Aa

Cần chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại

Thứ Năm, 06/10/2022 - 06:14

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều hiện tượng các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ, tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu toà nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ ở, không tuân thủ các quy định.

Biến nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện loại hình nhà ở nhiều căn hộ thường được gọi là “chung cư mini”. Các khu nhà này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 - 10 tầng, nằm xen kẽ trong các con hẻm nhỏ khu dân cư, do cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự đầu tư.

Một trong những ví dụ điển hình nhất về tình trạng này là những dự án khu nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân, hay xa hơn là khu vực ngoại thành như Mỹ Đình, Hà Đông… được biến tấu thành dự án “chung cư mini” với quy mô công trình từ 7 - 12 tầng, có cả tầng hầm giữ xe, lắp đặt thang máy.

Bên trong mỗi toà nhà được phân chia khoảng hơn 40 căn hộ với thiết kế từ 1 - 2 phòng ngủ. Mỗi căn có diện tích khoảng từ 20 - 50m2. Những công trình nhà ở này thường được chủ đầu tư kinh doanh theo hai hình thức là cho thuê hoặc bán từng căn hộ.

Một dự án nhà ở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội được chủ đầu tư "biến" thành chưng cư mini khoảng 10 tầng.
 Tại địa bàn quận Đống Đa, Mỹ Đình, những toà nhà chung cư mini được xây dựng len lỏi  trong các con hẻm nhỏ.

Đa phần những công trình chung cư mi được chủ đầu tư cá nhân nhỏ lẻ xây dựng quy mô từ 7 - 10 tầng.
Tại Phố Mễ Trì Thượng, nhiều công trình nhà ở xây dựng theo hình thức "chung cư mini" mọc lên như nấm trong các con hẻm, được chủ đầu tư chia làm nhiều căn hộ và đang cho thuê. 
 Đáng chú ý hơn là rất nhiều dự án nhà ở đang lách luật  biến thành chung cư mi, bên trong được xây dựng có tầng hầm để xe, lắp đặt thang máy, mỗi tầng đều chia thành 4 - 5 căn hộ có diện tích 20 - 50m2. Trung bình mỗi toà nhà sẽ được chủ đầu tư chia nhỏ khoảng 30 - 40 căn hộ và đang rao bán.

Cần siết chặt quản lý

Trước tình trạng các công trình “chung cư mini” được xây dựng ngày một gia tăng, Bộ Xây dựng cũng đã từng có văn bản gửi UBND các địa phương tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị cần siết chặt việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, lấn chiếm không gian. Đồng thời, kiểm tra, xử lý các “chung cư mini” xây dựng trái phép, sai phép.

Cơ quan này đánh giá, hiện nay tại một số địa phương xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, chia thành nhiều phòng như một căn hộ riêng biệt để kinh doanh và bán căn hộ, không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Kiểu xây dựng này dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị. Người mua những căn hộ này cũng không được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở do công trình vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng. Điều này chắc chắn sẽ làm phát sinh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về sau.

Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng, “biến” các công trình nhà ở riêng lẻ thành những dự án “chung cư mini” sẽ gây gia tăng mật độ dân số tại các khu vực này sẽ gây ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị.

Dù Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý nhưng những chung cư mini vẫn nhan nhản xuất hiện ở nhiều nơi.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã quy định: Tổ chức, hộ gia đình cá nhân có nhà ở được tạo lập hợp pháp trong đó có nhà ở riêng lẻ được thiết kế, xây dựng nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà các căn hộ này có diện tích tối thiểu 30m2 trở lên, thiết kế theo kiểu khép kín, đáp ứng các yêu cầu về nhà chung cư thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu từng căn hộ này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng không tuân thủ quy định tự ý nâng tầng, vi phạm xây dựng… khiến các chủ sở hữu không được cấp giấy chứng nhận. Trên thực tế, đã có không ít những tranh chấp phát sinh, nhiều khách hàng ròng rã đi đòi lại tiền khi vướng vào chung cư mini vi phạm…

 Tại khu vực ngoại thành Hà Nội như Hoà Lạc, nhiều dự án chung cư mini cũng xuất hiện ngày càng tăng.

Chia sẻ với PV Reatimes, luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xây dựng nhà bao nhiêu tầng phụ thuộc vào quy hoạch, địa điểm xây dựng, mục đích xây dựng, diện tích xây dựng…

“Căn cứ nội dung giấy phép xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, chủ đầu tư sẽ thực hiện xây dựng theo giấy phép. Vì vậy, việc toà nhà được phép xây dựng tối đa bao nhiêu tầng phụ thuộc vào giấy phép xây dựng của toà nhà đó.

Quyết định 07/2022/QĐ-UBND quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội về quy mô công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn được xây tối đa 4 tầng, tổng chiều cao không quá 15m và được xây dựng 1 tầng tum che mái không quá 3m. Tuy nhiên, tại Hà Nội rất nhiều công trình chung cư mini vượt về số tầng và vượt chiều cao tối đa không bị phạt hoặc đã bị phạt nhưng vẫn cho tồn tại”, luật sư Thắng nói.

Đồng thời, luật sư Nguyễn Phú Thắng cũng chỉ rõ, các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng quá số tầng và chiều cao cho phép thuộc trường hợp vi phạm quy định về xây dựng sai nội dung trên giấy phép. Mức phạt vi phạm được quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, đối với trường hợp xây dựng sai nội dung trên giấy phép xây dựng để sửa chữa, cải tạo, xây mới thì mức phạt tiền thấp nhất là từ 15.000.000 đồng và cao nhất là 120.000.000 đồng. Rõ ràng mức phạt “người dân - chủ chung cư mini” như vậy quá thấp, không có tính răn đe, phòng ngừa. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm (mà hành vi vi phạm đã kết thúc). Tuy nhiên, biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ, cắt ngọn rất hiếm khi được áp dụng, đặc biệt là khu vực nội thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top