Aa

Chuyện của những chiếc thang máy chung cư

Thứ Tư, 28/02/2018 - 06:01

Cùng với quá trình đô thị hóa, các tòa nhà chung cư ngày càng mọc nhiều lên tại Hà Nội và TP.HCM, tạo chỗ ở cho hàng vạn gia đình. Tuy nhiên, trong những năm qua, loại hình nhà ở này cũng phát sinh hàng loạt rắc rối.

Các dự án chung cư cao cấp hiện nay đều trang bị thang máy tốc độ cao và thẻ từ bảo mật.

Các dự án chung cư cao cấp hiện nay đều trang bị thang máy tốc độ cao và thẻ từ bảo mật.

Thấp thỏm với thang máy

Sống trong một căn hộ tại tầng 20 của tòa chung cư cao cấp giữa Hà Nội, nhưng anh Thành Nam, 28 tuổi luôn cảm thấy khó chịu vì cái thang máy. Tòa nhà cao 27 tầng, mỗi tầng gồm 10 căn hộ, nhưng cả tòa nhà chỉ có 3 cái thang máy.

Tuy nhiên, tuần có 7 hôm, thì 5 hôm có ít nhất một cái thang máy trong diện đang phải bảo trì không dùng được. Mỗi lần thang máy bảo trì, giờ đi làm của anh Nam và các cư dân khác xáo trộn, bởi thang máy giờ cao điểm đông nghịt người.

“Nói ra chẳng ai tin, nhưng nhiều ngày trong tuần mình muộn giờ làm vì đợi thang máy. Chưa kể, có nhiều lúc đang đi thang máy hỏng, dừng lại, khiến cư dân thót tim”, anh Nam chia sẻ

Không chỉ các cư dân tại tòa nhà của anh Nam, cư dân tại Khu đô thị mới Đại Kim cũng kêu khổ vì thang máy.

Khu đô thị này đưa vào sử dụng từ năm 2010, do Công ty TNHH Quản lý, nhà và đô thị CTP số 5 xây dựng và trực tiếp quản lý. Khu chung cư gồm 1 tòa 9 tầng và 2 tòa 12 tầng, mỗi tòa nhà được trang bị 2 thang máy. Với thiết kế này, các tòa nhà đảm bảo tốt khả năng sinh hoạt, đi lại của cư dân. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, mỗi tòa nhà chỉ sử dụng được 1 thang máy, cái còn lại bị ban quản lý đóng cửa để “làm cảnh”, không cho người dân sử dụng.

Chỉ được sử dụng 1 tháng máy trong tòa nhà 12 tầng khiến sinh hoạt của người dần gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chiếc thang máy này cũng thường xuyên hỏng khiến cuộc sống của người dân càng đảo lộn và mệt mỏi.

Còn với cư dân sống tại Chung cư CT1A Định Công, khi nhắc đến thang máy, người dân lại hoảng sợ, không chỉ kêu kẽo kẹt như tiếng võng và những lần nhốt người, bỏ tầng, thậm chí đứt cáp diễn ra như cơm bữa.

Bức xúc trước tình trạng này, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chủ đầu tư và đơn vị quản lý là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp dịch vụ quản lý và khai thác nhà Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những gì họ nhận được chỉ là sự im lặng.

Ông Trần Toàn, Tổ trưởng Tổ dân phố 30A, Toà nhà CT1A cho biết: "Ở đây chủ yếu là dân tái định cư và những người có công với Cách mạng. Đa phần họ đã có tuổi, khi chứng kiến cảnh thang máy bị đứt cáp, những người già không dám đi nữa".

Cấn ý thức và đạo đức của chủ đầu tư

Với các tòa nhà cao tầng, “hệ thống giao thông đứng” với phương tiện chủ yếu là thang máy rất quan trọng, góp phần tạo nên chất lượng của công trình.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Phương, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất thang máy Fuji - Alpha cho biết, một sự quan tâm đúng mực từ phía chủ đầu tư đối với hệ thống thang máy là điều hết sức quan trọng và cần thiết để tạo nên một thiết kế khoa học, phù hợp với nhu cầu giao thông giữa các khu chức năng trong tòa nhà. Đây sẽ là một yếu tố quyết định để đánh giá chất lượng, cũng như giá trị của tòa nhà.

Tuy nhiên thực tế, hiện có nhiều chung cư có mật độ thang máy rất thấp so với số căn hộ gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trong chính căn chung cư đó. Bên cạnh mật độ thấp, ảnh hưởng tới thời gian di chuyển của cư dân, thì một điều đáng lo hơn là chất lượng của thang máy, bởi nó nó ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Theo quy định, thang máy lắp đặt cho các tòa nhà, chung cư đều phải có quy chuẩn và có đơn vị thẩm định chất lượng. Định kỳ phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành thang máy kiểm tra, bảo trì tối thiểu một lần/2 tháng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thăng Long, chủ đầu tư Dự án Startup Tower 91 Đại Mỗ, thang máy hiện có giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Để tiết kiệm kinh phí, nhiều đơn vị chọn thang kém chất lượng, chế độ bảo trì không đúng quy định. Hệ quả là sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các sự cố đáng tiếc đã xảy ra.

"Không phải ngẫu nhiên mà thang máy có giá chênh đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều chủ đầu tư vẫn xem thang máy chỉ là một thiết bị trong toà nhà là sai lầm. Chính việc sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện dỏm, hàng nhái giá rẻ khi bảo trì, duy tu thang máy đã góp phần làm thang máy trục trặc, hỏng hóc liên tục và gây tai nạn. Nhiều công ty lắp đặt đã “ăn bớt” hệ thống an toàn để chiếc thang dễ vận hành hơn, lại vừa giảm chi phí, các dịch vụ bảo trì thang máy cũng bị cắt giảm triệt để", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, tại Dự án Startup Tower, dù là chung cư giá rẻ, nhưng chủ đầu tư vẫn mạnh tay đầu tư hệ thống thang máy Mitsubishi. Việc đầu tư có thể khiến chi phí đội lên, nhưng bù lại sẽ giúp cho các cư dân có được cuộc sống đảm bảo hơn.

Ngoài chất lượng thang máy, một lý do nữa khiến thang máy nhanh xuống cấp theo ông Hải là do công tác bảo dưỡng, bảo trì không đáp ứng được quá trình hoạt động của thang máy. Thông thường số lần bảo trì là 12 lần/năm, nhưng trên thực tế, nhiều chung cư không thuê bảo trì thường xuyên, chỉ khi nào thang máy hỏng mới gọi thợ tới sửa chữa để tiết kiệm chi phí, khiến thang máy nhanh xuống cấp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thang máy muốn đạt chất lượng, an toàn thì phải có công nghệ, tiêu chuẩn rõ ràng, trong đó chất lượng sản phẩm và hệ thống lắp đặt bảo trì, bảo dưỡng phải theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng vận hành thang máy còn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ, bảo hành, ý thức của người sử dụng, quan điểm của chủ đầu tư về thang máy.

Do đó, việc trang bị thang máy chất lượng sẽ đảm bảo chất lượng công trình, đem đến cho cư dân cuộc sống an toàn, chất lượng, qua đó sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư để phát triển trong dài hạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top