Aa

Chung tay hoá giải thách thức về hấp thụ vốn của nền kinh tế

Thứ Tư, 26/07/2023 - 05:12

Khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn nhiều yếu tố chi phối. Vì vậy, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, sự vào cuộc của các Hiệp hội và nỗ lực của chính các doanh nghiệp.

Nhiều chính sách được triển khai

Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu (vừa đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn để hỗ trợ kinh tế phục hồi, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Thứ nhất, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; Chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN)

Đến nay, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng; Agribank đã cam kết cho vay 01 dự án tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP.HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng...

Thứ hai, chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính NHTM với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay. Ngoài ra, có văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê...

Thứ ba, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến 30/6/2023, tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 toàn hệ thống đạt 62.464 tỷ đồng cho 18.846 khách hàng.

Thứ tư, ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử, phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, với quy trình thủ tục thực hiện nhanh hơn, thuận tiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Thứ năm, kịp thời tổ chức các Hội nghị chuyên đề tín dụng, các buổi làm việc với các cơ quan liên quan nhằm nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với một số ngành, lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, bất động sản, kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản), lâm sản... 

Thứ sáu, tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31; kịp thời phối hợp các Bộ, ngành rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy mạnh triển khai chương trình. Đến cuối tháng 6/2023, doanh số HTLS đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng.

Thời gian qua, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu.

Thứ bảy, về lãi suất, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực) với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD, yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách thông qua NHCSXH tiếp tục được tạo điều kiện, đẩy mạnh triển khai. Theo đó, đến 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022 với hơn 6.677 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chính sách tín dụng thực hiện trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 19.090 tỷ đồng.

Tín dụng nền kinh tế vẫn tăng thấp

Như vậy, thời gian qua công tác điều hành cũng như việc thực hiện các giải pháp của NHNN được thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, trong đó, về khung khổ pháp lý NHNN đã và đang hoàn thiện các văn bản để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng...

Đặc biệt, việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong từng thời kỳ; các giải pháp tăng khả năng tiếp cập tín dụng được thực hiện thường xuyên, cùng với các giải pháp đặc thù.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song tín dụng nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song tín dụng nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể như nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như bất động sản).

Việc tiếp cận tín dụng của SMEs, hơp tác xã, đặc biệt là trong bối cảnh, tình hình hiện nay còn khó khăn hơn do các khách hàng này có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi,... Và sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả, từ chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đến đơn hàng, doanh thu giảm... Do đó, TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Cần tăng cường phối hợp

Trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp của NHNN và ngành ngân hàng, rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV...).

Sự vào cuộc của các Hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động,... sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra./.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top