PGS. TS Trần Đình Thiên hiện là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có những chia sẻ về vị trí, vai trò của các "ông lớn" trong thị trường bất động sản Việt Nam.
Không phải cứ lớn mạnh là không minh bạch
- Ông đánh giá thế nào vai trò của lĩnh vực bất động sản (BĐS) đối với nền kinh tế?
- BĐS là một lĩnh vực rất quan trọng bởi nó sử dụng các nguồn lực đầu vào của nền kinh tế như đất đai, vốn và nguồn nhân lực. Đặc biệt, nguồn lực đất đai là hữu hạn, nếu đất đai thuần túy được chuyển hóa thành nguồn vốn thì sẽ làm tăng giá trị của đất đai, qua đó giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
BĐS không chỉ là nhà ở, là khu đô thị mà còn bao gồm các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông… Đó là những yếu tố có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế.
Còn nói riêng về BĐS nhà ở, trong thời gian qua đã có sự bùng nổ về số lượng, chất lượng, thu hút hàng loạt doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó là việc hình thành các tiêu chuẩn ngày một cao hơn đối với các sản phẩm BĐS. Với những đặc điểm như trên của thị trường, tôi cho rằng đây là một lĩnh vực rất quan trọng và dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn khá lớn.
- Nhưng hiện tại, có nhiều luồng quan điểm trái chiều cho rằng BĐS không đóng góp cho nền kinh tế và các doanh nghiệp BĐS thành công đều nhờ “bôi trơn”, “cơ hội”?
- Nền kinh tế đang giai đoạn chuyển đổi, có những cơ hội rất lớn, doanh nghiệp nào có tầm nhìn, biết chớp thời cơ sẽ bứt phá rất nhanh.
Dĩ nhiên, mình cũng phải nói một cách sòng phẳng với nhau là trong môi trường chung đó, thành công sẽ thuộc về doanh nghiệp có khả năng vận dụng chính sách, gặt hái cơ hội, và thực tế nhiều doanh nghiệp cũng đã rất năng động nắm bắt thời cơ.
Tôi cho rằng phải phân tích rõ, điều gì cần phê phán, cần tránh, còn cơ hội nào cần dựa vào năng lực để tận dụng, vì có cơ hội, mình mà không làm thì người khác làm. Không thể lẫn lộn, gây mất lòng tin, dẫn đến suy nghĩ: Cứ anh nào lớn, anh nào mạnh thì bị cho là anh đó không minh bạch, mờ ám chứ không phải dựa vào năng lực và tầm nhìn.
- Thực tế vai trò và dấu ấn của các doanh nghiệp BĐS với hạ tầng giao thông và đô thị là không thể phủ nhận nhưng vì sao nhiều người vẫn cố tình đánh đồng ngành này với tiêu cực, thưa ông?
- Có thể chia các doanh nghiệp bất động BĐS thành 2 nhóm. Một bên là các doanh nghiệp làm ăn bài bản, có uy tín, đã tạo dựng được thương hiệu như Vingroup, Sun Group, Bitexco… Phần còn lại là các doanh nghiệp chụp giật mang tính thời vụ hoặc “nhỏ li ti”, phần lớn là những nhà đầu cơ.
Mấy “ông lớn” thì tốt rồi. Tuy nhiên cũng không thể chỉ nhìn vào các “ông lớn” để đánh giá tất cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là ổn. Vì vậy, chúng ta cần luật pháp hoàn thiện hơn để có một môi trường vĩ mô mà ở đó, muốn làm ăn “lèm nhèm” cũng không được, để các doanh nghiệp có động lực phấn đấu vươn lên và các doanh nghiệp làm ăn tử tế được tôn vinh xứng đáng.
- Theo ông các doanh nghiệp lớn cần làm gì để thay đổi định kiến tiêu cực về ngành BĐS?
- Họ phải dẫn dắt thị trường, thậm chí cần có những chuỗi doanh nghiệp, mạng lưới doanh nghiệp, trong đó có những nút, những “đầu tàu” đưa cả chuỗi, cả mạng lưới vào quỹ đạo.
Việt Nam hiện nay là nước đi sau nhưng ta vẫn có thể tiếp cận được những sản phẩm, tiêu chuẩn cao nhất thế giới, như bất động sản có thể làm được những công trình tầm cỡ thế giới. Bitexco, Vingroup là ví dụ điển hình của việc tiếp cận đến những tiêu chuẩn rất cao. Tất nhiên tiêu chuẩn cao thì đi cùng với chi phí nhất định, để thích ứng được.
Ngoài ra, tôi thấy vấn đề về một đô thị văn minh đang được giải quyết trên nhiều góc độ khác nhau. Không chỉ xây một khu đô thị đẹp mà còn buộc phải quản trị đô thị theo cách khác hẳn, hướng đến quản trị đô thị, chính quyền đô thị. Những khu đô thị của Phú Mỹ Hưng, Vingroup được quản trị rất tốt, là những hình mẫu mới.
Bên cạnh đó, tôi quan sát thấy các doanh nghiệp bất động sản hiện có tầm nhìn xa. Họ đã bắt đầu đầu tư sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, thương mại, sản xuất, nông nghiệp….
Phải biết vì người giàu thì người nghèo mới được hưởng lợi
- Nhưng những “người dẫn dắt” như ông nói lại thường bị cho là mờ ám nhất?
- Ngay cả truyền thông cũng thường có quan điểm là dường như những doanh nghiệp càng lớn thì đặc tính xấu nhiều, những ông giàu thể nào cũng hư hỏng. Có thể có vài trường hợp như vậy, nhưng không nên vì thế mà tạo thành ấn tượng, định kiến sai lệch.
Xã hội Việt Nam thường thấy ông nào giàu lên thì ghen tỵ, không ưa, thậm chí có cả một giai đoạn còn đánh đổ người giàu vì nghĩ sẽ tốt cho người nghèo. Cái văn hóa kiểu đấy thấm đẫm, thâm căn cố đế không phải là ngày một, ngày hai mà xử lý được. Nhưng, chúng ta nhất quyết phải thay đổi!
- Theo ông nên thay đổi theo hướng nào?
- Hệ thống này đã vì người nghèo, nhưng bây giờ phải vì cả người giàu nữa. Phấn đấu cho một xã hội giàu mạnh mà lại ghét người giàu thì làm sao có xã hội như vậy được. Bởi người giàu có thể lan tỏa, lôi kéo được người nghèo vào quỹ đạo phát triển, chứ còn người nghèo làm sao làm được việc đó. Người giàu tạo ra bao nhiêu giá trị gia tăng, công ăn việc làm… thì chính sách cũng phải vì họ.
- Liệu điều đó có khiến “người giàu càng giàu lên và người nghèo càng nghèo đi”?
- Vì người giàu không có nghĩa là thiên vị, là mang của cải đất nước cho họ mà là tạo cơ hội, tạo điều kiện, tạo môi trường lành mạnh cho họ phát triển. Đừng có xúc phạm họ, cũng đừng có làm cho họ hư hỏng đi.
Rõ ràng với người giàu, họ đã có năng lực rồi, chỉ cần bảo đảm môi trường cho họ giàu lên chính đáng nữa thì mọi chuyện sẽ được cải thiện. Khi đó cả cộng đồng, trong đó có người nghèo sẽ được hưởng lợi.