Bước sang quý III/2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp xoay quanh các thông tin liên quan đến: Triển vọng kinh tế toàn cầu; Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương những nước chủ chốt; Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; những căng thẳng địa chính trị tại những điểm nóng...
Những yếu tố có thể ảnh hưởng tương đối trực tiếp đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp và TTCK trong nửa cuối 2019 gồm:
Thứ nhất, câu chuyện thu hút dòng vốn nước ngoài đón đầu kỳ vọng nâng hạng thị trường bị chậm lại. Khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng vào tháng 9 năm 2019 đã giảm đáng kể sau bản cập nhật mới nhất vào tháng 3/2019 của FTSE Russell. Theo đó, có đến 3/4 tiêu chí bị đánh giá tiêu cực hơn so với kỳ rà soát trước và vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai.
Tháng 6 vừa qua, MSCI đưa Kuwait vào danh sách nâng hạng, trong khi không đề cập đến thị trường Việt Nam. Điểm tốt nhất thị trường có thể kỳ vọng là trong công bố chính thức tháng 9/2019 của FTSE, những đánh giá về Việt Nam có khả quan hơn hay không và đến tháng 12/2019, nếu Kuwait được MSCI nâng hạng lên TTCK Mới nổi, sẽ giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia lớn nhất trong MSCI Frontier, tăng tỷ trọng từ 15% lên 30% theo ước tính của MSCI. Tuy nhiên, thời gian thay đổi danh mục cũng phải chờ đến tháng 6/2020.
Thứ hai, trong quý II/2019, rổ VN30 đã có sự thay đổi lớn với việc bổ sung 2 mã là BID, BVH, đồng thời loại bỏ CII và DHG. Theo đó, tổng tỷ trọng nhóm VN30 tính tới thời điểm 21/7/2019 đã chiếm 78,2% tổng vốn hóa thị trường, tăng từ mức 63,9% cuối năm 2018.
Với quy mô ngày càng lớn của nhiều quỹ đầu tư ETF mô phỏng chỉ số VN30, việc thay đổi tỷ trọng và cơ cấu danh mục VN30 sẽ tác động không nhỏ đến thị trường cơ sở và đặc biệt là thị trường phái sinh.
Thứ ba, kế hoạch niêm yết/cổ phần hóa và chuyển sàn dự kiến sẽ được thúc đẩy nhanh hơn do tiến độ năm 2018 không đạt.
Trong quý II/2019, sàn HOSE đã đón nhận hai thành viên mới có giá trị vốn hóa lớn chuyển từ UPCoM sang là HVN và VGC. Theo dự kiến trong quý III/2019 sẽ có thêm những mã có giá trị vốn hóa đáng kể khác dự kiến chuyển sang sàn HOSE bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), các mã còn lại dự kiến sẽ tiếp tục lộ trình chuyển sàn như mã VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt nam và mã BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Việt Nam...
Với việc các mã có tỷ trọng vốn hóa lớn được chấp thuận giao dịch trên sàn HOSE, thì danh mục VN30 sẽ được có những cập nhật, bổ sung đáng kể trong năm 2019.
Thứ tư, SCIC vừa công bố danh sách 108 doanh nghiệp dự kiến được thoái vốn Nhà nước như BMI, LIC, FPT… trong năm 2019. Tuy nhiên, tùy tình hình từng doanh nghiệp, tiến độ thoái vốn một số doanh nghiệp bảo hiểm như PVI, BMI dự kiến sẽ chuyển sang năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm 2019, nhóm cổ phiếu Vinachem là nhóm có động thái tích cực nhất trong việc thoái vốn. Kết quả thoái vốn của nhóm cổ phiếu Vinachem trong quý II có diễn biến trái chiều như SRC và NET (thành công) thì DRC và SFG (không thành công) cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư sẽ phụ thuộc nhiều hai yếu tố gồm: Mức định giá và khối lượng thoái vốn. Các nhóm còn lại như CSV, DGC và BFC dự kiến tiếp tục thoái vốn trong nửa cuối năm 2019.
Thứ năm, nhóm ngành ngân hàng với mức định giá hiện tại hấp dẫn hơn sẽ là tâm điểm của thị trường nửa cuối năm 2019. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Midcap với câu chuyện khác biệt đã thể hiện hiệu suất ấn tượng trong nửa đầu năm 2019.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng hiệu suất nhóm Midcap trong quý III/2019 sẽ có phần chững lại do định giá đã ở mức dần hợp lý hơn sau giai đoạn tăng tốt nửa đầu năm 2019. Do đó nhóm ngành ngân hàng với mức định giá hấp dẫn hơn (Mức P/E trailing bình quân 9,65 lần và P/B trailing bình quân 1,34 lần - đã loại trừ VCB) được dự báo có thể là nhóm ngành dẫn dắt VN-Index nửa cuối năm 2019.
Thứ sáu, nhóm cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, có lợi tức cao, như điện... và thuộc các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định (bán lẻ, tiêu dùng, đồ uống) đều cho thấy hiệu suất tốt hơn trong nửa đầu năm 2019 và tiếp tục sẽ là lựa chọn an toàn khi rủi ro tăng cao trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến còn phức tạp.
Một số mã cổ phiếu thuộc ngành điện được chú ý khi theo Bộ Công hương, cả nước có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện từ năm 2020. Do đó, các cổ phiếu (POW, NT2, PPC, REE,…) và nhóm gián tiếp như thi công điện (PC1, LCG) có thể sẽ là tâm điểm hút dòng tiền trong 2 – 3 năm tới.
Cuối cùng, đầu tư công cũng đang là một trong những kế hoạch trọng điểm được đẩy mạnh của Chính phủ trong năm 2019. Lũy kế 6 tháng năm 2019, ước tính giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 28,6% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp hơn so với mức 32,53% cùng kỳ năm 2018.
Một số dự án trọng điểm dự kiến triển khai như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Tháng 4/2019), Sân bay Long Thành (dự kiến năm 2020), Vành Đai 2 - Hồ Chí Minh (đã hoàn thành 55km/70km)... Mặc dù tốc độ giải ngân còn khá chậm trong nửa đầu năm 2019, nhưng sẽ có những tín hiệu lạc quan hơn trong nửa cuối năm 2019.
Nhóm ngành trực tiếp và gián tiếp hưởng lợi từ xu hướng trên bao gồm nhóm vật liệu xây dựng - xi măng (HT1) và đá xây dựng (KSB, CTI), nhóm xây dựng hạ tầng (CII, VCG, LCG), nhóm ngành liên quan đến khu công nghiệp (SZC,TIP, SIP, BMC, GVR, PHR, NTC..).
Như vậy, trong những tháng cuối năm 2019, những cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Bảo hiểm phi nhân thọ, Công nghệ - Bưu Chính, Dệt may, Bất động sản Khu công nghiệp, Vật liệu xây dựng, Ngân hàng và Tiêu dùng, Điện... có thể sẽ có triển vọng tích cực.