Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, để chuẩn bị các điều kiện có thể triển khai ngay các công việc sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về triển khai Nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM đã dự thảo và lấy ý kiến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án, từ bước chuẩn bị đầu tư đến hoàn thành dự án.
Cùng với đó, TP.HCM cũng xây dựng quy chế phối hợp giữa TP.HCM và các tỉnh, cụ thể hóa trách nhiệm "đầu mối" của TP.HCM và trách nhiệm phối hợp, thực hiện dự án của các địa phương nơi dự án đi qua. Chuẩn bị các thủ tục liên quan đến công tác bố trí vốn ngân sách địa phương, để tham mưu cho HĐND thành phố, tỉnh ban hành Nghị quyết bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 cho dự án.
TP.HCM cũng đã chủ động xây dựng mô hình chỉ đạo, điều hành dự án gồm: Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy dự án… đối với các dự án thành phần trên địa phận từng địa phương, nhằm đảm bảo quá trình triển khai dự án sẽ giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện chủ động triển khai các công tác phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến các quận, huyện thuộc TP.HCM và các tỉnh liên quan, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.
Để hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM báo cáo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách dự kiến trình Chính phủ trong Nghị quyết về dự án.
Cụ thể, cho phép Chủ tịch UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu và thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Cho phép triển khai đồng thời một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị dự án; cùng với đó là các cơ chế về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp tỉnh đối với các trường hợp cần điều chỉnh phục vụ thực hiện dự án. Đồng thời, cho phép UBND TP.HCM thành lập Hội đồng cố vấn Dự án (áp dụng cho toàn dự án); mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, am hiểu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, tổ chức thi công, đấu thầu, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tham gia Hội đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, dự kiến đầu tháng 7/2022, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án; triển khai đến chính quyền cấp cơ sở nơi có dự án đi qua; huy động cả hệ thống chính trị cho công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chỉ đạo tổ chức thực hiện, thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án.
Cuối tháng 6/2022 vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận mô hình chỉ đạo dự án vành đai 3 TP.HCM do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất và giao các sở ngành, địa phương của Thành phố khẩn trương thực hiện các công việc liên quan để triển khai thực hiện dự án.
Dự án vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026./.