Aa

Chính sách tiền tệ - điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng kinh tế

Thứ Hai, 14/10/2019 - 16:30

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, điều hành tỷ giá hối đoái là thành công nổi bật của NHNN thời gian qua.

Mặc dù sự leo thang căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật: Tăng trưởng 9 tháng cao nhất trong 9 năm, lạm phát duy trì ở mức thấp… Tất cả điều này giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khi trao đổi với phóng viên. Đặc biệt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa những kết quả trên có sự đóng góp rất tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn những đóng góp của chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đầu tiên, có thể thấy việc kiểm soát cung tiền của NHNN khá tốt. Đặc biệt là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hướng giảm tín dụng trung, dài hạn và giảm tín dụng đối với một số lĩnh vực có rủi ro cao. Chính điều này làm cho cung tiền giảm, nhất là tiền cơ sở; đồng thời buộc DN trong nước và nước ngoài sử dụng vốn hiệu quả hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Thứ hai là tỷ giá. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 thấp hơn so với năm ngoái. Nhưng cán cân thương mại vẫn duy trì trạng thái thặng dư khá tốt. Tôi cho rằng, thặng dư cán cân thương mại 9 tháng ở mức 7,15 tỷ USD là khá cao trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, giải ngân vốn FDI vẫn giữ được ở tốc độ tăng trưởng như những năm trước nên thặng dư cán cân thanh toán tổng thể ở mức khá cao. Đó là những yếu tố tích cực giúp duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận NHTW cũng đã có những biện pháp tích cực để chống hiện tượng găm giữ ngoại tệ của người dân và DN. Bên cạnh đó, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá để cân bằng cung - cầu ngoại tệ trên thị trường một cách linh hoạt, có hiệu quả. Đặc biệt, NHNN giữ được vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, thành tựu trên có được một phần cũng nhờ tiến bộ vượt bậc trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Theo đó nền tảng tài chính của phần lớn các ngân hàng được cải thiện đáng kể, lãi ròng/tổng tài sản và lợi nhuận ròng/vốn tự có đạt mức bình quân khu vực Đông Nam Á. Điều đó góp phần rất quan trọng tạo ra sự ổn định trên thị trường tiền tệ (thị trường liên ngân hàng) và ổn định thanh khoản toàn hệ thống. 9 tháng đầu năm 2019 cũng là giai đoạn NHNN đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu NHTM và áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II.

Đặc biệt là các chuẩn mực về an toàn và quản trị vào hệ thống. Đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ thông tin theo xu hướng cách mạng 4.0. Hệ thống NHTM hoạt động an toàn, ổn định góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ nói riêng, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Quan trọng nhất là trở thành đòn bẩy để chính sách tiền tệ của NHNN thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc ổn định lãi suất, tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điểm nữa là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa ngày càng nhuần nhuyễn, đặc biệt thể hiện thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, gần đây là phát hành trái phiếu doanh nghiệp, rất thành công.

PV: Theo ông, đâu là điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng, điều hành tỷ giá hối đoái là thành công nổi bật của NHNN thời gian qua. Mặc dù trong bối cảnh các NHTW trên thế giới đều nới lỏng tiền tệ; nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là nhân dân tệ giảm giá rất mạnh, trong khi giá vàng tăng vọt… đã có nhiều tác động tiêu cực đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Trước những sức ép không hề nhỏ như vậy, NHNN vẫn giữ quan điểm ổn định chiến lược lấy mục tiêu dài hạn làm trọng. Đồng thời có những hành động cân bằng cung - cầu thị trường nhanh chóng và linh hoạt khiến cho thị trường ngoại hối rất yên bình không có biểu hiện đầu cơ, kỳ vọng tăng tỷ giá.

Tất nhiên, ngoài kinh nghiệm điều hành của NHNN, thành công trong chính sách tỷ giá nhận được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác như lạm phát thấp, thặng dư thương mại tốt, thặng dư cán cân vốn còn lớn… Nhưng phải thấy rằng các hành động chính sách của NHNN trong giải quyết vấn đề tỷ giá hối đoái là rất vững vàng, chuyên nghiệp và điều đó mang lại thành công lớn là trở thành một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và cả trên thế giới.

Hiện mặc dù tỷ giá vẫn đang chịu nhiều sức ép do lạm phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ động thái nới lỏng tiền tệ của NHTW các nước trên thế giới, từ việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái tại nhiều nước, nhất là đồng CNY. Nhưng, tôi tin tưởng chính sách vững vàng bài bản của NHNN sẽ hóa giải được những sức ép đó và tỷ giá những tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định.

PV: Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do những rủi ro, bất định của kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh đó, NHNN cần lưu ý điều gì trong điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Những tiêu cực từ bên ngoài và bên trong chắc chắn sẽ tác động đến điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cảm thấy với cách thức điều hành khá kiên định vững vàng của NHNN, tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao sẽ hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tiền tệ.

Tôi cho rằng hiện tại, NHNN nên bình tĩnh quan sát, có kế hoạch dài hạn, không nên hành động vội vàng. Trước hết, cần củng cố hệ thống ngân hàng, tăng khả năng thanh khoản, thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu các NHTM. NHNN tiếp tục củng cố các công cụ của chính sách tiền tệ để đảm bảo kiểm soát được lạm phát một cách vững chắc. Trên cơ sở đảm bảo được lạm phát, khi đó NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá theo một mức thích hợp trước các diễn biến mới.

Điều cần lưu ý nữa, theo tôi, phải thúc đẩy nhanh dự án công nghệ mới sớm ứng dụng vào hoạt động hệ thống ngân hàng, chuyển đổi ngân hàng số nhất là sáng tạo công nghệ, Fintech…

Về công nghệ, tôi nghĩ các ngân hàng Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới. Nhưng rào cản lớn nhất để các ngân hàng mạnh dạn ứng dụng các sáng tạo số vào dịch vụ, sản phẩm là cơ chế pháp lý rõ ràng. 

Trước yêu cầu và đòi hỏi của thời đại công nghệ, và với tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ mới, đòi hỏi nhu cầu bức thiết trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để hạn chế cho cả người dùng lẫn nhà cung cấp dịch vụ.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top