Aa

Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 30/05/2023 - 15:15

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.

Chiều nay (30/5), Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời.

Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 là rất cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp.

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: Bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định số 96-QĐ/TW, điều chỉnh một số chức danh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019; sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW và thực tiễn của việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân:

Để làm rõ thẩm quyền, thời hạn của một số bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung một số nội dung sau:

Bổ sung về thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và bổ sung quy định về thời gian là chậm nhất 45 ngày để gửi văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi Báo cáo và Bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Bổ sung quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Bổ sung quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự.

Sắp xếp, bổ sung quy trình lấy phiếu tín nhiệm trong phiên họp lấy phiếu tín nhiệm trên cơ sở các quy định tương ứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Sửa đổi quy định về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thống nhất, theo đó, không thảo luận tại Hội trường mà chỉ thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và báo cáo kết quả trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm:

Sửa đổi quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm để thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW, cụ thể:

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức, trường hợp trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Bổ sung quy định về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

trưởng ban công tác đbqh
Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: quochoi.vn

Chưa lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 06 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.

Để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải rõ hơn về lý do về việc dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Ban của HĐND, Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Theo Ủy ban Pháp luật, So với nội dung giải thích thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” trong Nghị quyết số 85/2014/QH13, dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung nội hàm của thuật ngữ này theo hướng lấy phiếu tín nhiệm không chỉ làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ mà còn làm cơ sở cho việc “đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”. Ủy ban Pháp luật cho rằng, phần nội dung mới được bổ sung để giải thích thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” thực chất là hệ quả đối với người qua lấy phiếu có tín nhiệm thấp chứ không phải là mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm nói chung là để đánh giá cán bộ như quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 11 của Quy định số 96-QĐ/TW.

Việc lấy phiếu tín nhiệm ngoài việc giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác,… còn là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xem xét tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với mức độ tín nhiệm của Quốc hội, HĐND cũng như thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ nói chung. Do đó, đề nghị giữ nội hàm giải thích thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” như tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 bởi nội dung này phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW và đã được sử dụng ổn định từ Nghị quyết số 35/2012/QH13. Trường hợp vẫn cần sửa đổi, bổ sung thuật ngữ này thì đề nghị bám sát quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu của việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 11 của Quy định số 96-QĐ/TW để chỉnh lý cho phù hợp. 

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Do đó, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết.

Về quy định tại khoản 1 Điều 12, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại theo hướng trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, thay vì quy định “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” như trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất với quy định về chủ thể có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết và cũng là kế thừa quy định tương ứng của Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để “tự soi”, “tự sửa”. Vì vậy, đề nghị thiết kế quy định tại khoản 2 Điều 12 theo hướng trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức, trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mới trình Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Quy định như vậy vẫn bảo đảm phù hợp với tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vì theo quy định của Hiến pháp và các Luật nói trên thì đối với các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn hiện không chia thành 2 quy trình hay 2 mức độ riêng cho việc cho từ chức và miễn nhiệm như các quy định trong Đảng.

Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 17), có ý kiến cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được xác định là một công đoạn trong quá trình xem xét kỷ luật đối với cán bộ là người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bởi vì, theo quy định tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết thì các trường hợp được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn có mức độ tín nhiệm thấp. Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm. Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Về việc sửa đổi các quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh: Điều 21 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ này. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND theo Quy định số 96-QĐ/TW vì chức vụ Chủ tịch UBND quận tại các địa phương này không phải do HĐND bầu mà là do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm. Mặc dù không được lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND theo quy định của Nghị quyết này nhưng Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẽ được lấy phiếu tín nhiệm như đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo cấp ủy địa phương theo Quy định số 96-QĐ/TW.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là quy định mang tính chất đặc thù đối với một số địa phương đang thực hiện hoặc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ này sẽ giúp tạo thêm kênh giám sát, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cấp chính quyền địa phương đúng theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương. Do đó, ý kiến này đề nghị vẫn nên thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị (có sửa đổi các nội dung về hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm cho phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW) để có cơ sở sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực tại các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top