PV: Những khó khăn trong và ngoài nước đã góp phần khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, chỉ ở mức 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023. Bà có bình luận gì về tốc độ tăng trưởng này, trong bối cảnh Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay?
Bà Wanwisa May Vorranikulkij: Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt như kỳ vọng, mặc dù GDP đã tăng nhẹ trong quý II.
Tăng trưởng kinh tế thấp trong nửa đầu năm chủ yếu do những tác động ngược từ bên ngoài. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, vốn là động lực chính cho tăng trưởng và tạo việc làm trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại thấp hơn kỳ vọng. Sự thu hẹp của ngành sản xuất, chế tạo và triển vọng việc làm không chắc chắn đã ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và nhu cầu bị dồn nén từ tiêu dùng trong nước đã giảm nhanh hơn dự báo của chúng tôi.
AMRO dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,4% trong năm 2023, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,5%. Do Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, nên tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, như Mỹ, EU, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm hơn trong nửa cuối năm nay.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ duy trì chính sách thắt chặt và lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Do đó, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục co lại trong nửa cuối năm.
PV: AMRO kỳ vọng gì vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Wanwisa May Vorranikulkij: AMRO cho rằng, sự suy giảm gần đây của nền kinh tế Việt Nam chỉ là tạm thời và tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế được dự báo dần tăng tốc trong 6 tháng cuối năm. Xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng điện tử, được dự báo tăng lên từ cuối năm nay, nhờ sự phục hồi của thị trường bán dẫn toàn cầu trong quý IV/2023.
Tương tự, lĩnh vực xây dựng và bất động sản cũng được dự báo phục hồi, nhờ các điều kiện tài chính được nới lỏng. Sự gia tăng lượng khách du lịch cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với chính sách tài khóa mở rộng, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giảm bớt tác động từ những “cơn gió ngược” bên ngoài.
Khi Việt Nam tiếp tục nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc, thì năng lực sản xuất chưa được sử dụng hết trong nước có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của đất nước khi các đơn đặt hàng bên ngoài quay trở lại.
PV: Đâu là những yếu tố bất lợi đối với Việt Nam hiện nay và trong những tháng tới?
Bà Wanwisa May Vorranikulkij: Những rủi ro và thách thức đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài. Sự suy giảm mạnh hơn của các nền kinh tế Mỹ và EU, hoặc tốc độ phục hồi chậm hơn ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu, gây tổn hại cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn tiếp diễn, nhiều ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Chi phí đầu tư cao kéo dài và các điều kiện đầu tư chặt chẽ có thể gây ra suy thoái kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, cũng như xung đột Nga - Ukraine kéo dài có thể gây trở ngại cho sự phục hồi từ phía cung.
Về lâu dài, sự chậm phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và sự thiếu hụt lao động có kỹ năng sẽ tiếp tục cản trở nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Nền kinh tế Việt Nam đang có tín hiệu dần phục hồi. Theo bà, cần làm gì để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi?
Bà Wanwisa May Vorranikulkij: Do sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam nên duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng trong nửa cuối năm 2023. Dựa trên không gian tài khóa sẵn có và với sự phục hồi kinh tế vẫn đang trong tình trạng bất ổn, cần có sự hỗ trợ lớn hơn về tài khóa để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, trong khi phải xem xét việc hỗ trợ có mục tiêu đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, cũng như hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Ngoài ra, điều quan trọng là phải đảm bảo tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư công.
Về mặt chính sách tiền tệ, việc giảm lãi suất là động thái đáng hoan nghênh, giúp giảm chi phí tài chính và gánh nặng tài chính của người đi vay./.