Aa

“Chuồng cọp” không lối thoát: Giữ của hay giữ mạng?

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 15/09/2017 - 06:30

Chia sẻ với Reatimes, TS. KTS Trần Minh Tùng (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, thiết kế lồng sắt chung cư lâu nay mới chỉ đáp ứng được chống trộm mà bỏ quên chống cháy.

Việc lắp đặt lưới sắt, lồng sắt (hay còn gọi là "chuồng cọp") hiện rất phổ biến tại các chung cư cao tầng. Nếu như vài năm trước, đây được coi là biện pháp tăng diện tích sử dụng cho các căn hộ chật hẹp tại các chung cư cũ thì hiện nay, nó đã trở thành phong trào ở các chung cư mới, hiện đại nhằm phòng trộm hơn là ăn gian diện tích. Mặc dù vậy, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc cải tạo này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của các công trình, tính mạng của người dân khi xảy ra hỏa hoạn. 

Đi tìm lời giải cho câu hỏi "Lời giải nào cho bài toán thiết kế lưới sắt", Reatimes đã có cuộc PV TS. KTS Trần Minh Tùng - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế nhà ở. 

PV: Thưa ông, thời gian qua, dư luận đã nhiều lần bàng hoàng, xót xa trước thông tin về những vụ hỏa hoạn mà không có lỗi thoát vì chuồng cọp kiên cố, thậm chí có nhiều người thiệt mạng. Vậy, từ góc nhìn của một KTS, ông cho rằng người dân nên làm hay không làm lồng sắt, câu chuyện phòng trộm hay phòng cháy nên được đặt nặng hơn? 

KTS Trần Minh Tùng: Thực tế là, nhiều người trong chúng ta thường có suy nghĩ rằng trộm thì ngày nào cũng có thể xảy ra, còn cháy thì dường như là phải lâu lâu mới xảy ra một lần. Chính vì vậy mà khi gia cố nhà cửa, nhất là các căn hộ chung cư cao tầng, người ta thường lựa chọn phương cách an toàn để chống trộm là lưới sắt, lồng sắt. Ngoài đảm bảo an ninh, lồng sắt còn có nhiều chức năng khác như đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trong nhà, rồi phơi quần áo không bị bay xuống dưới.

Nhưng rất nhiều người đã quên rằng, cháy cũng giống như trộm, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và nếu trong trường hợp không may xảy ra cháy nổ, chính những lồng, lưới bằng kim loại được hàn xì chắc chắn cố định kia lại lợi bất cập hại, khiến cư dân không có lối thoát và cản trợ lực lượng chức năng tiếp cận. 

Theo tôi, hai vấn đề này đều cấp thiết như nhau, nhưng trộm thì có thể không nguy hiểm bằng lúc cháy bởi khi cháy lại ảnh hưởng đến tính mạng của con người nhiều hơn. Tôi nghĩ trong thiết kế không đề cao hay coi trong vấn đề nào hơn được mà phải cố gắng làm thế nào để cả hai cái dung hòa được với nhau.

PV: Vậy để dung hòa được hai vấn đề này thì có giải pháp nào không, thưa ông?

KTS Trần Minh Tùng: Để dung hòa được thì khi gia cố lồng sắt phải có quy chuẩn. Hiện nay, một số chung cư họ không cho phép làm "chuồng cọp" vì ảnh hưởng đến mặt đứng của tòa nhà. Bên cạnh đó, cũng có một số chung cư khác đồng ý cho làm, nhưng đặt ra các yêu cầu nhất định về thiết kế và có sự đồng bộ. Một trong những thiết kế khả thi nhất là lồng sắt có hai phần, phần thứ nhất là phần cố định, phần thứ hai là phần có cửa để mở ở ban công. Bình thường thì dùng khóa để khóa lại, khi cần thoát hiểm người ta sẽ mở ra để người bên trong có thể ra, người bên ngoài có thể vào. 

Thực tế, nhiều nơi đã làm và có vẻ như đây là một trong những biện pháp dung hòa được cho cả vấn đề chống trộm và chống cháy, dung hòa được hai yếu tố thẩm mỹ và an toàn cho ngôi nhà cũng như dung hòa được cả nhu cầu của người dân và nhu cầu của bộ phận quản lý.  

Hiện tại, không chỉ đối với chung cư mà còn cả nhà đất, kiến trúc sư chúng tôi thường đưa ra giải pháp lồng sắt di động. Tức là thay vì cửa sổ có các lồng sắt gắn liền đó thì thiết kế các ray trên và dưới giống như cánh cổng. Khi cần mở ra cho thông thoáng thì họ kéo ra, khi muốn bảo vệ thì họ kéo lại. Giống như một cánh cổng thay vì nằm dưới đất thì được đưa lên cửa sổ.

 TS. KTS Trần Minh Tùng

 TS. KTS Trần Minh Tùng

PV: Vậy phải chăng những gia đình đã lỡ làm lồng sắt cố định phải dỡ ra làm lại, hay có một thiết kế lối thoát hiểm nào khác không thưa ông? 

KTS Trần Minh Tùng: Thời gian qua, sau khi có một số vụ cháy xảy ra dẫn đến thiệt hại mạng người do không có lối thoát thì người dân cũng bắt đầu nhờ đến kiến trúc sư tư vấn. Nếu đã lỡ làm lồng sắt kiên cố rồi thì giải pháp duy nhất hiện nay là dùng máy cắt một phần của lồng sắt đó đi, sau đó làm một cánh cửa, thuê thợ hàn lắp bản lề để khóa lại. 

PV: Nhưng thưa ông, lồng sắt là bằng kim loại vào nếu xảy ra hỏa hoạn lớn thì dẫn nhiệt rất lớn, cản trở khả năng tiếp cận của cả người bên ngoài và bên trong. Vậy có còn một giải pháp nào dung hòa được cả 2 yếu tố trên và khắc phục nhược điểm về chất liệu này không? 

KTS Trần Minh Tùng: Có một biện pháp khác hiện cũng được nhiều gia đình áp dụng, đó là thay vì làm khung thép để cố định các lồng sắt này thì người ta làm cáp. Phương pháp này cũng được nhiều chủ đầu tư khuyến khích sử dụng bởi mang tính thẩm mỹ cao. Thay vì lắp hàng loạt lồng sắt vừa xấu, vừa dễ tạo ra nghi vấn tòa nhà này không đảm bảo an ninh. Bản chất của cáp là bình thường ngăn cản được các vật rơi xuống và khi cần thiết người ta có thể cắt cáp để thoát ra được. Tuy nhiên, lựa chọn dây cáp thường chỉ sử dụng được ở những tầng cao như tầng 4 - 5 trở lên, đây là những tầng trộm khó trèo còn những tầng ở phía dưới thấp thì không hiệu quả. Ngoài ra, về việc đảm bảo an toàn cho người già và trẻ nhỏ không may rơi xuống thì không chắc dây cáp có làm được. Sử dụng tấm kính ở các lô-gia cũng là một lựa chọn mà các nước trên thế giới đang áp dụng. 

PV: Một yếu tố khác cũng liên quan đến câu chuyện đảm bảo an toàn trong các khu chung cư  là cửa thông gió ở các hành lang. Có ý kiến người dân phàn nàn rằng, cửa sổ thông gió tại các hành lang chung cư thường quá rộng, chưa an toàn. Theo ông chi tiết này có cần thiết không và nên thiết kế thế nào cho an toàn? 

KTS Trần Minh Tùng: Trong điều kiện khí hậu Việt Nam thì làm cửa sổ thông gió là cần thiết. Bởi nếu không có cửa thông gió ở hành lang thì không khí rất bức bối, nhất là những ngày nắng nóng. Thêm nữa, trong một hành lang nếu để kín thì nhiều khi trẻ con chơi, chạy nhảy âm thanh sẽ dội lại khiến không gian trở nên rất ầm ĩ. Ở các tòa nhà chung cư Việt Nam đều được khuyến cáo nên làm cửa sổ thông gió ở hành lang.

Thứ hai là trong điều kiện thoát nạn, nếu cháy xảy ra thì những cửa sổ đó sẽ giúp giải phóng bớt khí, người phía dưới có thể nhìn thấy khói cháy thoát ra để cứu nạn. Trong một số trường hợp cửa sổ hành lang chính là nơi cứu nạn khả thi nhất. 

Hiện nay vẫn có hai luồng tư tưởng mà các kiến trúc sư rất đau đầu. Theo thẩm mỹ kiến trúc thì đẹp nhất vẫn là không có gì cả. Chung cư có một lợi thế về độ cao, cứ tưởng tượng một cửa sổ to như vậy nhìn ra ngoài trời trong vắt thì ai cũng mê và không hề muốn có thanh chắn.

Nhưng thực tế là đến khi sử dụng bắt buộc phải có để chống trộm và để đảm bảo an toàn cho cư dân. Nếu sống trong một ngôi nhà mà có cảm giác không an tâm thì tâm lý người ở rất là bất an. Người dân bao giờ cũng mong muốn an toàn, mà an toàn rồi thì mới đẹp được. 

Xin chân thành cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top