Tất yếu chuyển đổi số ngành du lịch
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là tất yếu của mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt là ngành du lịch.
Khi đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua những “đau đớn”, những cuộc thanh lọc chưa từng có, chuyển đổi số càng chứng minh được vai trò tất yếu trong bối cảnh biến động.
Vì vậy, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhìn nhận, dù đại dịch đã khiến “ngành công nghiệp không khói” trở nên khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, Covid-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc “lột xác”, để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới đây.
“Chuyển đổi số giúp giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, song với việc áp dụng các công nghệ số trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn có thể tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp”, ông Phòng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Bởi vì, chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Trên thực tế, ngay từ năm 2019, Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Năm 2020, Việt Nam chuyển sang giai đoạn khởi động nhận thức về chuyển đổi số với Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021 thì bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số với Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số”. Đến năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng chuyển đổi số, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã không ngừng chú trọng quan tâm đến việc phát triển vấn đề này. Thực tế, các chương trình nói trên cũng ghi nhận những bước đột phá, trong đó, đã sử dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, với nguyên tắc “rõ người, rõ việc” đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Trong số này có 2 nền tảng thuộc ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch, gồm: Nền tảng quản trị kinh doanh du lịch và Nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích.
Phải chuyển đổi số từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chuyển đổi số là một tất yếu, song hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được những nền tảng số để chuyển đổi một cách nhanh chóng, phù hợp.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, ngành du lịch đang nhận được tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số nhưng thực tế đang có sự chênh lệch trong việc chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.
Hiện nay, hầu hết chỉ những doanh nghiệp có quy mô lớn áp dụng chuyển đổi số, trong khi đó có đến 3/4 các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số thì các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất trăn trở, bởi đây là câu chuyện vừa phải có sự quan tâm từ Trung ương đến các bộ, ngành đến Tổng Cục du lịch cũng như sự chuyển đổi từ các sở địa phương mới có thể theo kịp được.
Cũng theo bà Đỗ Hồng Xoan, tại các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, họ đã thực hiện chuyển đổi số từ lâu, và đã trở thành chuyên môn hóa của tất cả các doanh nghiệp, trở thành những quy trình, thói quen, chỉ cần ngồi một chỗ có thể làm việc với tất cả toàn thế giới từ đặt phòng, đặt tour, tìm hiểu về điểm đến... ngay cả khi chưa tới đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn áp dụng số hóa trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và cả quốc tế, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài đã đến lúc không thể chỉ kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, hậu đại dịch, việc số hóa đang khó khăn hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín. Vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công trong áp dụng chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng.
“Vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua chương trình phát triển, có bổ sung ngân sách để chuyển đổi số và xúc tiến du lịch. Đây là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Song, chúng tôi mong muốn hơn nữa những chính sách để cùng đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Xoan bày tỏ.
Nhìn nhận về giải pháp đồng bộ chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Lê Phúc cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần triệt để quan tâm đến vấn đề này từ Trung ương tới địa phương, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính gồm:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam.
Thứ hai, thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19”.
Thứ tư, hỗ trợ các địa phương thông qua chương trình điểm đến chuyển đổi số. Năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh.
Thứ năm, hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
“Chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động, kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện. Dù vậy, chúng ta vẫn phải quyết tâm chuyển đổi để hướng đến phát triển bền vững ngành du lịch Việt Nam", Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định./.