Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tăng trưởng xanh, bền vững là ưu tiên hàng đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tăng trưởng xanh, bền vững là ưu tiên hàng đầu

Thứ Năm, 14/07/2022 - 06:09

LTS: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.
Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung, đô thị sông, biển có các đặc trưng riêng biệt, mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển, trong đó Cố đô Huế gắn liền với dòng sông Hương và có biển nằm trong thành phố. Bờ biển trải dài khoảng 120km là thế mạnh để phát triển du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng và nhiều hạ tầng xã hội khác. Tuy nhiên đô thị sông, biển vùng di sản cần được định vị, xác lập tầm nhìn và quy hoạch để vừa có thể phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm lực kinh tế và giá trị độc tôn của vùng đất di sản, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng tính kết nối giữa các địa phương. Đồng thời, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa trong thời kỳ mới cũng như quảng bá tiềm năng, cơ hội và đề các xuất các chính sách mới.

Liên quan những vấn đề nói trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ Tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã dành cho Reatimes cuộc phỏng vấn với nhiều thông tin nổi bật về những chiến lược, chính sách, giải pháp... mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai.

PV: Tỉnh Thừa Thiên - Huế vốn có dòng sông Hương chảy qua lòng TP. Huế được ví như dòng sông di sản, dòng sông mang nhiều giá trị về sinh thái, văn hóa, cảnh quan, kiến trúc, kinh tế, du lịch... Cùng với đó, bên cạnh việc mở rộng địa giới hành chính, TP. Huế gần đây lại có thêm vùng biển Thuận An khiến thành phố có cả sông lẫn biển. Ông có thể cho biết với những lợi thế này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang cụ thể hóa như thế nào trong quy hoạch, chiến lược phát triển của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Phương: Với các lợi thế đặc trưng về hệ thống sông, biển và đầm phá thì vấn đề khai thác tối đa yếu tố cảnh quan, môi trường luôn được đặt lên hàng đầu trong quy hoạch và chiến lược phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều này vừa góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị giàu bản sắc, sinh thái, cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, đồng thời cũng là thế mạnh để tỉnh thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế du lịch. 

Theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 23/01/2009 và điều chỉnh tại Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 03/02/2012, trong đó định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình đô thị: “Được cấu thành bởi đô thị hạt nhân Huế (đô thị di sản văn hóa) và các đô thị văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường được phát triển trong mối quan hệ gắn kết đô thị - nông thôn - thiên nhiên”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bắt tay hợp tác đầu tư vì mục đích tăng trưởng xanh (Ảnh: Đình Toàn)

Ngày 06/05/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tiếp tục khẳng định mô hình cụm đô thị gồm: Tp. Huế và các đô thị phụ trợ là Hương Thủy - Hương Trà - Thuận An - Bình Điền, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa của các đô thị và phòng tránh lũ lụt; tạo lập cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan thân thiện với môi trường

Đồ án quy hoạch này cũng nâng cao vai trò của sông Hương trong định hướng phát triển đô thị với các giá trị di sản, cảnh quan đặc trưng, cụ thể:

“Khu vực từ lăng Gia Long đến Kim Long: Là khu bảo tồn tôn tạo, xây dựng có kiểm soát, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh, tôn vinh giá trị các di tích kết hợp khai thác du lịch hợp lý.

Khu vực từ Kim Long tới Bao Vinh: Là khu vực phát triển kết hợp bảo tồn tôn tạo, giữ gìn những nét đặc trưng của khu vực Kinh thành Huế.

Khu vực từ Bao Vinh tới cửa biển Thuận An: Là không gian sinh thái nông nghiệp, làng xóm ven sông, đầm phá, cửa biển. Hình thành phát triển các khu du lịch tắm biển, sinh thái đầm phá, các khu ẩm thực, vui chơi mặt nước; tổ chức khu dịch vụ ở phía Tây cảng Thuận An.

Không gian ven sông chủ yếu là hệ thống công viên cây xanh, đường dạo kết hợp các công trình kiến trúc được khống chế chiều cao bảo đảm sự hài hòa chung; bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ Bao Vinh”.

Đồng thời, quy định chặt chẽ về việc quản lý xây dựng khu vực dọc các bờ sông để giữ gìn cảnh quan: “Trục cảnh quan sông nước gồm trục cảnh quan sông Hương và trục cảnh quan sông nước khác (sông An Cựu, sông Ngự Hà, sông Bồ): Xây dựng cảnh quan đa dạng ven bờ sông và mở rộng tầm nhìn. Xây dựng khu vực quản lý có chiều rộng phù hợp ở hai bên bờ; quy định về chiều cao, hình dáng và giải pháp bố trí đối với công trình kiến trúc được xây mới trong khu vực”.

Nhằm cụ thể hóa các định hướng quy hoạch để khai thác, phát triển khu vực dọc bờ sông Hương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tổ chức lập và phê duyệt Quy hoạch chung khu vực cảnh quan hai bờ sông Hương từ cửa biển Thuận An đến lăng Gia Long (năm 2009) và đặc biệt là đồ án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương (năm 2021) đã đạt Giải Vàng trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ II vào cuối năm 2021.

Đây cũng là cơ sở và động lực để TP. Huế tiến hành chỉnh trang đồng bộ kiến trúc cảnh quan dọc bờ sông Hương, trong đó tuyến đường đi bộ và công viên ven sông đoạn qua khu vực trung tâm TP. Huế được đầu tư xây dựng vừa qua đã thu hút rất nhiều các hoạt động lễ hội, được người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước hết sức đồng tình, hưởng ứng, góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. 

Sông Hương và cảnh quan đôi bờ hiện nay ở khu vực trung tâm cho thấy một bên ưu tiên bảo tồn di sản và một bên phát triển đô thị. (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

UBND tỉnh cũng đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành các dự án kè chống sạt lở, tiếp tục chỉnh trang công viên bờ sông Phú Cát, xây dựng mới tuyến đường ven sông đoạn từ cầu Dã Viên lên đến đường Huyền Trân Công Chúa, hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng, TP. Huế (dự kiến 02/09/2022) nhằm tăng cường kết nối hai bờ sông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ ngày 01/07/2021, TP. Huế đã được mở rộng về phía đầm phá và biển Đông theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã kịp thời chỉ đạo UBND TP. Huế tổ chức triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) cảng Thuận An, QHPK khu vực ven biển Thuận An và QHPK khu vực Hải Dương - Hương Phong làm cơ sở để tổ chức quản lý và kêu gọi đầu tư.

Trong giai đoạn trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và tuyến đường ven biển tỉnh nhằm tăng cường kết nối giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và đầm phá nhằm khai thác tối đa các lợi thế mà điều kiện tự nhiên đem lại.

PV: Sông Hương được xem là trục cảnh quan cực kỳ quan trọng trong quy hoạch phát triển, xây dựng đô thị Huế, nhiều nội dung liên quan đến sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ nêu từ năm 2014 trong quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Đây là những quyết định quan trọng, là cơ sở để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan đô thị, văn hóa… đô thị Huế, được đông đảo nhân dân TP. Huế và vùng phụ cận, cộng đồng trông mong trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn đó những khoảng không gian quy hoạch treo, những công trình vi phạm pháp luật chưa thể xử lý dứt điểm gây ảnh hưởng đến bộ mặt, sự phát triển chung của thành phố, của tỉnh. Ông có thể cho biết quan điểm của UBND tỉnh về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Phương: Như đã nói ở trên, nét đặc trưng của đô thị Huế luôn được gắn liền với hình ảnh hai bờ sông Hương. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc nói chung đối với khu vực dọc hai bờ sông Hương trong thời gian qua được UBND tỉnh và TP. Huế hết sức quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên hiện nay vẫn còn một số khu vực dọc bờ sông Hương chưa được đầu tư, triển khai thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt, tiêu biểu như khu vực cồn Hến, cồn Dã Viên. Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp rà soát để kịp thời điều chỉnh quy hoạch nhằm chỉnh trang kiến trúc cảnh quan khu vực sông Hương, cụ thể như:

- Đối với khu vực cồn Dã Viên, UBND tỉnh đã thống nhất phương án quy hoạch chỉnh trang khu vực cồn Dã Viên thành Công viên văn hóa, đa năng (không có lưu trú), mật độ phù hợp và đặc biệt là tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường. Trên cơ sở đó, giao Sở Xây dựng cập nhật ý tưởng quy hoạch vào đồ án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và tổ chức phê duyệt tại Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 19/3/2021.

- Đối với khu vực cồn Hến, khẳng định phương án quy hoạch khai thác dịch vụ du lịch với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn là không khả thi cho việc tổ chức thực hiện; mặt khác, khu vực này tồn tại dân cư hiện hữu với đời sống văn hóa, gắn liền hoạt động, nghề nghiệp đặc trưng cần thiết giữ lại, khai thác bổ sung thêm yếu tố độc đáo cho khu vực Cồn Hến. Trên cơ sở đó thống nhất việc giữ lại gắn với việc cải tạo chỉnh trang khu dân cư và khai thác một phần quỹ đất với quy mô phù hợp để hình thành các thiết chế dịch vụ công cộng, quảng trường, không gian mở và tạo nguồn khai thác quỹ đất để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang khu vực cồn Hến. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, tính toán để bổ sung các thiết chế hạ tầng còn thiếu cho khu vực, đáp ứng cho đời sống dân cư trên cồn.

Ngoài ra, thời gian qua dọc bờ sông Hương đã có một số dự án, công trình xây dựng sai phép, gây ảnh hưởng kiến trúc cảnh quan và nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức giám sát chặt chẽ việc khắc phục, xử lý dứt điểm vi phạm, đảm bảo mục tiêu giữ gìn, bảo vệ cảnh quan hai bờ sông Hương, đồng thời phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

PV: Việc khởi công, xây dựng tuyến đường ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây là bước đột phá, chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Ông có thể cho biết tiến độ triển khai hiện nay và những kỳ vọng gì của tỉnh khi tuyến đường này hoàn thành?

Ông Nguyễn Văn Phương: Ngày 26/3/2022, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi công xây dựng công trình “Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa Thuận An”. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng. 

Dự án gồm 03 đoạn tuyến và 01 cầu qua cửa biển Thuận An với tổng chiều dài khoảng 21,8km, tổng mức đầu tư của dự án là 3.496 tỷ đồng. Hiện nay, đang triển khai giai đoạn 1 của dự án bao gồm đoạn tuyến dài 7,785km từ nút giao cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao QL49A - QL49B thuộc phường Thuận An; trong đó gồm cả chiều dài cầu qua cửa Thuận An (tính đến đuôi mố) khoảng 2,36km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng.

Mô hình cầu Thuận An trên tuyến đường ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi công tháng 3/2022.

Về tiến độ triển khai thì đến nay cơ bản hoàn thành việc lắp dựng lán trại; san lấp mặt bằng bãi chứa vật liệu, đường công vụ, cung cấp điện, nước phục vụ thi công; lắp đặt 02 trạm trộn bê tông xi măng công suất 90m3/h và 01 trạm trộn bê tông xi măng công suất 60m3/h. Huy động đầy đủ nhân lực, vật tư và các máy móc thiết bị cần thiết đến công trường; hoàn thành cầu tạm phục vụ thi công các trụ dưới nước từ bờ Hải Dương đến trụ T26 và từ bờ Thuận An đến trụ T27 để thi công cọc khoan nhồi của hai trụ chính cầu là trụ T26, T27.

Hoàn thành các cọc khoan nhồi D=1,50m: 16/16 cọc trụ T17; 01/16 cọc trụ T18; 1/10 cọc trụ T20; 4/10 cọc trụ T31;  D=2,50m: 8/34 cọc trụ T27. Nhìn chung, tiến độ triển khai trên công trường đến nay cơ bản đạt yêu cầu.

Tỉnh cũng đặt những kỳ vọng sau khi tuyến đường hình thành sẽ mở ra tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế; tuyến đường đi gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 2km và tùy vị trí) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.

Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ là tuyến giao thông đối ngoại kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.

Cùng với đó tuyến đường này sẽ là trục chính ven biển để củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài sản tính mạng của nhân dân các xã ven biển, các khu đô thi biển mới hình thành trong mùa mưa bão. 

Tỉnh sẽ tổ chức quy hoạch để tạo quỹ đất ven biển khoảng 1.500ha nhằm phát triển đô thị biển. Thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

PV: Trong quy hoạch xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển thành đô thị loại III, là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực. Vậy, việc triển khai quy hoạch này đã được Thừa Thiên - Huế thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Theo Quy hoạch xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008, Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển trở thành đô thị loại III nằm trong cụm đô thị động lực số 2: Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Nam - Điện Ngọc - Hội An, trong đó đô thị Chân Mây phát triển các chức năng về dịch vụ, du lịch và công nghiệp công nghệ cao.

Trong thời gian qua, trên cơ sở Quy hoạch xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án sản xuất kinh doanh; diện mạo vùng Chân Mây - Lăng Cô đã có những thay đổi đáng kể, phát triển theo đúng định hướng, thực sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế đang từng bước được hoàn thiện. Hệ thống giao thông cơ bản được xây dựng, đảm bảo kết nối thuận lợi đến các khu chức năng của khu kinh tế; hạ tầng cảng biển được đầu tư như: Đê chắn sóng với chiều dài 450m (đang triển khai giai đoạn 2 với chiều dài 300m); đưa vào khai thác 03 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, công suất khai thác đạt đến 6 triệu tấn/năm; đón tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn 225.000GT (chuẩn bị triển khai xây dựng thêm 02 bến số 4, số 5 với tổng chiều dài 540m); hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom xử lý nước thải và bãi chôn lấp chất thải rắn đáp ứng được nhu cầu của các dự án đầu tư và sinh hoạt của nhân dân; các khu tái định cư, khu nghĩa trang đáp ứng yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, trạm y tế, chợ… đã được quan tâm phát triển.

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án du lịch, đặc biệt là dự án Laguna Lăng Cô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, làm tiền đề để thu hút các dự án du lịch, công nghiệp và đô thị… tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hình thành diện mạo mới cho đô thị Chân Mây - Lăng Cô trong tương lai.

Cảng nước sâu Chân Mây là một trong nhiều lợi thế phát triển của Thừa Thiên - Huế (Ảnh: Đ.Toàn)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải nhìn nhận rằng, đối với việc phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Bộ mặt đô thị chưa khởi sắc, tốc độ đô thị hóa còn chậm, các tiêu chí phát triển đô thị còn thấp, việc thực hiện mục tiêu liên kết, hỗ trợ để tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng…

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển Chân Mây - Lăng Cô là đô thị loại III, là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực; tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:

- Tăng cường liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; khai thác lợi thế về vị trí của Khu kinh tế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, logistics và du lịch.

- Triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2045 gắn với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh để xác định các định hướng và chỉ tiêu phát triển mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Phát huy hiệu quả khai thác các bến cảng số 01, 02, 03 tại Khu bến Chân Mây đã được đầu tư, trong đó chú trọng khai thác hàng container theo chủ trương đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận; kêu gọi và triển khai đầu tư xây dựng mới các bến số 4, 5, 6, 7, 8 và các bến phía Tây tại Khu bến Chân Mây nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện chức năng tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan, tiếp nhận tàu khách quốc tế cỡ lớn tại Khu bến Chân Mây đi đến các nước trong khu vực.

- Triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng một số khu đô thị khu vực Chân Mây, thu hút từ 3 - 5 nhà đầu tư hạ tầng đô thị; tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành các thiết chế để tạo tiền đề xây dựng Đề án thành lập đô thị Chân Mây - Lăng Cô, phấn đấu trong giai đoạn 2025 - 2030 trở thành đô thị loại III.

- Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương, vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trên địa bàn khu kinh tế như: Các tuyến giao thông trục chính trong khu kinh tế, các tuyến giao thông đối ngoại liên vùng, xây dựng đê chắn cát cảng Chân Mây; hoàn thành xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; hoàn thành tuyến đường trục chính đô thị Chân Mây; triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển đi qua địa bàn Khu kinh tế.

- Kêu gọi và triển khai đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để phục vụ lưu thông hàng hóa, làm nhiệm vụ tiếp chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực.

- Hoàn thành các dự án trọng điểm: Laguna Lăng Cô (có kinh doanh Casino), Tổ hợp liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô, Tổ hợp nhà máy sản xuất công nghiệp kính Chân Mây, thúc đẩy dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây với công suất 4.800MW…

PV: Theo tôi được biết, ông từng phát biểu và đánh giá rằng, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sau 15 năm hình thành, việc phát triển khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá, số lượng nhà đầu tư lớn, các dự án FDI đầu tư vào khu kinh tế còn ít. Vậy tỉnh có kế hoạch gì để cải thiện tình hình này?

Ông Nguyễn Văn Phương: Mặc dù Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như sự kỳ vọng của tỉnh, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang từng bước chuyển mình, trở thành động lực thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến nghiên cứu đầu tư.

Trong giai đoạn 2006 đến nay, đã thu hút được 72 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với tổng vốn đăng ký lần đầu 112.600 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký lần đầu 49.637 tỷ đồng, vốn điều chỉnh tăng 47.696 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2006 - 2010, thu hút 31 dự án, tổng vốn đăng ký 29.691 tỷ đồng, thu hồi 02 dự án với tổng vốn 1.541 tỷ đồng, vốn giải ngân 1.755 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2011 - 2015, thu hút 12 dự án, tổng vốn đăng ký 2.890 tỷ đồng giảm 90,2% so với giai đoạn trước, thu hồi 08 dự án với tổng vốn 9.366 tỷ đồng tăng 507% so với giai đoạn trước, vốn giải ngân 6.361 tỷ đồng tăng 262% so với giai đoạn trước.

Giai đoạn 2016 - 2020, thu hút 28 dự án, tổng vốn đăng ký 17.036 tỷ đồng tăng 489% so với giai đoạn trước, thu hồi 10 dự án với tổng vốn 4.377 tỷ đồng giảm 53,2% so với giai đoạn trước, vốn giải ngân 4.336 tỷ đồng giảm 31,8% so với giai đoạn trước; 06 tháng đầu năm 2021, thu hút thu hút 01 dự án, tổng vốn đăng ký 20 tỷ đồng, vốn giải ngân ước đạt 712 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. (Ảnh: Đình Toàn)

Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư thì chất lượng các nhà đầu tư có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến nghiên cứu, đầu tư tại khu kinh tế như: Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Phương Trang, Tập đoàn Sunshine… 

Trong những năm sắp tới, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương và đặc biệt là tính chủ động, nghiêm túc của các doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với tình hình dịch bệnh. Đây sẽ là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi của nền kinh tế, kéo theo thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế sẽ khởi sắc.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của các quốc gia trên thế giới sau đại dịch và sau khi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia trên tế giới có hiệu lực, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch và tập trung vào các giải pháp chính để thúc đẩy đầu tư vào Khu kinh tế như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trong giai đoạn mới đã được phê duyệt, đặc biệt là điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phù hợp với yêu cầu phát triển, làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Thứ hai, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu chức năng của khu kinh tế. Chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng biển, logistics, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, hạ tầng khu đô thị Chân Mây, các dự án sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Tranh thủ đối đa nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương, vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu. 

Thứ ba, thành lập các Tổ công tác đặc biệt để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án lớn, trọng điểm; sớm khởi công xây dựng, đưa dự án vào hoạt động; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương và các sở, ngành liên quan để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ các thủ tục có liên quan cho các dự án trên địa bàn khu kinh tế. 

Thứ tư, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển khu kinh tế; làm đầu mối phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề để thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tập trung kêu gọi xã hội hoá các dự án về nhà ở công nhân, các thiết chế văn hoá cho công nhân, người lao động, các dịch vụ, phương tiện công cộng di chuyển, kết nối đến các đô thị lân cận nhằm tạo điều kiện thu hút người lao động từ các địa phương khác đến Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao phẩm chất, đạo đức của cán bộ, công chức.

Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian, cắt giảm các giấy tờ, thủ tục không cần thiết, phấn đấu cắt giảm trên 30% số ngày giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính liên thông; nâng cao hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” trên tất cả các lĩnh vực từ quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, doanh nghiệp, lao động...; làm đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

PV: Được biết, trong cuộc làm việc với Thừa Thiên - Huế cuối tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận về thế cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương lân cận và lưu ý: “Thừa Thiên - Huế cần quy hoạch tốt để phát triển bền vững, cần phải tìm ra thuận lợi và cơ hội so với hai tỉnh, thành phố bên cạnh là Đà Nẵng, Quảng Trị để đi lên...”. Những chỉ đạo này được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Những nội dung chỉ đạo lưu ý của Thủ tướng Chính phủ vừa là yêu cầu và cũng là nhiệm vụ mà tỉnh Thừa Thiên Huế phải làm rõ trong thời kỳ quy hoạch nhằm tạo ra các phương thức kết nối Thừa Thiên Huế với các tỉnh lân cận, đặc biệt là kết nối với TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị. Các nội dung này đã được tỉnh nghiên cứu cụ thể trong các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh cũng như các chuyên đề về kinh tế và kết nối đô thị Huế - Đà Nẵng. Quá trình lập Quy hoạch tỉnh cũng đã chỉ ra một số đặc điểm nổi bật của Thừa Thiên - Huế so với các tỉnh/thành khác, cụ thể:

- Thừa Thiên - Huế là Cố đô còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch là khai thác tốt các giá trị di sản để phục vụ cho phát triển, cũng như xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn. 

- Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững lên hàng đầu, chính vì vậy thời gian qua tỉnh đã lựa chọn rất kỹ trong kêu gọi các dự án đầu tư. Điều này mang lại một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống còn được bảo tồn một cách tương đối nguyên vẹn. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đặt trọng tâm vào phát triển xanh và bền vững, đưa các giá trị xanh và bền vững trở thành động lực cho phát triển.

- Thừa Thiên - Huế có bề dày lịch sử là một trong những trung tâm đô thị, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ quan trọng của khu vực miền Trung cũng như cả nước. Đây là những lợi thế quan trọng của tỉnh trong hình thành nền kinh tế tri thức, lấy lực lượng lao động chất lượng cao làm chủ thể và là trung tâm của các chiến lược tăng trưởng kinh tế. 

- Thừa Thiên - Huế vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhiều tài nguyên du lịch chưa được khai phá, tỷ lệ lắp đầy tại các Khu công nghiệp còn thấp, nhiều không gian phát triển có thể được mở rộng trong thời kỳ quy hoạch.

Gìn giữ cảnh quan đôi bờ sông Hương với những kiến trúc xây dựng phù hợp là yêu cầu mà Huế luôn bám sát (Ảnh: Đình Toàn)

Việc theo đuổi tăng trưởng xanh trong thời gian qua của tỉnh nhất quán và tạo thuận lợi trong việc hướng đến mục tiêu trở thành đô thị du lịch sinh thái giai đoạn tới, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính Net Zero 2050 của Việt Nam. 

Thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực cải thiện các điểm yếu về hạ tầng để có thể khai thác tối đa các tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị cần có sự thúc đẩy hợp tác để có một tầm nhìn bổ sung thay vì cạnh tranh lẫn nhau (chẳng hạn các địa phương có thể nghiên cứu lập ra thể chế để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các địa phương như các chính sách ưu đãi về thuế và bất động sản…). Sự hợp tác theo các ngành sẽ tạo ra giá trị bổ sung và hiệp lực cho sự phát triển.

Về giao thông: Tăng cường liên kết giao thông công cộng, các chính sách về thiết lập vé để có thể sử dụng chung mạng lưới trên toàn tuyến; liên kết bằng hệ thống, đường thủy chia sẻ lợi ích các bên...

Về kinh tế: Liên kết hình thành Trung tâm Logistic của Vùng tại Cảng Chân Mây Lăng Cô; hình thành Khu kinh tế động lực của miền Trung; phát triển tiềm năng du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tạo nên bản sắc văn hóa nổi bật trên toàn tuyến để trở thành một điểm đến của du lịch hấp dẫn liên vùng.

Đối với Thừa Thiên - Huế, tiếp cận di sản là động lực cho sự phát triển, trong đó, dựa vào các trụ cột di sản kiến trúc, văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên và con người Huế, đầm phá Tam Giang Cầu Hai hay sự đa dạng về sinh học cũng là đặc điểm nổi bật ở Thừa Thiên - Huế. Qua đó, tỉnh hướng kết nối với TP. Đà Nẵng để phát triển du lịch mang tính chất hiện đại, năng động và kết nối với tỉnh Quảng Trị để phát triển du lịch tâm linh, trở lại chiến trường xưa…

Về giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ: Liên kết hình thành trung tâm đào tạo lao động, các cơ sở giáo dục chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu; hình thành khu công nghệ cao nơi đào tạo và thu hút lực lượng công nghệ thông tin hàng đầu của nước. Hình thành trung tâm đào tạo và chuyển giao lao động cho toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung.

 Biển Lăng Cô.

PV: Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi chia vui với tỉnh khi đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước quan tâm tìm hiểu để đầu tư nhiều dự án dọc theo vùng biển của tỉnh nhà, tuy nhiên có nhiều dự án chỉ đăng ký đầu tư, hoặc khởi công, xây dựng một số ít hạng mục, sau đó ngưng trệ, đình đốn gây lãng phí quỹ đất, mất cơ hội của các nhà đầu tư khác, nhất là tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc hay ven biển, đầm phá thuộc huyện Phú Vang. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phương: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là một trong những khu kinh tế ven biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập, được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Có vị trí địa chính trị thuận lợi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Với các lợi thế đó, đến nay, địa bàn khu kinh tế thu hút được 50 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng (chiếm 68,3% tổng vốn đăng ký), tương đương 2,6 tỷ USD.

Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư thì chất lượng các nhà đầu tư có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư tại khu kinh tế như: Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty Bilion Max, Công ty Sunjin AT&C (Hàn Quốc), Công ty Nakamoto (Nhật Bản), Công ty CP Kim Long Motors (Tập đoàn Phương Trang),… Đến nay, có 24 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 26 dự án đang triển khai, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đạt khoảng 13.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng (hầu hết các dự án đang trong thời gian miễn tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra dự án Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế đầu tư vốn hơn 3.300 tỷ đồng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Bên cạnh kết quả thu hút đầu tư, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, các khu tái định cư, hạ tầng các khu công nghiệp, hệ thống cấp điện, xử lý nước thải... đã được tỉnh quan tâm đầu tư để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau hơn 15 năm hình thành, việc phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá; số lượng nhà đầu tư lớn, các dự án FDI đầu tư vào khu kinh tế vẫn còn ít, còn nhiều dự án chậm triển khai hoặc không có khả năng triển khai. Chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân chính sau: 

Thứ nhất, trước khi thành lập Khu kinh tế, cơ sở hạ tầng của vùng Chân Mây - Lăng Cô chưa được đầu tư, giao thông đi lại của nhân dân trong vùng gặp nhiều khó khăn. Sau khi thành lập, phải hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách, triển khai công tác lập quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa được đồng bộ, hoàn thiện do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế (đến nay, tổng vốn đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn khu kinh tế chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng).

Thứ hai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư.

Thứ ba, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính chất của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao. Chính vì thế, việc bảo vệ môi trường của Khu kinh tế là yếu tố đặc biệt quan trọng mà tỉnh đã và đang thực hiện. Những năm qua, có một số nhà đầu tư đề xuất đầu tư nhà máy nhiệt điện với vốn đầu tư hàng tỷ USD, điều này có thể mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, chúng tôi đã từ chối cấp phép đầu tư dự án. 

Thứ tư, dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến năm 2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là các dự án du lịch.

Thứ năm, về khung pháp lý, hiện nay, quy định chung cho khu kinh tế và khu công nghiệp mới chỉ được quy định tại các Nghị định (hiện nay là Nghị định số 35/2022/NĐ-CP) nên quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc, chồng chéo với các luật chuyên ngành gây khó khăn trong quá trình thực hiện. 

Bên cạnh đó, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1955/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, đến nay, đã thu hút được khoảng 68 dự án đầu tư tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (bao gồm 32 dự án tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; 36 dự án nằm ngoài địa bàn Khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 32.568 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 30 dự án đã đi vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai xây dựng, 10 dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, 05 dự án đã ngừng hoạt động và 03 dự án đã thu hồi chấm dứt hoạt động.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiến hành rà soát, làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ và yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ, thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư dự án; trường hợp đến thời điểm cam kết mà nhà đầu tư không hoàn thành dự án đưa vào hoạt động thì sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.

Qua triển khai các biện pháp này, thời gian qua, Tỉnh đã thu hồi nhiều dự án không có khả năng triển khai. Đối với các dự án nhà đầu tư đã cam kết tiến độ thực hiện dự án và chỉ đạo định kỳ tổ chức giao ban tại công trường dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và có biện pháp xử lý nếu nhà đầu tư chậm triển khai. 

Hiện nay, tỉnh đã thành lập các Tổ công tác để theo dõi, giám sát, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án. Mỗi dự án tỉnh đều ban hành một kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các cơ quan liên quan trong việc triển khai hỗ trợ thực hiện dự án. Căn cứ kế hoạch đã ban hành, tỉnh sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, trường hợp các cơ quan chậm triển khai thực hiện so với kế hoạch đã ban hành, trên cơ sở phân tích nguyên nhân và khó khăn, vướng mắc của dự án, sẽ có phương án xử lý phù hợp các cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Theo đó, một số dự án chậm triển khai trên địa bàn đã có những biến chuyển tích cực với phương án xử lý phù hợp, cụ thể: Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây đã được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chấm dứt hoạt động giai đoạn 2 của dự án, điều chỉnh lại quy mô, diện tích, tiến độ thực hiện giai đoạn 1 theo tình hình triển khai thực tế để nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô đã được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 02/3/2022 để triển khai hỗ trợ thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án quy hoạch của dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô sau thời gian ngừng triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay, nhà đầu tư đã cam kết tập trung đầu tư triển khai trở lại.

Dự án Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long - Thừa Thiên Huế, nhà đầu tư đã có văn bản xin điều chỉnh giảm quy mô, diện tích của dự án (do khó khăn trong công tác GPMB), hiện nay, tỉnh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh để tiếp tục triển khai dự án. 

Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) đã được thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án theo hướng giảm quy mô, diện tích, điều chỉnh mục tiêu…

PV: Mới đây báo cáo đầu kỳ công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia đề xuất quy hoạch Thừa Thiên - Huế phân ra thành 6 vùng để phát triển, gồm Vùng 1: Đô thị trung tâm với chức năng: đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị giáo dục y tế, đô thị ven sông, đô thị ven đầm; Vùng 2: Đô thị vùng cát: đô thị công nghiệp, đô thị nông nghiệp; Vùng 3: Đô thị du lịch: đô thị Cầu Hai; vùng bảo tồn Bạch Mã; Vùng 4: Đô thị đôi: đô thị du lịch - dịch vụ - logistic - đô thị; Vùng 5: Đô thị gò đồi: đô thị ven hồ; Vùng 6: Đô thị núi: du lịch nông nghiệp gắn với làng bản, du lịch đô thị vùng biển. Điều này cho thấy các chuyên gia rất coi trọng yếu tố sông, biển trong quy hoạch phát triển tỉnh. Xin ông cho biết thêm tính khả thi, triển vọng về ý tưởng quy hoạch này?

Ông Nguyễn Văn Phương: Việc đánh giá phân vùng phát triển được dựa trên phân tích đánh giá tổng hợp các tiềm năng lợi thế cũng như những mặt hạn chế để đưa ra phương án tối ưu cho phát triển Thừa Thiên Huế mang tính bền vững và khả thi cao. 

Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển, có hệ thống Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích 22.000km2, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô lâu, sông Bồ, sông Truồi… và hệ thống các đập, hồ đã tạo nên một hạ tầng thủy lợi tương đối đồng bộ. 

Thừa Thiên - Huế có lợi thế lớn về hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (Ảnh T.L)

Trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặc biệt quan tâm đến những yếu tố tự nhiên như biển, đầm phá, hệ thống sông ngòi, kênh rạch trong quy hoạch phát triển tỉnh. Qua đó, quy hoạch tỉnh nghiên cứu có các biện pháp xử lý nguy cơ ngập úng do mực nước biển dâng theo các kịch bản, nguy cơ trượt lở đất, nguy cơ sạt lở bờ biển; nghiên cứu mở thêm các hệ thống sông ngòi, kênh rạch phù hợp; vận hành các hồ chứa nước để có cách tiếp cận nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội phát triển cho Thừa Thiên - Huế đảm bảo thích nghi với khả năng chống chịu của khu vực; thiết lập các hành lang an toàn bảo vệ bờ biển.

Đồng thời, phát huy nhiệm vụ cắt lũ tiểu mãn, lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, sông Bồ; cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; tạo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu các sông để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản...

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top