Aa

Chủ tịch tỉnh ủng hộ biến Ga Nha Trang thành cao ốc, dân phản đối thì sao?

Thứ Hai, 20/04/2020 - 10:58

Đề xuất di dời Ga Nha Trang, xây cao ốc 30 - 35 tầng, theo hình thức BT, đã được Chủ tịch Khánh Hòa ủng hộ. Tuy nhiên, ý nguyện của nhà đầu tư và lãnh đạo Tỉnh có thành hiện thực khi còn nhiều ý kiến trái chiều?

“Bắt buộc phải lấy ý kiến người dân và tổ chức phản biện”

Theo Khoản 5, Điều 32, Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định đối với các dự án của tỉnh phải lấy ý kiến thực hiện quy hoạch. Trong đó, cơ quan lập quy hoạch tỉnh có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến trong cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đến quy hoạch.

Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ: “Nếu thực hiện quy hoạch biến khu vực Ga Nha Trang thành nhà cao tầng thì bắt buộc phải lấy ý kiến người dân và các tổ chức phản biện”.

Cũng theo luật sư Phượng: Quan trọng là trong trường hợp người dân, tổ chức phản biện phản đối thì liệu chính quyền và đơn vị tổ chức lấy ý kiến có thực hiện “cơ chế lấp liếm”, lấy ý kiến xong vứt một chỗ.

“Thực tế nếu các cơ quan, hiệp hội, người dân phản biện không đồng ý thì việc thực hiện quy hoạch khó thực hiện chứ không đùa được”, luật sư Phượng cho biết thêm.

Nhiều ý kiến phản đối khi biến đất Ga Nha Trang thành cao ốc

Quanh chuyện lấy ý kiến thực hiện quy hoạch, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc – Hội viên Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa khẳng định: Nếu đứng góc độ phản biện thì tôi không đồng tình. Khánh Hòa muốn dời Ga thì phải lấy ý kiến dân, các tổ chức phản biện xem phù hợp với quy hoạch hiện tại của Nha Trang hay chưa?

“Đánh giá trong 5 năm tới mật độ dân cư, nhà ở có đảm bảo không? Hiện quy hoạch Khánh Hòa đến năm 2025 là không có chuyện dời Ga Nha Trang. Chính quyền muốn quyết dời Ga Nha Trang ra ngoại thành sớm phải giải thích, chứng tỏ cho dân biết tính bức thiết như thế nào chứ không phải muốn là làm”, Kiến trúc sư Lộc cho biết thêm.

Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước khi chỉ định nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất khi thực hiện các dự án BT (trong đó có Ga Nha Trang) là phải đảm bảo giá trị quỹ đất Nhà nước dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT được phê duyệt.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, vận hành dự án BT nói chung phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm, minh bạch, công bằng, không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Theo ông Châu, chỉ có thực hiện phương thức đấu giá đất Ga Nha Trang đồng thời với đấu thầu dự án BT, thì mới đảm bảo minh bạch và không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật hiện nay còn khiếm khuyết, nên cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức hợp tác công tư đối với dự án BT, ông Châu cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nha Trang đang dần tụt hậu vì phá vỡ quy hoạch

Ngoài việc không minh bạch giá đất khi tiến hành giao đất, nhiều lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trước đây đã làm trái, đi ngược quy trình của Chính phủ khi thực hiện công trình theo hình thức BT.

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 3, Nghị định 63/2018/NĐ-CP: "Hợp đồng BT sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc…”

Tuy nhiên, hàng loạt dự án BT ở Khánh Hòa trước đây như Trường Chính trị, sân bay Nha Trang cũ… được nhận đất bàn giao trước để sử dụng, để bán rồi mới tổ chức xây dựng công trình đối ứng. Đây là bài học nhãn tiền mà các lãnh đạo hiện tại ở Khánh Hòa cần tránh vấp phải.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top