Sáng 6/6, Chính phủ trình Quốc hội và thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Nếu được thông qua, triển khai thực hiện sớm, đây sẽ là động lực hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước.
Bên lề Quốc hội, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM xung quanh vấn đề này.
PV: Việc xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ đem lại lợi ích như thế nào đối với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung?
Ông Phan Văn Mãi: Đường Vành đai 3 TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng. Việc đầu tư cho đường Vành đai 3 hiện nay không chỉ là cần thiết mà rất cấp thiết, cấp bách.
TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua đã xuất hiện các điểm nghẽn khiến giao thông ách tắc; dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội và mất dần động lực phát triển, làm cho động lực phát triển của cả vùng như con tàu mất trớn.
Do đó, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, kết nối và lan tỏa, tạo tiền đề để tháo gỡ các điểm nghẽn; mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc khai thác các quỹ đất dọc theo hai bên tuyến sau khi đường vành đai 3 TP.HCM được đưa vào vận hành sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, phục vụ tái đầu tư, phát triển.
Đặc biệt, việc kết nối với 5 đường cao tốc hướng tâm là TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần giải quyết bài toán nối kết liên vùng. Không gian đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, sẽ giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.
Trong vòng 5 năm đến 15 năm tới, cùng với việc kép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế.
Do đó, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng và cần phải được triển khai ngay. Bởi thực tế cho thấy ở đâu có đột phá về giao thông thì chắc chắn ở đó có đột phá về kinh tế. Ngược lại, không có đột phá về hạ tầng giao thông sẽ rất khó đột phá về kinh tế, xã hội, đời sống.
Đây không chỉ là trục giao thông chiến lược, còn là vành đai phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và kết nối vùng.
PV: Đường Vành đai 3 có tổng kinh phí bồi thường rất lớn và tiến độ bồi thường trong khoảng thời gian rất ngắn, xin ông cho biết các địa phương sẽ bố trí cân đối bố trí vốn như thế nào?
Ông Phan Văn Mãi: Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34km, đi qua TP.HCM dài khoảng 47,51km, đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh; qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26km, đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch; tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76km, đi qua địa bàn các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; tỉnh Long An dài khoảng 6,81km đi qua địa bàn huyện Bến Lức.
Về nguồn vốn, đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Nguồn vốn để thực hiện đường Vành đai 3 được bố trí từ ngân sách nhà nước, tức là đầu tư công. Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 50% và các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương sẽ đảm bảo 50%, riêng Long An 25%, phần còn lại là Trung ương sẽ hỗ trợ.
Đối với các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chúng tôi đã trình Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân đã có kế hoạch cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương từ trung hạn 2021 - 2025 và sẽ bố trí theo tiến độ dự án, theo khối lượng hàng năm để đảm bảo được tiến độ của dự án.
Đây là những địa phương có điều kiện thu ngân sách tốt nhất, cho nên việc cân đối ngân sách để bố trí vốn cho dự án cũng không phải là vấn đề khó khăn, hơn nữa, trong dự án này, chúng tôi cũng đã tính toán tới việc là có thể có nguồn thu sau khi hoàn thành dự án.
Bên cạnh đó, TP.HCM có thể huy động kinh phí cho dự án thông qua việc qua phát hành trái phiếu địa phương.
Ngoài ra, ít nhất có 3 nguồn thu đã được TP.HCM và các địa phương tính toán đến để đảm bảo khả năng cân đối vốn, trả nợ cho dự án. Thứ nhất là khai thác quỹ đất ven tuyến ven biển, hiện có trên 500 ha, có thể bán thu về khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng; thứ hai, các khoản tăng thu của TP.HCM và các địa phương cộng với phát hành trái phiếu.
Chưa kể, sắp tới TP.HCM tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ có nguồn thu hay các nguồn thu từ đất khác.
PV: Theo ông khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các dự án này là gì?
Ông Phan Văn Mãi: Hiện khó khăn nhất trong việc triển khai dự án đường Vành đai 3 đó chính là việc giải phóng mặt bằng để đảm bảo có mặt bằng sạch đúng tiến độ cho dự án và việc tổ chức thực hiện dự án.
Riêng giải phóng mặt bằng, TP.HCM và các địa phương đã ngồi lại với nhau lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, thống nhất từ chính sách, cách thức triển khai và ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP.HCM và các địa phương sẽ triển khai những bước cần thiết để bắt tay vào công tác kiểm kê để có chính sác đền bù và giải phóng mặt bằng
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng dù chính sách bồi thường có tốt đến đâu thì ít nhiều cũng ảnh hưởng tới an cư, sinh kế, xáo trộn công việc và cuộc sống của bà con nhưng vì lợi ích của công trình tôi mong rằng bà con sẽ đồng thuận, hy sinh để đóng góp cho sự phát triển chung.
Điều quan trọng là làm sao đảm bảo việc tái định cư cho người dân. TP.HCM và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương cũng là những địa phương có quỹ nhà có thể dùng để tạm cư, thực hiện các thủ tục tái định cư. Các địa phương cũng đã lên phương án, kế hoạch triển khai các chính sách để tái đào tạo nghề nghiệp cũng như hỗ trợ các sinh kế khác giúp bà con ổn định trong diện tái định cư.
Theo tờ trình, quý I/2024, dự án sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng nhưng TP.HCM và các địa phương cố gắng hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng sớm hơn để cuối năm 2023 có thể tiến hành khởi công.
PV: Xin cảm ơn ông!