quốc cũng có dự án áp dụng mô hình tương tự. Ngay khi ấy tôi đã trao đổi với anh Trung. Anh Trung là một người rất "nhạy", kể từ đó anh đã tập trung cho công nghệ, và bây giờ Hưng Thịnh hợp tác với Đại học Bách Khoa, hợp tác trực tiếp với trường và mới đây hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM để phát triển công nghệ và hỗ trợ các trường trong công tác nghiên cứu.

Và Hưng Thịnh PropertyX (Platform) chính là kết quả của sự nhạy bén, nắm bắt xu hướng mà Nguyễn Đình Trung có được.

Thứ ba, trong nhìn nhận của tôi thì Nguyễn Đình Trung là người có Tài. Là tài năng - năng lực cá nhân và năng lực của tập đoàn, cái tài đó là đầu tiên. Còn nữa là tài chính - anh Trung được người ta tin cậy để giao vốn kinh doanh, kể cả về mặt ngân hàng hay đối tác. Bản chất của người doanh nhân là anh sử dụng được càng nhiều tiền của người khác càng chứng tỏ anh giỏi, còn nếu bây giờ mình đi mượn tiền người ta không cho thì đâu có làm ăn gì được.

Anh Trung kể rằng có những lúc khó khăn, hay khi mới khởi nghiệp nhưng bạn bè sẵn sàng đưa cho rất nhiều tiền, tỷ này tỷ nọ để hoạt động kinh doanh mà người ta không đòi hỏi ở ảnh bất kỳ tờ giấy nào để bảo đảm, không hề có. Thí dụ như thế. Chữ tài của anh ấy chính là cả tài năng và tài chính.

Chữ T thứ tư là chữ Tín. Hứa là giữ lời, cam kết là giữ lời.

Và chữ T cuối cùng là chữ Tình - rất trọn vẹn, sống có tình, đối xử với mọi người có tình, với nhân viên và khách hàng có tình.

Cái tình đó còn thông qua hành động, thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ nhân viên cấp dưới và thông qua những công tác xã hội thiện nguyện mà Hưng Thịnh đã làm trong nhiều năm qua.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì số công tác xã hội thiện nguyện của Hưng Thịnh trong gần 20 năm qua là trên 700 tỷ đồng.

Tôi kể bạn nghe câu chuyện này, dù nó xảy ra mấy năm trước rồi. Đó là vào tháng 3/2018, chung cư Carina (Quận 8, TP.HCM) bị cháy, số người chết lên tới 13 người, rồi mấy chục người bị thương. Hôm đó tôi đi công tác Đà Nẵng thì nhận được điện thoại của anh Trung hỏi chừng nào về, anh Trung nói: “Bây giờ cháy chung cư, em muốn hỗ trợ, nhưng nếu em đứng ra hỗ trợ e rằng người ta lại nói Tập đoàn đánh bóng hình ảnh trên tai nạn. Nên bây giờ anh thay mặt Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản để hỗ trợ những người không may”.

Và khi đó Hưng Thịnh hỗ trợ 500 triệu đồng, Tập đoàn Phúc Khang hỗ trợ 200 triệu đồng. Đây chỉ là một câu chuyện đơn giản trên hành trình làm thiện nguyện của Nguyễn Đình Trung nói riêng và Hưng Thịnh nói chung. Nhưng hành động có tâm đã được thể hiện qua cách làm đó.

***

Về câu chuyện sẻ chia với những nạn nhân của vụ cháy chung cư Carina một cách không ồn ào, tôi cho rằng, nó xuất phát cả từ cái tình và cái tâm, một tấm lòng vốn dĩ sinh ra để cho đi hạnh phúc của Nguyễn Đình Trung.

Giờ đây, nói lại về băn khoăn rằng khi không biết một doanh nhân cần có cho mình bao nhiêu % cảm xúc và bao nhiêu % là lý trí, thì có lẽ, tôi đã giải đáp được với Nguyễn Đình Trung rằng ở ông tỷ lệ của cảm xúc cao hơn so với lý trí.

Bởi từ chính những cảm xúc thấu hiểu nhân viên, đi từ một người làm công ăn lương, sau chặng đường dài để bước tới ngày hôm nay, vị “chủ soái” hiểu được áp lực công việc, áp lực khi mỗi ngày mới bắt đầu đi cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Nguyễn Đình Trung đã rất thật tâm, dốc hết lòng mình để chia sẻ, cả về khó khăn, về thành công mà ông đã trải qua, về những điều mà ông vẫn ngày ngày học hỏi, không một mảy may giấu giếm: “Tôi đã từng sống những ngày thiếu thốn cho nên tôi cảm nhận sâu sắc cái cảm giác, cái khát khao muốn tìm cho mình một ngôi nhà để "an cư", để "lạc nghiệp".

Do vậy, hiện nay, hằng năm Hưng Thịnh đều trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ nhân viên mua nhà và cũng đáng mừng là nhiều quản lý cấp cao của tôi đã có được nhà và sẽ còn tiếp tục cho đến khi tất cả các nhân viên của tôi, từ lãnh đạo cấp cao cho đến một nhân viên bình thường ai cũng có nhà cửa ổn định”.

"An cư, lạc nghiệp" là gì mà khiến con người ta phải phấn đấu, phải hi sinh nhiều đến thế? Có người dành cả tuổi trẻ để chọn một chốn an cư, và có những người lao động ngoại tỉnh đến Hà Nội hay TP.HCM sinh sống, bon chen một đời, nhưng rồi quá nửa đời người vẫn một nỗi lo an cư. 

Tôi đã mang băn khoăn ấy tới hỏi ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

- Thưa ông, vì sao "an cư, lạc nghiệp" lại trở thành mối lo lớn nhất với rất nhiều người Việt?

Ông Bùi Văn Doanh: Về truyền thống, hay có thể gọi là tư duy “an cư lạc nghiệp” có xuất phát điểm từ nền nông nghiệp lúa nước và lối sống cố kết làng xóm từ ngàn đời nay của người Việt Nam và gắn với đặc điểm của vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều, thiên tai liên miên.

Nông nghiệp lúa nước gắn với cuộc sống định cư, gắn liền với mảnh ruộng truyền từ đời này qua đời khác. Cộng với tính cố kết, gắn bó làng xã đã khiến người Việt xưa từ đời này qua đời khác ít khi thay đổi về chỗ ở. Vì một lý do nào đó phải thay đổi nơi ở thì cũng bị phân biệt, coi là “dân ngụ cư”, tức là từ nơi khác đến.

Vì vậy, ngôi nhà được coi như một sự định vị giá trị của một gia đình, lớn hơn là một gia tộc, dòng họ. Với truyền thống gia đình nhiều thế hệ, tam tứ đại đồng đường, ngôi nhà còn là nơi nuôi dưỡng, lưu truyền sự gắn bó, tiếp nối, phát triển của các thế hệ nối tiếp nhau. Chính vì thế mà người Việt, nhất là khu vực miền Bắc và miền Trung, rất coi trọng ngôi nhà. Người xưa từng dạy: An cư mới lạc nghiệp, hay: Tậu trâu, cưới vợ làm nhà/Xong ba việc ấy mới là đàn ông…

- Không chỉ là một nơi để "chui ra chui vào", hay "ngôi nhà là nơi bão dừng chân sau cánh cửa", ngôi nhà dường như đang đạt tới những khái niệm và tầm quan trọng mới đối với chúng ta?

Ông Bùi Văn Doanh: Tôi thì cho rằng giá trị của ngôi nhà vẫn vẹn nguyên, có chăng là những thay đổi về hình thức khi giới trẻ hiện đại có đời sống tư tưởng và lối sống tân tiến hơn. Còn về truyền thống, người Việt thường coi ngôi nhà là tiền đề cho một cuộc sống ổn định, bền vững, lâu dài và thường dồn toàn tâm, toàn lực để lo cho việc có được một ngôi nhà. Ngày trước, những gia đình có vườn tược khi đẻ con trai là trồng ngay mấy hàng xoan, dăm bụi tre… để đến lúc con trưởng thành dựng vợ là đủ vật liệu để làm nhà mới cho con ở riêng… Không những thế, ngôi nhà còn là nơi thờ cúng tổ tiên, là của tra truyền con nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày nay, cuộc sống mới với lối sống công nghiệp đã lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước, lớp trẻ còn không còn bó chặt trong lũy tre làng mà tỏa đi làm ăn ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Vì vậy, ngôi nhà đối với các thế hệ 8x, 9x, thậm chí cả 7x đã không còn bó buộc trong phạm vi làng xã. Lối sống công nghiệp cộng với tư duy cởi mở hơn cũng khiến lớp trẻ không còn gắn bó suốt đời với một công việc nhất định mà thường xuyên “nhảy việc” để tìm cho mình một việc làm và thu nhập phù hợp, tốt hơn. Do đó, họ cũng có thể thường xuyên thay đổi chỗ ở, có thể thuê nhà ở để phù hợp với công việc thay đổi ấy.

Tuy nhiên, cho dù như thế thì ngôi nhà vẫn có vai trò, vị trí đặc biệt trong tư duy và lối sống người Việt. Nó vẫn là tổ ấm cho các cặp uyên ương, là nơi gắn bó, lưu giữ những kỷ niệm và lâu dần thành truyền thống của mỗi gia đình.

Đồng thời, với suy nghĩ đất không đẻ ra thêm, ngôi nhà còn có ý nghĩa như một món tài sản lớn, một thứ của để dành chỉ có lên chứ không bao giờ mất giá. Hơn nữa, với lối sống truyền thống ngại thay đổi chỗ ở, ngôi nhà vẫn có vị trí đặc biệt, nếu không muốn nói là chiếm vị trí hàng đầu trong thang bậc giá trị của người Việt, và câu nói của tiền nhân “an cư lạc nghiệp” vẫn còn nguyên giá trị.

- Một số doanh nghiệp hiện nay đã và đang xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân, đặc biệt, có doanh nghiệp còn trích lợi nhuận ra để hỗ trợ nhân viên mua nhà, ông đánh giá thế nào về hành động này?

Ông Bùi Văn Doanh: Bất cứ cấp chính quyền nào muốn an dân thì công việc đầu tiên cũng đều là phải lo chỗ ở cho người dân. Các doanh nghiệp ngày nay cũng thế, muốn người lao động gắn bó với doanh nghiệp thì họ đều phải quan tâm đến việc lo chỗ ở cho nhân viên, công nhân…

Ở chiều ngược lại, khi người lao động được “an cư” thì không những họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp mà còn yên tâm làm việc, phát huy được khả năng cao nhất của mình và như vậy cũng sẽ cống hiến được cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Vì vậy suy cho cùng, doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho người lao động vừa là lối ứng xử nhân văn, tình nghĩa theo đạo lý truyền thống của dân tộc, nhưng cũng là đầu tư cho chính mình.

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Hóa ra, bằng chính những thiếu thốn phải trải qua, Nguyễn Đình Trung đã lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của Hưng Thịnh. Từ nỗi lo nhỏ về một nơi ở đủ đầy cho cán bộ nhân viên, dần lớn lên thành mong cầu xây dựng những nơi an cư, lạc nghiệp cho hàng nghìn người dân, công nhân lao động.

Như ông Bùi Văn Doanh nói, đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện văn hóa doanh nghiệp, chăm lo tới đời sống cán bộ nhân viên, mà nhìn sâu xa hơn, việc mang tới một điều kiện sống cơ bản cho nhân viên mà Tập đoàn Hưng Thịnh và doanh nhân Nguyễn Đình Trung đang làm chính là một động lực lớn lao, để từ đó, những con người cần mẫn ấy sẽ tiếp tục gắn bó và có cơ hội cống hiến tốt hơn cho doanh nghiệp, mang tới giá trị cộng hưởng to lớn tới cộng đồng, xã hội và nền kinh tế.

***

Chúc một ngày tốt lành, thời tiết hôm nay nhiều mây.

Một ngày mới của bạn sẽ bắt đầu bằng cách nào? Bạn có tin rằng chính cách nó bắt đầu, màu sắc của nó sẽ quyết định xem 24h của bạn trôi qua đầy ý nghĩa, hiệu quả hay chỉ là một ngày buồn tẻ, chán ngắt hay không?

Tôi thích cuốn lịch xé từng ngày, bởi ở đó mỗi trang đều có những câu châm ngôn, ngạn ngữ rất hay. Đôi khi nó lại trùng lặp và phù hợp vào đúng ngày mà bạn thấy cuộc đời đang “nhiều mây”, những câu nói vu vơ biết đâu lại kéo tâm trạng bạn ra khỏi vũng bùn lầy.

Và tôi biết có những người rất hạnh phúc, đó là những thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh, bởi mỗi sáng đầu tuần họ đều được nhận những lời chúc ấn tượng, để khởi đầu cho những ngày làm việc đầy hào hứng và hiệu quả, thay vì phải tự tìm kiếm cho mình nhưng trang giấy phù hợp trên cuốn lịch tường như tôi. 

Xin bật mí một lịch trình "công việc" đầy động lực và cảm hứng của những thành viên Hưng Thịnh:

Thứ 2: Mỗi ngày là một cơ hội mới. Tôi lựa chọn biến ngày hôm nay thành ngày tốt đẹp. (Louise Hay) 

Thứ 3: Một người chỉ ra sai sót của bạn chưa chắc đã là kẻ thù của bạn, một người luôn luôn ca ngợi bạn chưa hẳn đã là bạn của bạn. (Ngạn ngữ Do Thái)

Thứ 4: Bạn phải chịu đựng áp lực. Nếu bạn không thể chịu được áp lực, bạn sẽ không thể thành công. (Donald Trump)

Thứ 5: Bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không khó thực hiện nếu bạn rời khỏi chiếc giường êm ấm và bắt đầu hành động để biến nó thành sự thật.

Thứ 6: Hãy để điều đánh thức bạn mỗi buổi sáng không phải là tiếng chuông mà là ước mơ.

Những dòng ấy khiến tôi nhớ về những ngày cơ quan còn ở trụ sở cũ, là ngôi nhà 5 tầng, các bộ phận ở mỗi tầng riêng biệt, tôi được phân công nhiệm vụ túc trực tầng 1 với lý do nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Và niềm vui sướng của tôi khi ấy là đầu mỗi buổi sáng sẽ gọi điện thoại bàn cho mấy chị em đồng nghiệp ở tầng 4, vì mỗi người một giờ nên không ai gặp ai khi đến cơ quan. Cảm giác nói chuyện qua điện thoại bàn khi ấy, khoảng cách 4 tầng lầu bỗng như rất xa xôi, như một cuộc điện thoại thăm hỏi từ phương xa, và trong lòng râm ran một niềm vui sướng: Chào chị! Chúc chị ngày mới tốt lành nhé!. Rồi cười rộn ràng lên với nhau.

Tôi là người cho đi lời chúc khi ấy, nhưng niềm hạnh phúc lại rất rõ ràng trong tâm trí, và ngày mới của tôi đã bắt đầu một cách đầy tốt lành như vậy.

Nếu bạn đã thử gửi đi những lời chúc, với những người gần gặn mình nhất, hay dù chỉ mới chào tạm biệt nhau khi bước ra khỏi nhà để đi làm, nhưng tới cơ quan đã nhận được một lời chúc dịu dàng từ người thân, chắc chắn bạn sẽ hiểu được niềm vui râm ran khó nói thành lời ấy. Sự quan tâm sẽ là sáo rỗng khi xuất phát từ sự gượng ép, từ một chút chấm phá không thật lòng. Nhưng, với một con người bận rộn và mang trong mình nhiều tâm huyết như Nguyễn Đình Trung, tôi tin rằng những lời chúc ngọt ngào đã được gửi đi bằng cả trái tim, được viết ra bằng cả tấm lòng, vì chỉ có sự thật tâm mới lâu bền và đều đặn đến như vậy.

Có lẽ, ngay khoảnh khắc tin nhắn được gửi tới các cán bộ nhân viên của Hưng Thịnh, thì vị "chủ soái" cũng đang nở một nụ cười rạng rỡ, vì đó chính là cách tuyệt vời nhất để một ngày làm việc mới bắt đầu - với chính ông.

Chưa dừng lại ở đó, với niềm đam mê thể thao, “ông trùm” này đã nung nấu một mong muốn rằng người của Hưng Thịnh ai cũng đam mê một môn thể thao lành mạnh và sẽ yêu Tổ quốc nhiều hơn qua những trận đấu. Và sự thật là với những trận đấu lớn của đội tuyển, vị Chủ tịch ấy đã san sẻ niềm vui bằng những trận bóng ở lại cùng xem với nhân viên, bằng những khoản động viên, khích lệ thưởng cho nhân viên khi đội tuyển chiến thắng. Dù ít dù nhiều, thì đó là những niềm hạnh phúc lớn lao, sự sẻ chia đích thực mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là cái tâm, sự chân thành và sự chia sẻ. "Hãy cứ cho đi rồi sẽ được nhận" - một câu nói đã cũ nhưng đúng trong rất nhiều trường hợp.

Là nhà quản lý phải có cái tâm để hướng nhân viên đến một mục đích cao cả và luôn sẵn sàng sẻ chia những khó khăn, những trăn trở cùng nhân viên.

Nhưng tất cả những lời bạn nói, những lời bạn làm phải xuất phát từ sự chân thành tuyệt đối vì bây giờ ai cũng khôn cả, bạn không thể dùng lời nói hoa mỹ, diễm lệ để che giấu mục đích thật sự của mình”.

Cho nên, Nguyễn Đình Trung đã sống bằng sự chân thành, bằng sự sẻ chia, dẫu thừa nhận: “Cá nhân tôi thì không nghĩ mình là người khéo léo, tôi là người sống chân thành". 

Chính vì vậy mà trong suốt những năm qua, cơ cấu nhân sự của Hưng Thịnh tương đối ổn định, và ngày càng được củng cố để thích nghi với sự phát triển ngày một nhanh, mạnh của Tập đoàn này.

Trong cuộc trò chuyện với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vị chuyên gia có nhắc tới gót chân Achilles. Và kết thúc cuộc trò chuyện ấy, tôi đã mạnh dạn đặt câu hỏi: Hưng Thịnh hay chính doanh nhân Nguyễn Đình Trung còn cái gì chưa đạt tới, chưa thoả mãn giá trị của một tập đoàn lớn mạnh?

Ông Lê Hoàng Châu cũng không ngại ngần mà thổ lộ rằng: Ngay cả các tập đoàn lớn, bên cạnh những mặt tích cực là chủ đạo thì cũng vẫn có những mặt hạn chế, gót chân Achilles, điểm yếu…

Và Hưng Thịnh trong quá trình phát triển cũng không phải là ngoại lệ, bởi đây là một hiện thực xã hội.

Hiện nay, rủi ro lớn nhất với các doanh nghiệp là hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu tính thống nhất và còn nhiều chồng chéo. Đó là rủi ro, hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, không riêng gì Hưng Thịnh, là các rủi ro do xung đột về pháp luật.

Một rủi ro nữa là về quản trị, nghị quyết Đại hội Đảng XIII, có một khái niệm rất hay đó là quản trị quốc gia: Nhà nước quản trị quốc gia theo kiểu nhà nước kỹ trị, để tránh rủi ro về chính sách. Cho nên doanh nghiệp cũng phải thay đổi, doanh nghiệp không thể quản lý theo kiểu tình cảm.

Hưng Thịnh rủi ro đứng về mặt khách quan bên ngoài chính sách, thị trường, bất ngờ như dịch bệnh Covid-19 là khách quan. Nhưng, cũng cần quan tâm xử lý vấn đề nội bộ, quản trị nội bộ, nâng cao chất lượng đó.

Cho nên trong đề xuất tôi gửi các doanh nghiệp, lãnh đạo tập đoàn khuyến nghị 8 vấn đề, thì vấn đề thứ 8 chính là 3 an toàn:

Một, an toàn về pháp lý: Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phải đảm bảo đúng pháp luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật.

Hai, an toàn về tài chính và tín dụng: Cái này mà không an toàn cũng rất nguy hiểm, tiền là máu, là luân chuyển, dồi dào thì cơ thể - doanh nghiệp mới khỏe mạnh.

Ba, an toàn về nội bộ: Trong doanh nghiệp mình phải quan tâm chăm sóc xây dựng đội ngũ để cho tất cả đều nhìn về cùng một hướng, cùng làm, cùng chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi với nhau.

- Có một ý mà ông chia sẻ khiến tôi băn khoăn, đó là bối cảnh chung khó khăn, chính sách khó khăn - có lẽ đó là cái chung cho tất cả thị trường và doanh nghiệp chứ không riêng gì Hưng Thịnh. Cùng nằm trong bối cảnh đó, Hưng Thịnh đã làm gì? Chấp nhận đương đầu hay mặc định, buông xuôi bởi lý do "bất khả kháng" như nhiều doanh nghiệp khác?

Ông Lê Hoàng Châu: Tôi cho đó là một câu hỏi tu từ (cười). Vì nhìn vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hưng Thịnh mà tiêu biểu là Hưng Thịnh Land trong năm 2020 cũng như kế hoạch của họ trong 2021 thì chắc chắn là không có chuyện buông xuôi.

Với cá tính của mình, Nguyễn Đình Trung đã không ngần ngại trước khó khăn thử thách, có khi anh ấy còn coi đó là một cơ hội. Bối cảnh trên đây là nói chung cho doanh nghiệp, để thấy thách thức vẫn còn phía trước. 

Những cán bộ nhân viên của Hưng Thịnh sẽ chính là người lan tỏa đi cảm hứng và động lực về hạnh phúc mà họ nhận được mỗi ngày, bằng nhiều cách khác nhau, tới những thành viên trong gia đình, tới khách hàng, tới đối tác

- Với vai trò doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội, Hưng Thịnh đã "tròn vai" chưa, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Châu: Với Hưng Thịnh, đặc biệt là cá nhân Nguyễn Đình Trung đều rất coi trọng công tác phản biện pháp luật. Phải thừa nhận một điều rằng Hưng Thịnh là một trong những tập đoàn có đội ngũ nghiên cứu pháp luật hùng hậu với trên dưới 15 luật sư, chưa tính các chuyên gia cố vấn về pháp luật.

Thực tế thì, doanh nghiệp chính là lò tôi luyện cho những chính sách pháp luật, là cơ sở để cơ quan quản lý điều chỉnh các quy định, điều luật sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Bạn thử hình dung, một luật định đưa ra, sẽ chẳng ai biết nó đúng sai thế nào cho đến khi áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. 

Vì hoạt động trong một lĩnh vực chi phối bởi nhiều luật định, Hưng Thịnh rất coi trọng nghiên cứu về thể chế pháp luật, đồng thời, rất tiếp thu khuyến nghị của Hiệp hội về an toàn đầu tiên - an toàn về pháp lý. Chính những phản biện từ doanh nghiệp như Hưng Thịnh hay Phúc Khang hay nhiều thành viên khác đã góp phần cho những phản biện về thể chế của Hiệp hội bám sát vào hơi thở cuộc sống. Đó là những đóng góp rất lớn mà Hiệp hội ghi nhận.

- Xin cảm ơn ông rất nhiều về những chia sẻ!

Tôi tin rằng, vì hiểu và vì đã song hành với Nguyễn Đình Trung qua một chặng đường dài nên ông Lê Hoàng Châu mới có góc nhìn thẳng, thật như vậy, là bởi lo ngại những phút cảm xúc lấn chiếm lý trí trong quản trị của một “ông trùm”, trong bối cảnh doanh nghiệp cần nỗ lực và vượt thách thức để vươn lên sau đại dịch, cảm tính là điều nên hạn chế. Nhưng, qua phong ba bão táp, Hưng Thịnh vẫn hiên ngang ở đó, ghi nhận một năm 2020 đầy tích cực và đang sẵn sàng cho những tiến triển mới trong xây dựng nhà thông minh, ứng dụng công nghệ AI vào quản lý và phát triển dự án, thì tôi tin rằng những cảm tính của doanh nhân Nguyễn Đình Trung là có lý.

Đối với Nguyễn Đình Trung, dường như mọi quyết định đều đến từ cảm xúc, nhưng như chia sẻ của “ông trùm” này thì đa phần các quyết định đều dựa trên… trực giác. 

Có những dự án ai cũng đồng ý triển khai nhưng tôi lại không, có những dự án ai cũng khuyên không nên làm thì tôi lại quyết tâm làm cho bằng được.

Nhưng bạn đừng nghĩ là tôi cảm tính, vì suy cho cùng, trực giác là quá trình phản ứng nhanh nhạy, chính xác dựa trên sự tích lũy kinh nghiệm của bản thân chứ không hề là một dạng quyết định cảm tính và thiếu căn cứ. Và may mắn cho tôi là trong các quyết định của mình, tôi chưa phán đoán sai lầm lần nào cả, hy vọng tôi sẽ tiếp tục may mắn...”. 

Vậy là, bên cạnh một trực giác và cảm xúc mạnh mẽ trong các quyết định thì người đàn ông ấy còn tin vào may mắn. Trao đi sự tin tưởng, trao đi những quan tâm, thấu hiểu, tôi tin rằng những may mắn mà ông nhận được là kết quả của quá trình gieo hạt thiện lành.

Cùng nhìn lại quãng đường gần 20 năm mà vị "chủ soái" ấy đã đi, qua khởi nghiệp để tôi luyện bản thân, qua những học hỏi để trở thành một người quản lý thực thụ, để không ôm đồm ham công tiếc việc, để nhìn đúng việc đúng người và nhân văn trong cách thức chăm lo cho cán bộ nhân viên, từ tinh thần cho tới vật chất, từ một khởi đầu ngày làm việc tới một mái ấm đủ đầy để yên tâm trở về.

Những quyết định của Nguyễn Đình Trung không hề cảm tính, mà là cảm xúc chuẩn mực dựa trên những rèn luyện đã được đúc kết sau ngần ấy năm bôn ba. Tôi tự đặt tên cho con đường mà vị doanh nhân ấy đã và đang đi là con đường "Giải mã Hạnh phúc". Những cán bộ nhân viên của Hưng Thịnh sẽ chính là người lan tỏa đi cảm hứng và động lực về hạnh phúc mà họ nhận được mỗi ngày, bằng nhiều cách khác nhau, tới những thành viên trong gia đình, tới khách hàng, tới đối tác. Và khi hội tụ lại, đó sẽ là một nguồn lực gây dựng nên doanh nghiệp hạnh phúc, mang tới những sản phẩm chứa đựng giá trị hạnh phúc đích thực.

***

Xin tặng doanh nhân Nguyễn Đình Trung một câu nói của Mo Gawdat, Giám đốc kinh doanh Google [x] trong cuốn Giải bài toán Hạnh phúc: “Khi bạn biết mình đang tìm cái gì, nhiệm vụ trở nên dễ dàng. Có thể phải mất thời gian để tẩy đi những thói quen cũ, nhưng chừng nào còn gắn với con đường thì bạn sẽ tới đích”. Chúc ông sẽ luôn may mắn, chúc con đường giải mã hạnh phúc của ông, dẫu xa dẫu gần vẫn luôn gắn liền với Hưng Thịnh, với sứ mệnh xây dựng và vun đắp cho một thị trường bất động sản Việt Nam minh bạch, vững mạnh.

*Google [x] là bộ phận nghiên cứu và phát triển do Sergey Brin - đồng sáng lập Google đứng đầu, trực thuộc Google.

30/06/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top