Aa

Chuyển đổi số ngành bất động sản: 4 “chìa khóa vàng” dẫn lối thành công cho doanh nghiệp

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Ba, 11/10/2022 - 06:12

Bước vào thời đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số giờ đây có thể được coi là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của doanh nghiệp bất động sản trên thương trường.

Chuyển đổi số là tất yếu mang tính sống còn

Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, không chỉ đối với các nước tiên tiến trên thế giới mà ngay cả Việt Nam cũng đang dần bắt kịp xu thế. Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản không còn là nhu cầu hay sự lựa chọn mà chính là yếu tố tiên quyết bắt buộc phải có để giúp các doanh nghiệp địa ốc vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay và hướng tới xây dựng, phát triển thị trường chung một cách lành mạnh, bền vững. 

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: “Trong lĩnh vực bất động sản, việc chuyển đổi số là tất yếu mang tính sống còn. Cả thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, không có lý do gì Việt Nam không bắt kịp xu hướng này”.  

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực địa ốc tại Việt Nam là rất lớn. Ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy trước mắt như giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán thì xét về lâu dài, chuyển đổi số còn giúp thị trường lưu thông ổn định, tăng tính thanh khoản và kết nối cung - cầu được diễn ra nhịp nhàng hơn. 

Mục tiêu ra đời của Proptech (Property Technology) chính là đáp ứng 3 yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản, bao gồm: Cung cấp thông tin (hỗ trợ truy cập dữ liệu nhanh và rẻ hơn, lưu trữ và khôi phục thông tin trực tuyến...); hỗ trợ giao dịch (thiết lập các nền tảng trực tuyến để tham khảo, giao dịch bất động sản, thuê địa điểm làm việc, ký hợp đồng, bán nhà...) và quản lý các quá trình (giúp chủ sở hữu điều khiển công việc liên quan đến bất động sản bằng việc trực quan giao diện quản lý, cung cấp dịch vụ tiện ích, tối ưu hóa an ninh và sử dụng năng lượng).

Vai trò quan trọng và lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại là điều dễ dàng nhận thấy. Nếu chúng ta biết cách sử dụng công nghệ để giảm thiểu rủi ro thì chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích lớn cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng trong hành động thực tiễn để thay đổi toàn diện cách thức hoạt động và quy trình vận hành thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Lý do là bởi những vướng mắc liên quan đến con người hay công nghệ.

Quy mô thị trường bất động sản ở Việt Nam lớn nhưng “miếng bánh ngon” này chưa hẳn là dễ xơi. Minh chứng trên thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Proptech trong nước đang dần biến mất trên bản đồ hoạt động, trong khi số còn lại cũng gặp nhiều khó khăn để tồn tại và duy trì chứ chưa nói đến việc phát triển. Có thể kể đến một vài cái tên như Propzy (hiện đã ngừng hoạt động); Rever (Co-founder kiêm CFO đã rời khỏi doanh nghiệp); Luxstay (hứng chịu nhiều khó khăn do khủng hoảng)... 

Đứng từ góc độ một doanh nghiệp phát triển công nghệ bất động sản, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Meey Land đã có những chia sẻ về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam: “Từ năm 2017, Chính phủ đã nhắc nhiều đến chuyển đổi số, vậy nhưng cụm từ “bất động sản” lại không được nhắc đến nhiều trong các văn bản, quy định. Mỗi doanh nghiệp ra đời chỉ giải quyết được một góc hẹp trong thị trường nhỏ, ứng dụng công nghệ vẫn còn chủ yếu tập trung ở mảng cho thuê chứ chưa áp dụng được nhiều trong các hoạt động khác như giao dịch, tổ chức, tạo quan hệ với khách hàng...”.

Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Meey Land.

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết cho sự thành công của công cuộc chuyển đổi số đối với thị trường bất động sản chính là cần có một hệ sinh thái công nghệ toàn diện, am hiểu và có nguồn vốn đủ lớn để tạo động lực cho các doanh nghiệp làm nên đột phá. 

4 “chìa khóa vàng” dẫn lối thành công cho doanh nghiệp 

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số thành công thì không có khuôn mẫu nhất định nào mà cần định hướng rõ ràng theo từng chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp. Do tính đặc thù của từng ngành nghề và lĩnh vực nên không thể bê khuôn mẫu chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp này để ứng dụng sang doanh nghiệp, đơn vị, lĩnh vực khác.

“Quan trọng, không phải khi nói tôi chuyển đổi số là đã chuyển đổi số được ngay, mà đó là cả quá trình kéo dài. Tôi cho rằng, chuyển đổi số trong tư duy của người lãnh đạo là quan trọng, tư duy để hiểu được khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với cả quá trình thực hiện chuyển đổi số”, ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc nhấn mạnh. 

Theo dòng phát triển của xu thế, thị trường đón nhận và hoan nghênh nhiều doanh nghiệp có sự nghiên cứu chuyên sâu cùng tầm nhìn dài hạn về cuộc cách mạng này. Điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land với nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ hữu ích cho các đối tượng khác nhau tham gia thị trường địa ốc, từ người mua, người bán cho đến môi giới, chủ dự án. Mỗi sản phẩm trong hệ sinh thái của Meey Land là một giải pháp cho một vấn đề nổi cộm trên thị trường bất động sản. 26 sản phẩm vừa có tính độc lập, vừa bổ trợ lẫn nhau, giúp gia tăng giá trị, hiệu quả và nâng tầm trải nghiệm người dùng.

Từ những lợi ích to lớn mà hệ sinh thái công nghệ bất động sản mang lại, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của những cú “bắt tay” giữa các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng lại gặp không ít khó khăn bởi không tìm được người làm về công nghệ cho bất động sản. Tính chất đặc thù của ngành đòi hỏi những nhân sự này vừa phải biết cách chỉ đạo đường hướng thực hiện về công nghệ, vừa phải có tư duy về thị trường địa ốc. 

Hiện nay, các doanh nghiệp thường thành lập bộ phận công nghệ riêng để phát triển ứng dụng nhằm nhận được phản hồi và nắm bắt tiêu chí tìm kiếm sản phẩm từ khách hàng. Tuy nhiên, vì “không chuyên” nên bộ phận này còn khá yếu, không có nhiều nhân lực để phát triển mạnh, dẫn đến hoạt động chưa thực sự đem lại nhiều hiệu quả. Ông Hoàng Mai Chung cho rằng: “Nếu trong trường hợp không thể làm được tốt hơn, tôi cho rằng các doanh nghiệp có thể ký kết với một đơn vị bên ngoài để sở hữu hệ thống chuyên nghiệp, bài bản về công nghệ”. 

Tại Hội nghị, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã nêu ra 4 “chìa khóa vàng” dẫn lối thành công cho các doanh nghiệp trong công cuộc số hóa thị trường địa ốc. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Thứ nhất, cần phải có tầm nhìn và quyết tâm của người lãnh đạo đứng đầu.

Thứ hai, phải gắn chặt chiến lược chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh thực của doanh nghiệp.

Thứ ba, phải bắt đầu chuyển đổi số ngay từ những việc nhỏ nhất và làm theo bằng một cách tốt nhất.

Cuối cùng là các doanh nghiệp đừng cố gắng ôm đồm hết mọi thứ một mình, thay vào đó hãy hợp tác với nhau để cùng phát triển. 

TS. Võ Trí Thành đã có cách ví von thú vị: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Còn muốn đi vừa nhanh, vừa xa thì hãy “ôm” nhau”. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản không chỉ là cuộc cách mạng thuần túy về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về thể chế, nhằm hướng tới những thay đổi tích cực và hiện đại để hoàn thiện hơn nữa các chính sách, quy định và quy trình làm việc... Mà trong đó, trung tâm của tất cả chính là con người cho nên làm gì cũng phải tạo được niềm tin cho thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top