Aa

Chủ tịch VCCI: "Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho sự bứt phá tăng trưởng"

Thứ Sáu, 06/12/2019 - 06:30

Đó là lời khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế 2020: Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới diễn ra ngày 05/12.

Năm 2020 là dấu mốc quan trọng để chứng minh thành quả phát triển tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam. Theo mục tiêu của chu kỳ 5 năm (2016 - 2020) đã đề ra với mức tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%, con số dự kiến cho năm 2020 với mức 6,84% được đánh giá là khả quan. Thành quả này không chỉ khép lại chu kỳ 5 năm qua, đồng thời mở ra chu kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Nỗ lực cải cách của Chính phủ là “bản lề” cho sự tăng trưởng kinh tế

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: “Vị trí xếp hạng của chúng ta đã tăng trong danh sách của Ngân hàng Thế giới, đồng thời có những bước tiến vượt bậc so với nhiều nước trong diễn đàn kinh tế thế giới. Theo báo cáo gần đây, Việt Nam từ vị trí 23 đã lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế hiện nay là một trong những nước cao nhất khu vực châu Á. Trong thời buổi kinh tế diễn biến khó lường thì những thành quả chúng ta đạt được là hết sức quan trọng. Và để đạt được những thành quả đó, là những cố gắng, nỗ lực cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc

Đồng quan điểm với ông Lộc, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương chỉ rõ: “Nỗ lực của Chính phủ trong 5 năm gần đây là rất lớn. Liên tiếp 4 năm từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến năm 2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 139. Mới đây nhất, năm 2019, tiếp tục bàn hành Nghị quyết 98 và 02.

Chính phủ đặt ra chỉ tiêu hết sức cụ thể là phấn đấu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của 6 nước Asean trong nghị định 98, sau đó nghị định 02 đề ra chúng ta phải nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu của Asean 6.

Chính những cải cách đó, cùng định hướng hướng đi cụ thể, rõ ràng, đã tạo nên môi trường kinh doanh ổn định, giúp các doanh nghiệp yên tâm, vững tâm hơn trong phát triển kinh tế làm giàu cho đất nước” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, “mặc dù thể chế có nhiều cải cách nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay, chúng ta tăng 5 bậc về thể thể chế, từ 84 lên 89. Tuy nhiên về tổng thể vẫn xếp thứ 140, đồng nghĩa cũng còn rất nhiều việc phải làm”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Ông Lực cũng cho hay, quá trình thực thi các điều luật còn nhiều bất cập, có những nghị định, thông tư chúng ta biết chắc rằng chưa tốt cho doanh nghiệp nhưng lại mất cả năm mới chịu sửa đổi. Ví dụ Nghị định 20, phải đích thân Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo mới có thể hoàn thiện. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, những nỗ lực trong cải cách của Chính phủ thời gian qua là rất quan trọng.

Cơ hội và thách thức trong năm 2020

Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao dựa trên nền tảng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên các mặt như kiểm soát lạm phát, nợ công, cán cân xuất nhập khẩu và lao động việc làm đều có kết quả khả quan, làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách vượt dự toán là 3,3%, chi cho đầu tư phát triển, đạt tỷ trọng 26,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Các tổ chức quốc tế cũng có những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Theo báo cáo tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Trong đó, điểm sáng phải kể đến đó là dòng đầu tư nước ngoài gia tăng. Không chỉ do chiến tranh thương mại mà còn do nỗ lực cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh, mà Việt Nam ký kết thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng việc định hướng mới về thu hút FDI.

Điển hình phải kể đến làn sóng quan tâm đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc coi Việt Nam là quốc gia trọng tâm để hợp tác phát triển kinh tế. Đây là cơ hội rất lớn mà chúng ta có thể hy vọng kinh tế sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng chỉ rõ: “Trong năm 2020 và nhiều năm tiếp theo cơ hội đầu tư vẫn nằm ở nhũng ngành có lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản, thủy sản; lĩnh vực tiêu dùng như bán lẻ, giải trí , giáo dục, y tế,...; các lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, công nghệ số, phát triển đô thị thông minh, bền vững; các lĩnh vực bất động sản như nhà ở, văn phòng, du lịch,...

Tuy nhiên, nhận định cơ hội cũng chính là những thách thức, ông Vũ Tiến Lộc phân tích những khó khăn chung của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới: “Hiện nay phát triển kinh tế thế giới có sự chững lại do nhiều bất ổn khó lường như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn biển, kinh tế, chính sách tiền tệ giữa các nước rất khó dự đoán. Bức tranh kinh tế theo dự đoán hiện nay vẫn là bức tranh không mấy sáng sủa khi mà xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Trong khi thế giới chưa có biện pháp gì để thúc đẩy, thoát khỏi tình trạng bế tắc này, Mặc dù chúng ta có những xu hướng phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ 4.0, gia tăng kết nối khu vực và xu thế dữ liệu dịch chuyển xuyên biên giới,... nhưng chủ nghĩa bảo hộ và bế tắc của nền tảng thương mại đa phương vẫn đang là trở ngại. Bên cạnh đó, thay đổi khí hậu, già hóa dân số cũng tác động rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top