Liên quan đến việc 50 hộ dân ngăn cản, không đồng ý chính quyền gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản (khai thác cát) trên sông Hậu của Công ty Cổ phần Bê tông Cửu Long thuộc xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, ngày 23/8, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin với Reatimes, việc khai thác cát phục vụ dự án, công trình trọng điểm đường Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc trăng, nhằm đảm bảo đúng tiến độ thi công. Tuy nhiên, người dân ven sông Hậu cũng còn băn khoăn, lo lắng, chưa thật sự an tâm khi các mỏ cát khai thác tiềm ẩn nguy cơ gây ra sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, mưu sinh hàng ngày của người dân.
Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Trần Văn Lâu cho biết, hiện tỉnh Sóc Trăng đã cấp phép khai thác 5 mỏ cát trên Sông Hậu theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết của Quốc hội để thi công dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tổng trữ lượng cát của 5 mỏ là hơn 11 triệu m3.
Theo đó, tỉnh Sóc Trăng gia hạn (có điều kiện) với nhà thầu khai thác các mỏ cát để phục vụ toàn bộ cho cao tốc, với giá bán là 81.000/m3, theo Nghị quyết 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Trước đó, ngày 7/8, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký Giấy phép 31/GP-UBND gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản số 68/GP-UBND ngày 29/9/2017 để Công ty Cổ phần Bê tông Cửu Long được tiếp tục khai thác cát san lấp trên dòng Sông Hậu tại khu vực xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách đến ngày hết 7/8/2028. Tuy nhiên, điều này vấp phải phản đối, chưa đồng thuận của người dân. Trước việc doanh nghiệp khởi công khai thác mỏ cát MS01 trên sông Hậu, một số đối tượng có hành vi quá khích đã kích động bà con xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) tụ tập đông người xung quanh khu vực mỏ cát, cản trở việc khai thác cát.
Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo thuận lợi cho việc khai thác cát, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã 3 lần đi khảo sát thực địa khu vực khai thác cát trên sông Hậu và đối thoại với người dân tại huyện Kế Sách.
Để công khai, minh bạch, tỉnh đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về vị trí, thành lập tổ giám sát đặc biệt của Công an tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cho lắp đặt Camera giám sát tại các điểm khai thác cát, kiểm tra thông tin mỗi ngày, khai thác bao nhiêu cho người dân biết.
"Đặc biệt, đối với phương tiện vận chuyển cát phải có lắp đặt định vị hành trình thì mới được vận chuyển cát. Song song đó, Công an phối hợp với tổ đặc biệt tuần tra, kiểm tra trên sông và quy định thời gian giám sát từ 7h sáng – 17h chiều mỗi ngày, sau thời gian trên các phương tiện khai thác không hoạt động nữa", ông Lâu khẳng định.
Theo ông Lâu, các mỏ cát đang khai thác được khảo sát, nghiên cứu kỹ càng, có đầy đủ cơ sở pháp lý, được các cấp, các ngành đánh giá toàn diện cả về khoa học và thực tiễn. Trước khi tiến hành khai thác các mỏ cát, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã đã cung cấp đầy đủ, chi tiết, kịp thời các nội dung liên quan đến mỏ cát; kiên trì tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án cho sự phát triển chung của đất nước, và người dân tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường công khai việc khai thác cát đến bà con địa phương, tiến hành ngay việc quan trắc môi trường. Nếu có dấu hiệu sạt lở phải khắc phục ngay, tránh ảnh hưởng tình hình sản xuất, đời sống của bà con.
Chia sẻ với phóng viên Reatimes, Chủ tịch Trần Văn Lâu luôn khẳng định tỉnh luôn quan tâm đến đời sống, sức khỏe của bà con, do đó trong quá trình cấp phép khai thác cát, chính quyền địa phương luôn tuân thủ theo đúng pháp luật hiện hành.
Đối với việc khai thác cát tại mỏ cát (gia hạn), Chủ tịch Trần Văn Lâu khẳng định việc khai thác cát trên lòng sông Hậu hiện nay chỉ để phục vụ cho Dự án thành phần 4, thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh rất mong muốn bà con đồng tình, ủng hộ và có thể tham gia theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện, tất cả vì mục tiêu cao nhất phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, người dân cũng có quyền cử một người ra giám sát việc khai thác cát, chính quyền sẽ hỗ trợ chi phí 250.000 đồng/người/ngày, nhằm minh bạch trong quá trình khai thác cát.
Trong ngày, người giám sát có trách nhiệm báo cáo lại với người dân về tình hình khai thác cát. Mong người dân đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ vì lợi ích chung…
Với sự tuyên truyền của các cấp ngành chuyên môn, địa phương, đặc biệt sự quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh liên tục gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và cam kết với người dân. Vì thế, người dân cũng thấu hiểu phần nào và đồng tình với chính quyền để đạt được mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và là 1 trong những dự án được Bộ GTVT xác định ưu tiên đầu tư.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng hơn 189km, đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; Dự án thành phần 1 thuộc tỉnh An Giang dài 57km, tổng vốn 13.403 tỷ đồng; thành phần 2 qua Cần Thơ hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; thành phần 3 qua Hậu Giang có chiều dài khoảng 37km, tổng vốn hơn 9.600 tỷ đồng và thành phần 4 qua Sóc Trăng dài 58,37km, tổng vốn hơn 11.960 tỷ đồng.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.
Về quy mô trạm dừng chân, có diện tích sử dụng khoảng 5,6ha. Trên tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến có 3 trạm dừng nghỉ nằm trên địa bàn các tỉnh An Giang, TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
Cụ thể, tại An Giang thuộc lý trình Km 22+300 ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú. Tại Cần Thơ thuộc lý trình Km 77-968 tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ. Còn tại Sóc Trăng thuộc lý trình Km 135+700 tại xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú.
Về khoảng cách bố trí giữa các trạm dừng nghỉ tuân thủ theo TCVN 5729:2012 Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế (khoảng từ 50km đến 60km bố trí 1 trạm kỹ thuật).