Báo cáo với Sở Xây dựng tại cuộc họp, đại diện Công ty Phúc Yên cho biết, dự án được phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch tháng 3/2008. Đến tháng tháng 9/2010, dự án bắt đầu điều chỉnh quy hoạch từ 17 tầng lên 18 tầng.
Dự án điều chỉnh xuất phát từ Văn bản số 892 của UBND quận Tân Bình. Và từ đó, các hồ sơ pháp lý được chuyển đến Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, sau đó trình UBND TP.HCM quyết định.
Theo đó, trong quá trình bắt đầu phê duyệt dự án đến khi đưa dân vào ở, dự án đã nhiều lần duyệt điều chỉnh quy hoạch. Và việc điều chỉnh kéo dài từ tháng 9/2010 đến tháng 7/2012. Lần điều chỉnh này, tầng 18 là các công trình tiện ích: Nhà sinh hoạt cộng đồng, căn tin...
Đến năm 2013, dự án bắt đầu khởi công. Và trong quá trình xây dựng, dự án tiếp tục xin điều chỉnh lần hai. Theo đó, điều chỉnh chức năng sử dụng từ 50% thương mại, 50% để ở chuyển sang 100% chức năng để ở. Đối với tầng 18, từ chức năng phục vụ công cộng, căn tin, sân vườn... chuyển sang văn phòng, dịch vụ thương mại.
Nhà sinh hoạt cộng đồng chuyển từ khối A sang khối B. Hồ sơ điều chỉnh được các cơ quan chức năng chính thức duyệt năm 2016. Lúc đó, căn hộ dự án đã bán cho khách hàng và hoàn thành phần thô.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng: “Điều chỉnh lần đầu là ổn, nhưng việc điều chỉnh lần hai cần phải xem lại dự án đã xin ý kiến cộng đồng cư dân xung quanh, ý kiến người mua nhà chưa”. Ông Lăng Xuân Bình, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Yên, nói: “Tôi không biết việc này”.
“Khi bán nhà, chủ đầu tư đã công khai cho khách hàng biết dự án như thế nào? Căn hộ họ mua ở gần cái gì, vị trí ra sao?
Chẳng hạn, khi mua tầng 17, họ thấy tầng 18 có sân vườn, căn tin. Như vậy, giá bán tầng 17 chắc chắn cao hơn những tầng khác. Giờ dự án thay đổi quy hoạch làm thay đổi giá trị căn hộ thì phải xin ý kiến khách hàng vì làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Chưa hỏi khách hàng là vi phạm quyền lợi của họ”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn không đồng tình và tiếp tục đặt vấn đề: “Anh (chủ đầu tư - PV) thử đặt mình vào vị trí của khách hàng mua nhà trước đây, dự án bất ngờ điều chỉnh quy hoạch như vậy có chịu được không? Trong khi đây là một tài sản rất lớn của khách hàng”.
Cuối cùng, ông Tuấn kết luận: “Chủ đầu tư muốn triển khai dự án phải xin ý kiến cư dân gồm: Nội dung điều chỉnh và biện pháp thi công. Theo đó, khi 100% cư dân đồng ý thì mới được thi công. Nếu không thì hủy bỏ quy hoạch điều chỉnh lần hai, thực hiện đúng nội dung điều chỉnh như quy hoạch lần một. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư”.
Trước kết luận của Giám đốc Sở Xây dựng, Ông Bình nói: “Tôi nghĩ phải lấy ý kiến 100% cư dân đồng ý mới được xây là quá nặng đối với chúng tôi. Chắc chắn không thể thực hiện. Và nếu làm theo phương án điều chỉnh lần một chắc chắn cư dân sẽ than phiền rất nhiều. Tôi có danh sách hơn 160 khách hàng mua căn hộ đã sang nhượng lại, chứ không phải toàn bộ khách hàng đều mua trước đây”.
Tuy nhiên, ông Tuấn bác lại: “Dù những người mua lại căn hộ thì họ cũng mua lại cả giá trị tiện ích của dự án, nên việc này không làm thay đổi bản chất vấn đề. Còn nếu anh (chủ đầu tư - PV) cho rằng, làm theo phương án cũ cư dân sẽ than phiền thì hãy chỉ cho họ thấy việc điều chỉnh mang lại lợi ích nhiều hơn cho họ. Cư dân đồng ý hết thì cơ quan chức năng cho thi công. Đây cũng là bài học doanh nghiệp phải trả giá cho việc làm sai của mình”.
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng TP.HCM và UBND phường 15, quận Tân Bình, hiện nay, dự án còn nhiều vi phạm khác như: Chưa nghiệm thu vẫn đưa dân vào ở; chưa cấp “sổ đỏ” cho cư dân; chưa tổ chức thành lập ban quản trị chung cư...
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.