Đâu là điểm nghẽn của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ?
Vùng kinh tế Bắc Trung Bộ đang đứng trước một cơ hội lớn - cơ hội phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững, với mô hình liên kết hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp và phân phối hàng hóa đồng bộ, hướng vào ngành có lợi thế cạnh tranh và đưa xuất khẩu, dịch vụ, du lịch trở thành mũi nhọn…
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức khiến cho cơ hội ấy trở nên khó tiếp cận hơn.
Tại Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" diễn ra chiều 18/10, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định Chính phủ đã có Quyết định về quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ, tuy nhiên Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu không có sự chung tay của các giới, trong đó vai trò nòng cốt của doanh nghiệp thì khó thành công!
Theo đó, Bắc Trung Bộ là khu vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ví Việt Nam như “cô gái đẹp”, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Vùng Bắc Trung Bộ như là bộ phận “cổ”, mà cái gật hay lắc là quan trọng nhất. Đây cũng là khu vực giàu có về văn hoá của đất nước, sở hữu nhiều kỳ quan không chỉ của Việt Nam mà của thế giới.
Xét về vị thế địa chính trị, đây là điểm kết nối quan trọng, gắn kết Việt Nam với các nước như Lào hay Campuchia.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay, khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Mặc dù đã có những dự án về công nghiệp như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk... với khoảng 40.000 doanh nghiệp, số hộ kinh doanh khoảng 300.000 hộ. Xét về dân số, vùng Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5%, điều này thể hiện trình độ phát triển của doanh nghiệp khu vực này bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.
“Thiếu doanh nhân là nguyên nhân của sự kém phát triển của kinh tế, điều này đúng ở mọi nền kinh tế”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, về cơ bản vùng miền Trung chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra trong Quyết định số 1114/QĐ-TTg. Mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016 - 2018 nhưng tăng trưởng kinh tế tiểu vùng Bắc Trung Bộ vẫn đạt thấp hơn của vùng miền Trung và chỉ đạt 5,63% (vùng Duyên hải Miền Trung đạt 9,32%), đóng góp 53,3% vào tăng trưởng của vùng.
Bà Điệp đánh giá, vẫn còn tồn tại một số định hướng quan trọng và khâu đột phá của vùng còn chậm được triển khai và đã bộc lộ những tồn tại, yếu ké, ảnh hưởng không nhỏ đến tiềm năng phát triển cho giai đoạn sau.
Cụ thể, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, chưa cao. Vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. "Mặc dù có nhiều công trình đã được huy động đầu tư từ ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng do xuất phát của nền kinh tế chưa hấp dẫn thu hút đầu tư nên vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu phát triển đề ra", bà Điệp phân tích.
Theo đó, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, tỷ lệ lao động thất nghiệp của vùng vẫn ở mức cao so với cả nước, đặc biệt tại những địa phương có điều kiện phát triển như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định.
Làn sóng cải cách lần thứ 2
Với quan điểm chúng ta đang sống trong thời kỳ 4.0, hội nhập - là kỷ nguyên của siêu kết nối, TS. Lộc cho rằng chúng ta chưa thực sự kết nối với nhau, khiến quá trình phát triển trở nên chầy chật trong những năm qua.
“Suy cho cùng, liên kết có thành công hay không thể hiện ở việc doanh nghiệp có liên kết được với nhau hay không. Chúng ta có liên kết được toàn cầu hay không quan trọng ở việc chúng ta có liên kết được với nhau hay không”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Bởi đó, việc các doanh nghiệp đưa ra những hiến kế về phát triển kinh tế vùng, phát triển ngành và đưa ra chương trình hành động là điều rất cần thiết.
Chủ tịch VCCI cho biết, trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đang mong muốn có một làn sóng cải cách lần thứ hai.
“Bao nhiêu năm nay chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhưng thể chế còn chồng chéo. Do đó, đây không còn là giai đoạn tháo gỡ mà là định hướng phát triển. Chính phủ cần dẫn dắt, yểm trợ doanh nghiệp phát triển”, TS. Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập Hội đồng liên kết vùng. Theo đó, Hiệp hội các tỉnh, thành phố đã có liên kết với nhau và việc cần làm hiện nay là thành lập Hội đồng liên kết vùng. Hội đồng này sẽ định hướng chiến lược của hệ thống sinh thái vùng, hỗ trợ cho vùng phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng đưa ra gợi ý hằng năm Hội đồng liên kết vùng có thể tổ chức các Diễn đàn Kinh tế vùng.
“Trong Diễn đàn kinh doanh vùng hàng năm bàn sâu về chính sách, các bài học trong kinh doanh, làm thế nào để các tỉnh có thể cải thiện chỉ số PCI. Hơn nữa, thời điểm này, không còn là thời của các tỉnh cạnh tranh, giành nhau từng dự án, mà dự án thu hút của tỉnh này sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của các tỉnh lân cận. Do đó, việc thành lập Hội đồng liên kết vùng sẽ giúp hỗ trợ vùng kinh tế Bắc Trung Bộ liên kết hơn, phát triển hơn”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp đề xuất để phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ cần lưu ý 4 trụ cột chính, trước hết là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng.
Tiếp đó là phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn - thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ, hình thành và phát triển các cluster về du lịch.
Trụ cột thứ ba là đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển cảng biển nước sâu tại Khu kinh tế Vũng Áng và các dịch vụ logistic.
Cuối cùng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản...
Bên cạnh đó, bà Điệp cùng đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá với vùng Bắc Trung Bộ mới; cơ chế điều phối Vùng theo hướng phải có thực quyền, hiệu lực và hiệu quả.