Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, phát huy tiềm năng, vươn ra biển lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương và đất nước.
PV: Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ông nghĩ gì về vai trò của doanh nhân trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Tính đến ngày 31/8/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh là 22.972 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 178.911 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đang hoạt động do cơ quan thuế quản lý tính đến hết tháng 8/2021 là 10.354 doanh nghiệp. Bằng nội lực, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp nguồn lực, cùng tỉnh vượt qua khó khăn chung, với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động; đồng thời với tinh thần trách nhiệm, doanh nghiệp đã đồng hành cùng các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng và thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Tỉnh Khánh Hòa ghi nhận, đánh giá cao sự chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực và những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bằng những đóng góp thiết thực, hiệu quả về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn chung, đội ngũ doanh nhân ngày một trưởng thành, tiến bước theo kịp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế quốc tế. Những thành tích đó đã được ghi nhận bằng nhiều hình thức thi đua khen thưởng, điển hình là các Anh hùng Lao động, tập thể Anh hùng, nhiều doanh nghiệp được tặng thưởng các Huân - Huy chương của Nhà nước. Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu hai năm một lần nhằm tôn vinh và biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân có những thành tích, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
PV: Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Cùng với đó, còn có chương trình “Cà phê doanh nhân” được xem là nơi kết nối chính quyền với doanh nghiệp trong không khí gần gũi, chân thành, cởi mở. Ông có suy nghĩ gì khi trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân tại chương trình này?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Chương trình “Cà phê doanh nhân” là nơi giúp kết nối, tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở, thân thiện giữa lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; đặc biệt là những doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong cộng đồng luôn muốn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi học hỏi và trò chuyện với lãnh đạo tỉnh để bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Ngoài ra, chương trình cũng là cầu nối giúp chính quyền tiếp xúc, lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chương trình cũng là nơi trao đổi, tiếp nhận các đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Khánh Hòa.
Trên tinh thần xây dựng, cởi mở, thẳng thắn, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, chính quyền tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp nhận đầy đủ, xử lý kịp thời, hiệu quả các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh sẽ thông báo các chính sách và chủ trương mới để các doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt, từ đó có những hướng đi phù hợp với tình hình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh Khánh Hòa luôn đồng hành cùng doanh nhân, tạo điều kiện tốt để giúp đỡ cho các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để sản xuất và đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
PV: Chủ doanh nghiệp được ví như thuyền trưởng đưa con thuyền vượt sóng ra khơi. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, ông muốn gửi gắm thông điệp gì đến các doanh nhân đang đưa con thuyền vượt qua sóng dữ?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Chính quyền tỉnh luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những việc làm thiết thực: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp. Tỉnh luôn chủ động, kịp thời, tháo gỡ, giải quyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh hiện nay; biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, tìm hướng phát triển trong điều kiện tình hình dịch bệnh khó khăn, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế, nhằm hướng tới phát triển bền vững và tạo ra đột phá trong thời gian tới.
Trong tình hình đại dịch Covid-19, tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch như đẩy nhanh triển khai tiêm vắc-xin miễn phí cho công nhân, nhân viên, người lao động để kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy, công ty trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức các buổi họp bàn bạc giải pháp để hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thể tiếp diễn; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có những hướng dẫn cập nhật kịp thời, đưa ra các điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp vừa có thể hoạt động sản xuất và an toàn phòng ngừa dịch bệnh. Tỉnh Khánh Hòa và cá nhân tôi luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, để các doanh nghiệp có thể yên tâm ổn định sản xuất, phát huy tiềm năng, vượt ra biển lớn đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
PV: Thưa ông, tỉnh Khánh Hòa đã và đang làm gì để nơi đây tiếp tục là miền đất hứa, thu hút nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Ngày 19/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UBND về Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 để thu hút nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Một là, tăng cường công tác thông tin - truyền thông đến với các đối tác, các nhà đầu tư, các cơ quan ngoại giao, thông tấn, báo chí trong và ngoài nước về hình ảnh miền đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Hai là, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ba là, xem cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính trong lựa chọn nhà đầu tư đơn giản, nhanh chóng là trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tập trung tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện nhanh chóng và thuận lợi đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Bốn là, hỗ trợ cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Khánh Hòa. Từng bước nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tỉnh Khánh Hòa so với các tỉnh trong khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông và chúc Khánh Hòa sớm vượt qua đại dịch, tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn, tin cậy trong trọng điểm kinh tế duyên hải miền Trung!