Đó là chia sẻ của ThS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) xung quanh câu chuyện Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn tổ chức thi công gây nứt nhiều nhà dân tại TP. Vinh, Nghệ An.
Phóng viên Reatimes có cuộc trao đổi với ThS. Luật sư Đặng Văn Cường chi tiết dưới đây:
PV: Công trình Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ Hoành Sơn (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư, gọi tắt là Công trình) bắt đầu triển khai làm móng cũng chính là lúc nhiều nhà ở của các hộ dân xung quanh khu vực dự án bị nứt, lún. Xin Luật sư cho biết, với trường hợp như vậy, trách nhiệm của chủ đầu tư được xác định như thế nào?
ThS. Luật sư Đặng Văn Cường: Dưới góc độ pháp lý, Điều 111 Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định rõ về các yêu cầu đối với việc thi công công trình xây dựng. Theo đó việc tổ chức thi công công trình phải tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật; Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng...
Như vậy, về nguyên tắc, việc thi công công trình xây dựng không được làm ảnh hưởng đến các công trình liền kề và phải đảm bảo thiết kế xây dựng đã được phê duyệt cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng của công trình. Trong trường hợp chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, gây lún, nứt công trình lân cận mà các bên không thỏa thuận được bồi thường theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng mà việc tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác.
Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm buộc khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.
Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống.
Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số Điều của nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Khi đó, chủ đầu tư tổ chức công trình xây dựng chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận và đã hoàn thành việc bồi thường thiệt hại hoặc đã tuân thủ trình tự giải quyết quy định. Trong trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình cho đến khi đạt được thỏa thuận và bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.
Khi xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu đơn vị này dừng việc thi công công trình để đảm bảo an toàn đối với các hộ dân liền kề và đảm bảo quy trình pháp lý về việc bồi thường thiệt hại.
PV: Như vậy trong trường hợp Công trình của Tập đoàn Hoành Sơn tại TP. Vinh, cơ quan có thẩm quyền có căn cứ để đình chỉ thi công công trình, thưa Luật sư?
ThS. Luật sư Đăng Văn Cường: Về việc đình chỉ thi công: Mặc dù tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư tư xây dựng không quy định về việc áp dụng biện pháp đình chỉ thi công đối với công trình có sai phạm làm gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự). Tuy nhiên tại Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết Điểm c, Khoản 11, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: Bên vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận và đã hoàn thành việc bồi thường thiệt hại hoặc đã tuân thủ trình tự giải quyết quy định.
Do đó, khi phát hiện sai phạm thì cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu đơn vị này dừng việc thi công công trình để đảm bảo an toàn đối với các hộ dân liền kề và đảm bảo quy trình pháp lý về việc bồi thường thiệt hại cho đến khi việc bồi thường kết thúc.
PV: Cụ thể thì quy trình bồi thường thiệt hại được thực hiện như thế nào, thưa Luật sư?
ThS. Luật sư Đăng Văn Cường: Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định về trình tự thực hiện việc bồi thường thiệt hại giữa chủ đầu tư và các hộ dân như sau: Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, chủ đầu tư và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại và một bên có đơn yêu cầu gửi Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết thì được thực hiện theo trình tự như sau: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thỏa thuận lần đầu; Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc không tổ chức được thỏa thuận lần đầu do một trong các bên vắng mặt, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai;
Tại buổi thỏa thuận lần hai mà một trong các bên vắng mặt không có lý do chính đáng thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thuê tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do chủ đầu tư chi trả. Sau khi xác định mức bồi thường thiệt hại, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản.
Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng; Tại buổi thỏa thuận lần hai mà hai bên không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại thì hai bên thống nhất thuê một tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại.
Trường hợp hai bên không thống nhất về tổ chức tư vấn được thuê hoặc mức bồi thường thiệt hại do tổ chức tư vấn được thuê xác định thì Chủ tịch UBND cấp xã thuê một tổ chức tư vấn xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do Chủ đầu tư chi trả. Căn cứ kết quả xác định mức bồi thường thiệt hại, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản.
Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng.
Trong trường hợp một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Như vậy, trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo trình tự thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Hồi tháng 7/2019, thời điểm công trình Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ Hoành Sơn (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư) bắt đầu triển khai làm móng công trình, cũng chính là lúc cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh khu vực dự án bị ảnh hưởng. Các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, đề nghị được bồi thường vì nhà ở bị xuống cấp do quá trình thi công công trình gây ra, tuy nhiên, sự việc chưa được giải quyết triệt để.
Phía Tập đoàn Hoành Sơn vừa bị xử phạt vi phạm 25 triệu đồng vì tổ chức thi công gây nứt nhà dân. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư và người dân vẫn chưa thỏa thuận được mức giá đền bù thiệt hại do tổ chức thi công vi phạm gây ra.
Những quan điểm của đơn vị thi công trước "cáo buộc" của đại diện chủ đầu tư và việc đảm bảo an toàn trước, trong quá trình thi công công trình này sẽ được phóng viên phản ánh trong bài viết tới.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.