Dự án chung cư Thăng Long Victory nằm trong khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà (Phúc Hà Group) làm chủ đầu tư.
Đưa dân vào… thử nghiệm?
Dự án là tổ hợp gồm 5 tòa nhà chung cư từ T1 đến T5. Hiện cư dân đã dọn về sinh sống tại tòa T1; tòa T3 đang bắt đầu lên chiến lược cho chương trình làm móng và tòa T4, T5 đang án binh bất động.
Đặc biệt, tòa T2 được xây dựng cao 25 tầng (1 tầng hầm, 3 tầng thương mại và dịch vụ, khu vực căn hộ từ tầng 4 đến tầng 25) đã được Phúc Hà Group bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng từ cuối tháng 12/2016. Tuy nhiên, nhiều hạng mục của tòa T2 vẫn đang được thi công ngổn ngang. Công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư đã đồng ý cho nhiều hộ dân vào ở tại tòa nhà này.
Việc làm này của chủ đầu tư đã vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và một số quy định khác về an toàn trong thi công công trình. Nghiêm trọng hơn là cuộc sống, tính mạng của người dân đang bị đe dọa khi phải sống trong công trình chưa được nghiệm thu.
Phản ánh với Reatimes, nhiều cư dân đang sinh sống tại tòa T2 cho biết, theo đúng Hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng, tòa T2 được cam kết sẽ bàn giao trong Quý IV/2016 và không được chậm hơn 60 ngày so với thời gian cam kết (1/3/2017). “Từ cuối tháng 12/2016 chủ đầu tư đã có thông báo cho một số khách hàng tới nhận nhà. Nhiều hộ dân đã chuyển về đây ở trước Tết Nguyên đán (tháng 2/2017 – PV)”.
Cũng theo phản ánh của cư dân, mặc dù chủ đầu tư đã thực hiện đúng cam kết bàn giao nhà theo quy định nhưng khi dân về ở, nhiều hạng mục của tòa nhà chưa được hoàn thiện và đang trong giai đoạn thi công. Thực tế này đã kéo dài trong thời gian dài và ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người.
“Thời điểm hiện tại, cư dân đã nhận bàn giao căn hộ và chuyển về ở được khoảng 40-60% số lượng căn hộ của tòa nhà. Thế nhưng, khi chúng tôi về ở thì cửa sổ hành lang chưa được hoàn thiện, hệ thống camera an ninh chưa được lắp đặt. Hầm gửi xe còn đang sửa chữa và chưa vận hành. Đặc biệt, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu khiến cư dân luôn bất an, lo lắng”, một cư dân bức xúc nói.
Bên cạnh các hạng mục chung của tòa nhà chưa được hoàn thiện, nhiều cư dân còn bức xúc về cách làm việc của chủ đầu tư.
“Rất nhiều hộ dân đã phát hiện các lỗi, sai sót thi công nhưng chủ đầu tư chậm trễ trong việc khắc phục, gây khó khăn cho việc ăn ở của người dân”.
Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân, quy định về phí đặt cọc để cải tạo căn hộ của chủ đầu tư đưa ra chưa hợp lý. Đối với các căn hộ có nhu cầu lắp tủ bếp, điều hoà thì mức phí phải nộp thấp nhất là 300.000 đồng (mức 1). Đối với những hộ làm trần thạch cao, liên quan tới đục đẽo thì phải đóng mức phí là 5.000.000 đồng (mức 2).
“Điều khiến cư dân bức xúc là sau khi các hộ dân cải tạo xong, lấy lại tiền đặt cọc thì chủ đầu tư mặc định thu 2.000.000 đồng (đối với mức 2), mặc dù các hộ dân không gây hiệt hại về tài sản chung. Hiện nay, nhiều hộ dân chưa lấy lại tiền đặt cọc này vì khoản thu vô lý của chủ đầu tư”, anh M., một cư dân tại đây nói.
Chủ đầu tư đang coi thường tính mạng cư dân
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với Reatimes, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi bàn giao căn hộ chung cư cho cư dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC là rất coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng (người mua nhà).
Bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, những thiệt hại vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ. Trong thực tế, sự nguy hiểm này cũng đã được chứng minh bằng liên tiếp các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở trong thời gian vừa qua.
Đối với phản ánh trên của cư dân tòa T2 chung cư Thăng Long Victory thì chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật PCCC và các nghị định, thông tư liên quan.
Cụ thể, tại Điều 17, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định: "Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã, được thẩm duyệt về PCCC, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu PCCC.
Nghiệm thu về PCCC bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận, của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo”.
Như vậy, theo những quy định trên thì chủ đầu tư bắt buộc phải tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Và theo quy định của pháp luật hiện hành, với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” chỉ bị phạt tối đa là 50 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC” (khoản 6 và điểm b khoản 7, Điều 36, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình.
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã liên hệ, đặt lịch làm việc với chủ đầu tư nhưng đại diện Phúc Hà Group cho biết, hiện lãnh đạo doanh nghiệp đang đi công tác và hẹn đầu tháng 4/2017 sẽ có phản hồi sau.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.