Chung tay vì những trẻ mồ côi đặc biệt
Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng nghìn trẻ em trong cả nước ta lâm vào cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, nhiều trường hợp côi cút bơ vơ vì mất hết cả cha mẹ và anh em. Đây là một vấn đề xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương và đoàn thể đặc biệt quan tâm, kịp thời có những chính sách và nghĩa cử thiết thực hỗ trợ các cháu. Theo số liệu mới nhất, hiện nay cả nước có trên 2.600 trẻ mồ côi vì dịch Covid-19, trong đó có 82 cháu mồ côi cả cha và mẹ…
Trẻ mồ côi vì bất kỳ lý do gì cũng đều là những số phận bất hạnh thương tâm, rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng và toàn xã hội. Tuy nhiên, mồ côi vì đại dịch Covid-19 là những trường hợp “mồ côi đặc biệt” vì bản thân đại dịch lần này là một tai họa hết sức đặc biệt đối với nhân loại. Bởi vậy, trẻ mồ côi vì đại dịch đang rất cần được quan tâm hỗ trợ đặc biệt, khẩn cấp và lâu dài. Đây là vấn đề được nhiều lần nhắc đến trên diễn đàn Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV vừa kết thúc cách đây không lâu. Trước đó, ngày 19/10/2021, tại cuộc gặp mặt đại diện tiêu biểu phụ nữ toàn quốc nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…
Trên thực tế, ngay từ khi đại dịch xảy ra và nhất là trong thời kỳ cao điểm, bên cạnh việc tập trung thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch, cứu chữa bệnh nhân, hỗ trợ đồng bào trong các vùng phong tỏa… thì các địa phương và các ngành cũng đã hết sức quan tâm đến đối tượng trẻ mồ côi vì dịch Covid-19. Ngoài các chính sách hiện thời của Nhà nước, các địa phương và đoàn thể còn có nhiều hoạt động nhân đạo và những phong trào thiện nguyện hết sức sâu rộng và hiệu quả. Tiêu biểu như ở TP.HCM, hầu như quận/huyện và tổ chức đoàn thể chính trị/xã hội nào cũng đều có các hoạt động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ trẻ mồ côi vì Covid. Chỉ riêng Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong của thành phố, chỉ sau 1 tháng phát động Chương trình hỗ trợ học bổng cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19 đã có hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân và tập thể hưởng ứng với hơn 400 suất học bổng, trị giá mỗi suất 3 triệu đồng…
Đặc biệt, chương trình “Nối vòng tay yêu thương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động và Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì đã trở thành những phong trào hành động thiết thực, lan tỏa hết sức sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực. Trong đó, riêng Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tính đến cuối tháng 10/2021 đã vận động được gần 200 tỷ đồng giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bất hạnh do đại dịch Covid-19…
Phong trào quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ trẻ mồ côi vì Covid-19 còn có sự tham gia nhiệt tình của rất nhiều cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Theo nhà văn Trần Nhã Thụy – Giám đốc Chi nhánh phía Nam NXB Hội Nhà văn, hiện tại ở TP.HCM đang có xu hướng nhiều người xin nhận trẻ mồ côi vì Covid-19 làm con nuôi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sau khi nhận Giải thưởng sách Quốc gia năm 2020 cho cuốn truyện thiếu nhi của mình, đã dành 30 triệu đồng tiền thưởng giúp đỡ trẻ mồ côi vì Covid-19 ở TP.HCM và ông cũng đang liên hệ xin nhận đỡ đầu một số cháu.
Mới đây, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã triển khai Chương trình "ATM yêu thương", kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em bị mồ côi vì dịch Covid-19 với mức 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Đặc biệt, một số tổ chức phi chính phủ, như: Saigon Children’s Charity (SCC), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC)… đã có sáng kiến đồng tổ chức chiến dịch "Em không lẻ loi" để kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em Việt Nam mồ côi vì dịch Covid-19…
Gần đây trên một số diễn đàn chính thống cũng như mạng xã hội, có nhiều ý kiến đề nghị nên thành lập một Quỹ giúp đỡ trẻ mồ côi vì Covid-19 và kêu gọi các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nhân và doanh nghiệp tham gia đóng góp để các cháu được tiếp tục sinh sống và học tập trong môi trường gia đình, có sự “chăm sóc thay thế” của người thân. Mặc dù đây mới chỉ là những thiện ý, nhưng đã có người tỏ ra băn khoăn lo lắng rằng nếu có một ngân quỹ như thế hoặc tương tự như thế, thì liệu đồng tiền bát gạo của các nhà hảo tâm có đến tận tay các cháu? Có đúng đối tượng không? Có đủ số lượng không? Thực tế hiện nay không ít doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức thiện nguyện còn lo ngại thủ tục phiền hà và các hiện tượng bất minh, tiêu cực.
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp và “mạnh thường quân” yên tâm đồng hành cùng Nhà nước trong hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi nói riêng và các hoạt động từ thiện nói chung? Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh - thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội khẳng định, thực tế đã và đang có hàng ngàn doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm đồng hành cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cơ quan Nhà nước khác đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin và các hoạt động cứu trợ khác. Tiếc rằng, trong thực tế cũng đã có những hiện tượng tiêu cực như “dê lạc chuồng, bò lạc ngõ”, tiền và hàng cứu trợ không đến đúng đối tượng hoặc đến không đủ số lượng… đã làm giảm niềm tin của xã hội nói chung và của các nhà từ thiện đóng góp quỹ hỗ trợ. Vì vậy, cần phải cải tiến hơn nữa cách thức triển khai công tác này. Đặc biệt, cần có quy định về trách nhiệm công khai minh bạch của người tiếp nhận và việc phân phối tiền, hàng cứu trợ; có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những người vi phạm trong hoạt động cứu trợ!
Liên quan đến những vấn đề nêu trên, tại diễn đàn Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV vừa qua, cũng như trên các phương tiện truyền thông gần đây, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 64 về tiếp nhận, sử dụng phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để phù hợp với tình hình mới. Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp phải giữ vai trò chính trong việc rà soát, nắm bắt thực trạng tình hình, đánh giá nhu cầu của các đối tượng… Từ đó, tham mưu ban hành những chính sách xã hội kịp thời, chính xác, hiệu quả. Gần đây có những “lùm xùm” về hoạt động từ thiện gây phản ứng tiêu cực trong xã hội. Điều đó đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của người làm từ thiện và vận động từ thiện, hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, sử dụng tiền và các vật chất khác trong công tác từ thiện… Đồng thời Nhà nước phải làm tốt vai trò kết nối, điều phối, có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để tránh những hệ lụy đáng tiếc như câu chuyện “sao kê” của một số nghệ sĩ nổi tiếng và nhà từ thiện gần đây.
Tôn vinh và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức xã hội và toàn dân trong thực hiện chính sách xã hội nói chung và hỗ trợ trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 nói riêng, là phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác chính sách của Đảng, Nhà nước và đạo lý truyền thống của dân tộc. Nguồn lực xã hội hóa trong hỗ trợ trẻ em bất hạnh trong thời gian qua là rất lớn, rất thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với trẻ em bất hạnh, dù đó là chính sách của Nhà nước hay nguồn lực xã hội hóa, thì đều phải bảo đảm những nguyên tắc về quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Vì vậy, cùng với việc khắc phục, cải tiến từ phía các cơ quan Nhà nước, thì các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia hoạt động từ thiện cũng cần có sự chủ động liên kết, phối hợp với nhau và với các cấp quản lý Nhà nước để có những thông tin cần thiết, phối hợp chặt chẽ, điều phối hợp lý; tránh những hệ lụy đáng tiếc nhằm bảo đảm tính nhân văn của hoạt động từ thiện, nhất là từ thiện đối với những trẻ mồ côi đặc biệt!