Aa

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh: VNREA giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Bảy, 06/04/2024 - 06:42

Theo ông Đào Ngọc Thanh, VNREA là cầu nối giúp các doanh nghiệp hội viên đồng hành và hỗ trợ nhau trong hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh. Thời gian tới, ông hy vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến chia sẻ, làm rõ hơn các vướng mắc pháp lý và kiến nghị để có chính sách tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2024 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chiều 5/4, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex đã có những chia sẻ về hoạt động của Hiệp hội trong năm vừa qua, cũng như những khó khăn, bất cập trong chính sách phát triển nhà ở xã hội ở nước ta hiện nay.

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh: VNREA giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên- Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex phát biểu tại hội nghị.

Ông Đào Ngọc Thanh cho biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã là cầu nối giúp các doanh nghiệp hội viên đồng hành và hỗ trợ nhau trong hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Chủ tịch HĐQT Vinaconex gửi lời cảm ơn tới Hiệp hội vì đã quan tâm tới các doanh nghiệp hội viên. Đặc biệt, khi Vinaconex phát triển dự án nhà ở xã hội tại Thừa Thiên Huế, các lãnh đạo VNREA đã vào tận nơi để tham gia khởi công dự án, động viên các doanh nghiệp hội viên. Cùng với đó, thời gian qua, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng đã hỗ trợ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong công việc để cùng phát triển.

Theo ông Đào Ngọc Thanh, dù Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, nhưng bức tranh thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Ở góc độ doanh nghiệp bất động sản, trong quá trình làm nhà ở xã hội, Vinaconex cũng gặp một số vướng mắc nhất định. Cụ thể, doanh nghiệp có 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong một khu đô thị ở Thừa Thiên Huế với 8 tòa nhà ở xã hội nhưng hiện chưa thể bán được.

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh: VNREA giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: VnExpress

Chỉ ra nguyên nhân, ông Thanh cho rằng, việc quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ bán lại sau 5 năm đưa vào sử dụng rất khó để có thể thực hiện và vốn của doanh nghiệp sẽ "nằm" ở đó. 

"Cụ thể, một toà nhà của chúng tôi có 180 căn hộ nhưng 140 căn còn chưa bán được thì cho ai thuê? Trong khi đó, 140 căn hộ này để được Sở Xây dựng phê duyệt đủ điều kiện bán thì chúng tôi đã phải trải qua 4 lần xin duyệt. Nếu Sở Xây dựng không duyệt thì không ai mua được. Bởi muốn mua nhà ở xã hội ở Huế, những tiêu chuẩn đầu tiên để được duyệt mua nhà là phải thường trú ở Huế. Người dân ở các tỉnh, thành khác đến thường trú thì sẽ không được mua. Giấy thường trú đó sẽ do phường, xã xác nhận là không có nhà đất thì mới được mua. Như vậy, không phải người ở Huế thì không thể mua được nhà. Và vì phường, xã không xác nhận thì Sở Xây dựng không ký duyệt", ông Thanh nêu vấn đề. 

Ông cũng cho biết, trong 8 tòa nhà ở xã hội, tòa thứ nhất sau 4 đợt mở bán đã bán được 140 căn, còn lại tòa thứ 2 vẫn chưa được duyệt bán mà "có lẽ phải đợi đến tháng 7, khi Luật mới chính thức có hiệu lực và phải bỏ quy định cư trú thì mới có thể giải quyết được khó khăn này".

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh: VNREA giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên- Ảnh 3.

Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho biết trong quá trình làm nhà ở xã hội, Vinaconex gặp không ít vướng mắc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhận thấy rằng, việc phát triển nhà ở xã hội còn có khó khăn liên quan đến gói vay vốn. Cụ thể, theo quy định, đất ở trong khu đô thị được làm nhà ở xã hội thì không được tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng, trong khi gói hỗ trợ đó là để người dân được hưởng tiêu chuẩn xã hội nhưng lại không được vay.

"Thử tưởng tượng, nếu cho một mảnh đất ở nơi xa xôi hẻo lánh làm nhà ở xã hội thì chủ đầu tư sẽ bán cho ai? Vậy thì người nghèo mãi khổ, vì không tiếp cận được khu đô thị có hạ tầng tốt, có giao thông tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống", ông Thanh nói.

Đưa ra một ví dụ khác, theo ông Đào Ngọc Thanh, người mua nhà xã hội được quyền vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 4,5%. 

Còn bản thân doanh nghiệp vẫn vay với mức lãi suất 9%. Vì chủ đầu tư không có quyền vay tiền từ Ngân hàng Chính sách để làm dự án nhà ở xã hội mà chỉ có người dân mua nhà ở xã hội mới được tiếp cận.

Trong khi đó, chủ đầu tư không được quyền thế chấp đất làm dự án nhà ở xã hội để vay vốn. Nên nếu doanh nghiệp thế chấp tài sản trên đất để vay ngân hàng thương mại phục vụ làm dự án thì người dân sẽ không tiếp cận được gói vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nữa, vì nhà ở đó đã bị thế chấp. 

Còn nếu doanh nghiệp chấp nhận không vay để cho người dân vay thì chính doanh nghiệp đó sẽ không có nguồn lực để phát triển dự án.

"Sau nhiều năm tham gia làm dự án nhà ở xã hội, chúng tôi nhận thấy rằng, làm đến đâu vướng đến đó", ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Do đó, lãnh đạo Vinaconex hy vọng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến chia sẻ, làm rõ hơn các vướng mắc pháp lý và kiến nghị để có chính sách tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội hãy luôn hỗ trợ nhau và cùng nhau tạo ra những khu đô thị chất lượng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top