Phát triển chung cư ồ ạt gây quá tải
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về vấn đề quá tải hạ tầng đô thị, vỡ quy hoạch vì phát triển chung cư ồ ạt.
Cụ thể, cử tri nhận định, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng dẫn đến các khu đô thị, chung cư mới được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, gây quá tải trong công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng đô thị.
Vì thế cử tri TP.HCM kiến nghị cần có quy hoạch, chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi người dân trong việc đảm bảo diện tích đất phục vụ cho các công trình công cộng.
Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này, Bộ Xây dựng khẳng định, pháp luật hiện hành đã có quy định điều chỉnh việc đầu tư xây dựng khu đô thị, chung cư mới để đảm bảo phát triển bền vững, quyền lợi của người dân, diện tích đất cho các công trình công cộng.
Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 01/03/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Nghị Quyết số 82 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình công cộng như công viên cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; tăng cường hướng dẫn, đốn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 04/2019, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý quy hoạch, khai thác quỹ đất đô thị dành cho công trình phúc lợi, phục vụ cộng đồng tại các địa phương.
Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm chủ đầu tư "chây ì" triển khai công trình công cộng
Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng.
Cụ thể, các bộ, ngành cần xây dựng chính sách hỗ trợ các nguồn vốn để lập quy hoạch điều chỉnh, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng đã được xác định theo quy hoạch được duyệt.
Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa; sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng; khuyến khích, hỗ trợ việc thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hóa tại các địa phương.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để vận hành hoạt động hiệu quả hệ thống công trình công cộng phục vụ cộng đồng.
Đối với UBND các cấp, cần rà soát, ưu tiên quỹ đất phục vụ đầu tư xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt từ các dự án bị thu hồi do chậm triển khai, các khu đất sử dụng sai mục đích, hết thời hạn thuê đất, vi phạm Luật Đất đai, các quỹ đất dự kiến đưa ra đấu giá đất...
Quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Khi phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch và cam kết thực hiện triển khai xây dựng theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không triển khai xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch được duyệt hoặc chậm đầu tư xây dựng các công trình này.
Trước đó, báo cáo của Đoàn Giám sát HĐND TP. Hà Nội nêu lên thực trạng nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình công cộng so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Cụ thể, gồm Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Đoàn Ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco, Khu đô thị mới Vân Canh, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch bàn, Khu đô thị Đặng Xá…
Ngoài ra, có tình trạng một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai.
Từ góc độ pháp lý, một luật sư cho biết, hiện luật pháp đã có quy định về xử phạt hành chính với các chủ đầu tư không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ đã được phê duyệt, tuy nhiên mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định 139/2017 quy định về việc xử phạt hành chính khi vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị như sau: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Chủ đầu tư buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.