Aa

“Chúng tôi thiết kế Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm vì đam mê với nghề”

Thứ Ba, 30/03/2021 - 06:00

Cuộc thi thiết kế Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm với kinh phí tổ chức 30 tỷ đồng đã quá thời hạn công bố kết quả. Sự im lặng kéo dài của BTC đã dẫn tới tranh luận trái chiều cũng như niềm mong mỏi của đơn vị tham dự.

Tháng 7/2020, theo tờ trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc gửi UBND TP.HCM, cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm (Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm) sẽ diễn ra trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/2020. Cơ quan quyết định đầu tư công trình “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” là UBND TP.HCM, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM.

Theo thông tin ban đầu, 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài đủ năng lực, uy tín sẽ được mời tham gia thi chọn thiết kế kiến trúc nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. Sau đó, có thêm 2 đơn vị tư vấn thiết kế liên danh nước ngoài xin tham gia.

Quyết định tuyển đơn vị thiết kế Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm là bước khởi động cho dự án nhà hát được thành phố ấp ủ suốt 20 năm qua. Theo kế hoạch, công trình sẽ được thi thiết kế và hoàn thành thủ tục khởi công năm 2019 - 2020, khởi công và hoàn thiện năm 2021 - 2022.

Sau khi tổ chức thi, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM) sẽ trình kết quả để UBND thành phố xem xét phê duyệt.

Tuy nhiên, đến nay, đã qua 5 tháng kể từ thời điểm kết thúc, kết quả của cuộc thi vẫn trong tình trạng “chưa công bố”. Điều đáng nói, theo thông tin ghi nhận, đã có không ít tranh luận trái chiều về kết quả “ngầm” của cuộc thi.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với KTS. Lê Việt Sơn, đại diện cho Liên danh Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội - đơn vị tham gia cuộc thi.

thiết kế nhà hát thủ thiêm

PV: Được biết Liên danh Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội là 1 trong 10 đơn vị nộp bài dự thi thiết kế “Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm”. Vậy đến thời điểm hiện tại, đơn vị tham dự đã nhận được kết quả thông báo về cuộc thi chưa, thưa ông?

KTS. Lê Việt Sơn: Chúng tôi là 1 trong 12 đơn vị đến nhận đầu bài thi vào cuối tháng 7/2020. Tôi nhớ không nhầm là ngày 30/7. Tuy nhiên, đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thống nào về kết quả cuộc thi từ Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp. Theo một số nguồn tin không chính thức, chúng tôi biết được rằng sau nhiều vòng chấm, Hội đồng đã chấm điểm và phương án dự thi của chúng tôi đạt điểm cao nhất.

PV: Cơ duyên nào đưa ông và các cộng sự đến với cuộc thi thiết kế Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm?

KTS. Lê Việt Sơn: Chúng tôi biết đến cuộc thi này qua phương tiện thông tin đại chúng. Ngay lúc đó chúng tôi đã chủ động tìm và liên lạc với Ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ mong muốn dự thi và được Ban tổ chức hướng dẫn gửi hồ sơ năng lực cũng nhưđơn xin tham gia dự thi. Chúng tôi tham gia cuộc thi với khát khao được làm nghề, được cống hiến và được thể hiện năng lực của mình. Loại hình thiết kế Nhà hát tương đối khó đối với những đơn vị chưa từng thiết kế bao giờ, nó đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều các bộ môn như khoa học, kỹ thuật, công nghệ…

PV: Theo thông tin đăng tải trước đó, các quy định mà cuộc thi này đặt ra hết sức nghiêm ngặt và Ban tổ chức đề nghị phải là đơn vị tư vấn nước ngoài mới được tham gia. Trong khi ấy, Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội lại là doanh nghiệp Việt Nam. Nếu căn cứ theo quy định của ban tổ chức thì đơn vị thiết kế Việt Nam không được tham gia?

KTS. Lê Việt Sơn: Chúng tôi biết quy định này. Tuy nhiên, như tôi đã nói: “Chúng tôi là kiến trúc sư Việt Nam và mong muốn được cống hiến, thể hiện năng lực”. Nên, khi đối mặt với khó khăn thách thức, chúng tôi càng quyết tâm thực hiện. Quy chế ngặt nghèo chính là động lực mạnh mẽ để chúng tôi tham gia cuộc thi này. Chúng tôi đã có nhiều năm hợp tác với các tổ chức quốc tế tham gia các cuộc thi quy mô quốc tế ở trong nước. Việc lập hồ sơ liên danh quốc tế không có phải là vấn đề quá khó đối với chúng tôi.

Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội - nơi tôi đang làm việc là đơn vị vừa thực hiện tư vấn lập dự án Nhà hát Bộ Công an có quy mô và loại hình khá tương đồng với công trình này nên Ban tổ chức đã chấp nhận. Nhà hát Bộ Công an mà chúng tôi thực hiện đã được Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm tặng bằng khen.

nhà hát bộ công an
Phối cảnh nhà hát Bộ Công an

PV: Trong quá trình tham gia cuộc thi, ông và các cộng sự có gặp nhiều khó khăn, trở ngại?

KTS. Lê Việt Sơn: Đây là cuộc thi quốc tế đầu tiên áp dụng Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, đây là cuộc thi quốc tế đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của Hội Kiến trúc sư Việt Nam sau Đại hội khóa X nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây cũng là cuộc thi mà các kiến trúc sư - giới hành nghề và quản lý hành nghề đặc biệt quan tâm về quy mô, chất lượng, sự công bằng và minh bạch khi áp dụng Luật Kiến trúc và Nghị định 85 của Chính phủ.

Khi bày tỏ sự quan tâm, chúng tôi được hướng dẫn tận tình, chu đáo để làm hồ sơ xin tham gia cũng như gửi hồ sơ năng lực công ty cho Ban tổ chức. Tôi cũng nhận ra là Ban tổ chức đã khá thận trọng khi tiếp nhận những hồ sơ năng lực dự thi của các đơn vị quốc tế.

PV: Liên quan đến quy định của Ban tổ chức về việc chỉ nhận đơn vị tư vấn nước nngoài, trước đó đã có không ít những tranh luận trái chiều trong giới kiến trúc sư về việc này. Một số KTS trong nghề cho rằng, quy định này thể hiện sự không công bằng và thiếu tôn trọng năng lực của KTS Việt Nam, quan điểm của ông thế nào?

KTS. Lê Việt Sơn: Đây không phải là quan ngại của riêng chúng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế cũng tâm tư. Đó là một thực tế trong nhiều cuộc thi tuyển có yếu tố nước ngoài khi cuối cùng kết quả không như mong đợi, thậm chí làm thất vọng giới kiến trúc sư trong nước.

Có thể thấy, trong một thời gian dài, Việt Nam có rất ít công trình nhà hát quy mô được xây dựng, các công trình thành công còn hiếm hơn, và tất nhiên, cơ hội để tham gia còn ít hơn nữa. Chúng tôi rất may mắn khi có nhiều thế mạnh hơn, đặc biệt là vừa thắng cuộc với một công trình Nhà hát quy mô, được đối tác quốc tế ghi nhận, có nhiều tác phẩm kiến trúc thành công tại các quốc gia châu Á phát triển và tại Việt Nam. Đó chính là lý do khiến chúng tôi tự tin bước vào cuộc thi.

PV: Đến với cuộc thi này, ông có kỳ vọng như thế nào?

KTS. Lê Việt Sơn: Tất nhiên, chúng tôi muốn là người thắng cuộc, và nếu không thắng thì sẽ được thua các đối thủ đáng ngưỡng mộ.

Chúng tôi là những đơn vị tư vấn thiết kế chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế các công trình văn hóa, đặc biệt là các loại hình các Nhà hát. Việc tham gia dự thi là một phần công việc của chúng tôi. Thông qua các cuộc thi, chúng tôi có cơ hội khẳng định cũng như đóng góp công sức của mình cho công cuộc xây dựng đất nước. Giống như các cuộc thi khác, khi tham gia làm bài thi đều mong muốn đoạt giải và phương án của đơn vị mình được chọn thực thi.

Chúng tôi cho rằng, nếu đạt kết quả như mong muốn, chúng tôi còn có cơ hội chia sẻ với rất nhiều đồng nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam, để cùng nắm tay tham gia thực hiện các dự án lớn. Đây chính là cơ hội trưởng thành, bứt phá của ngành kiến trúc xây dựng Việt Nam.

PV: Ông có thể chia sẻ về quá trình hoàn thành bài dự thi thiết kế Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm?

KTS. Lê Việt Sơn: Khi tham gia cuộc thi, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ lưỡng về hiện trạng và nhiệm vụ thiết kế. Tôn trọng nhiệm vụ thiết kế là yêu cầu cho bất kỳ cuộc thi nào, đó là tôn trọng Ban tổ chức và cũng là cơ sở để đánh giá lựa chọn các phương án dự thi. Chúng tôi cố gắng đưa ra những đề xuất ý tưởng tốt nhất, nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch của khu vực này, đây là điều hoàn toàn không đơn giản với đặc thù một công trình quy mô như Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm. Tuy nhiên, việc tôn trọng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế là thể hiện tính nghiêm túc và chuyên nghiệp khi dự thi.

Với bối cảnh của địa điểm xây dựng cũng như các yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, chúng tôi mong muốn đưa đến một thiết kế đặc trưng cho khu vực này và chỉ thuộc về địa điểm này. Trong quá trình thiết kế, chúng tôi cũng tính đến các yếu tố hết sức linh hoạt để phù hợp với nhu cầu. Sự linh hoạt trong thiết kế sẽ được làm rõ khi có yêu cầu và chắc chắn đảm bảo không thay đổi hình thức hay ý tưởng kiến trúc đã đề xuất.

Triết lý của chúng tôi đưa ra: Công trình nhà hát phải là một công trình công cộng quan trọng của thành phố, không gian thiết kế phải có tính mở để kết nối khán giả đến với nhà hát, tới cảnh quan sông Sài Gòn, và với thành phố của chúng ta. Công trình cần là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của thành phố, cần chiếm được cảm tình của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Không chỉ vậy, đây còn phải là một địa điểm công cộng gắn kết người dân, gắn kết giữa kiến trúc và cảnh quan dòng sông Sài Gòn, gắn kết quá khứ và hiện tại để hướng tới tương lai một đô thị ven sông hiện đại.

Khu do thi thu thiem
Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm sẽ được đặt tại Khu đô thị Thủ Thiêm.

PV: Một trong những vấn đề khiến dư luận luôn đặc biệt quan tâm chính là chi phí thực hiện công trình công cộng. Ông có thể tiết lộ kinh phí thiết kế và tổng mức đầu tư của phương án mà bên ông đã đề xuất đối với công trình trọng điểm như Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm?

KTS. Lê Việt Sơn: Cái này cũng không có gì bí mật cả. Theo tính toán sơ bộ thì giá trị xây lắp cho phương án khoảng 1.300 tỷ đồng. Kinh phí thiết kế cũng khiêm tốn, chắc chắn thấp so với mặt bằng chung của các đơn vị tư vấn quốc tế, thậm chí cả Việt Nam. Phương án chúng tôi đưa ra luôn nghiên cứu đặt yếu tố kinh tế, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

PV: Khi hoàn tất bài dự thi Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, ông và cộng sự có mong muốn gì?

KTS. Lê Việt Sơn: Đương nhiên chúng tôi suy nghĩ và mong muốn phương án sẽ được lựa chọn. Bạn biết rồi đấy, cuộc thi đã diễn ra và được chấm nghiêm túc theo Luật Kiến trúc. Mong muốn hơn nữa phương án phục vụ đối tượng hướng tới quần chúng nhân dân. Để mỗi khi nhắc tới Thủ Thiêm, người dân trong nước và bạn bè quốc tế nghĩ ngay tới công trình Nhà hát này. 

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Liên quan đến kết quả giải thưởng của cuộc thi, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã có ý kiến: “Luật Kiến trúc số 40/20189/H14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, do đó các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cần tuân thủ theo quy định của Luật.

Căn cứ khoản 1, Điều 20 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi và công bố kết quả: “Việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi được thực hiện theo đúng phương pháp, tiêu chí quy định trong Quy chế Hội đồng và theo nguyên tắc bỏ phiếu kín để chọn ra phương án theo thứ tự từ 1 đến 3. Phương án xếp hạng cao nhất là phương án kiến trúc trúng tuyển”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM khi đó, từng có cuộc tranh luận với đại biểu Quốc hội về việc xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Tâm khẳng định: “Tính khả thi của Nhà hát giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch chúng ta thấy rất rõ. Bởi TP.HCM là thành phố lớn, quá trình hội nhập, phát triển đòi hỏi các thiết chế văn hóa đủ tầm để thu hút, giao lưu văn hóa của cả thế giới này chứ không chỉ riêng của thành phố. Chưa kể trình độ dân trí của thành phố ngày càng nâng lên thì yêu cầu hưởng thụ văn hóa cũng cần phải đầu tư một cách xứng tầm và nhà hát giao hưởng này đáp ứng cho được cho yêu cầu đó”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top