Aa

Chung sức gỡ khó cho doanh nghiệp trong "cơn bão" Covid-19

Thứ Tư, 18/03/2020 - 06:10

Những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay.

"Cú sốc" Covid và phép thử với nền kinh tế

Dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc đã, đang bùng phát ở trên 108 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm hơn 140 nghìn người nhiễm bệnh và làm chết trên 5.300 người và sẽ còn để lại tác động đa diện về kinh tế - xã hội, không chỉ cho Trung Quốc, mà còn cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo dịch Covid-19 sẽ khiến Trung Quốc giảm 0,3 - 1% GDP. Nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông”… với nhiều áp lực gia tăng về an sinh xã hội và ổn định vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể giảm 0,1 - 0,5%, tức còn khoảng 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Các thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi hàng nghìn tỷ USD…

OECD khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch COVID-19; đồng thời, xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Dịch bệnh Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bện này có thể tăng lên. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, dịch bệnh có thể làm giảm số thu ngân sách Nhà nước năm 2020 từ 18.000 đến 42.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương giảm thu khoảng 9.000 đến 23.000 tỷ đồng; làm giảm tăng trưởng 0,55 -  0,84% GDP năm 2020.

Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liêu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may và da giầy, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… phụ thuộc nguyên thị trường nước ngoài.

Dịch bệnh còn có thể làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Khả năng tăng tranh chấp các hoạt động thực hiện hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế gắn với nguyên nhân gián đoạn do dịch bệnh. Tính từ đầu năm đến ngày 4/3, tốc độ tăng trưởng dư nợ chỉ đạt 0,1%, so với mức tăng 0,85% cùng kỳ năm ngoái. Qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch này.

Một số hệ lụy khác sẽ đậm nét hơn nếu dịch bệnh kéo dài…

(Ảnh minh họa)

"Giải vây" cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt Việt Nam cần tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Đồng thời, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11-CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực tìm giải pháp chủ động tự tháo gỡ khó khăn; tăng tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị tăng sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương…

Những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 13-3-2020. 

Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã xem xét cơ cấu lại các khoản dư nợ tổng trị giá 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi thật sự với dư nợ hiện tại của doanh nghiệp tại tổ chức tín dụng cho 8.000 khách hàng với số tiền hơn 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn giảm lãi vay cho hơn 34.350 khách hàng với khoản dư nợ 185 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện giảm phí, có những ngân hàng miễn phí hoàn toàn. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cũng đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. 

Ðịnh hướng trong thời gian tới,  Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tác động của dịch để triển khai các giải pháp điều hành, yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Thông tư 01 trong việc miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ. Ðến nay, các tổ chức tín dụng đăng ký doanh số cho vay 285 nghìn tỷ đồng, cho thấy ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn cho nền kinh tế trong và sau dịch bệnh. Các tổ chức tín dụng cũng cam kết cho vay với lãi suất giảm 0,5 đến 1%/năm so với lãi suất áp dụng hiện tạ.

Đặc biệt, riêng ngày 16/3/2020, NHNN đã liên tiếp tung ra những quyết định quan trọng về điều hành lãi suất, cụ thể:

Theo Quyết định số 418/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng., có hiệu lực từ ngày 17 /3/2020, NHNN đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. 

Còn theo Quyết định số 419/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo Quyết định số 420/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.

Theo Quyết định số 421/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD tại NHNN, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Theo Quyết định số 422/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô là 1,0%/năm.

Theo Quyết định số 423/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1,0%/năm.

Theo Chỉ đạo của Chính phủ , Bộ Tài chính đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2020, với gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; …

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đồng hành cùng cả nước trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã họp, quán triệt, xây dựng kế hoạch hành động, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và yêu cầu Ban Thường vụ Hiệp hội/Hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó, đặc biệt phản ánh đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp. 

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay, tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, hoạt động tư vấn, thông tin đến khách hàng về điều kiện tiếp cận vốn vay và trả nợ tín dụng ngân hàng…; ngành tài chính xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì kinh doanh do dịch Covid-19.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các Bộ ngành, địa phương, cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, hy vọng rằng dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi và hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top