Aa

Chuyển đổi số: Hành trình tất yếu nhưng đầy khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 10/10/2022 - 06:12

Chuyển đổi số được đánh giá là xu hướng tất yếu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng triển khai khi công nghệ phức tạp, dữ liệu không đủ lớn và nhận thức của nhiều lãnh đạo còn chậm.

Doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong chuyển đổi số

Công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững. Đây là nhận định được các chuyên gia rút ra tại Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra ngày 7/10 mới đây. 

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là áp dụng các công nghệ giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhất với mức giá hợp lý nhất; giúp quay vòng vốn nhanh, ổn định thị trường; kết nối cung cầu, giúp thị trường lưu thông, tăng tính thanh khoản. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp môi giới bất động sản kết nối với khách hàng dễ dàng, giúp các sàn môi giới giảm chi phí nhân sự… 

Với vai trò quá lớn, giải quyết được bài toán về chi phí, thời gian, chất lượng giao dịch, chuyển đổi số thực sự là xu hướng bắt buộc đối với các doanh nghiệp địa ốc trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ rõ, chuyển đổi số là hànhh trình tất yếu nhưng đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ. Đơn cử như việc xây dựng một công trình, nhà ở, dự án, việc chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm năng lượng, ứng dụng vật liệu xanh chứ chưa ứng dụng được những công nghệ cao trong quá trình đầu tư, phát triển, vận hành.

Từ góc độ là một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Tập đoàn Meey Land cũng nhìn nhận, hiện tại các nền tảng công nghệ trên thị trường đã ra đời khá nhiều và giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội, không phân biệt tầng lớp, giai cấp. Tuy nhiên, bất động sản vẫn chưa có những công nghệ như vậy.

Các đối tượng tham gia vào chuỗi bất động sản là rất lớn từ cá nhân, tổ chức, khách hàng với các khâu là giao dịch, mua bán, cho thuê, bảo trì… Thế nhưng hiện Proptech tại Việt Nam chưa có dữ liệu người dùng lớn. Thực trạng ứng dụng công nghệ vào bất động sản ở nước ta còn rất chậm. Công nghệ là xu hướng tất yếu trong các ngành nghề nhưng thực tế là bất động sản lại có những bước đi sau so với mặt bằng chung. 

Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Tập đoàn Meey Land 

“Hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đang dần dần đóng cửa và các đơn vị còn lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại, mặc dù quy mô của thị trường là rất lớn. Doanh thu trong giai đoạn đầu đối với các doanh nghiệp công nghệ bất động sản cũng rất ít, rất khó để các doanh nghiệp đủ quay vòng vốn. Vì vậy không có nhiều đơn vị theo đuổi được lĩnh vực này. Nguyên nhân là do có quá nhiều khó khăn liên quan đến con người, công nghệ”, ông Hoàng Mai Chung cho biết. 

Qua thực tế triển khai, ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cũng thừa nhận, công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp bất động sản thực sự rất vất vả. 

“Chúng tôi bắt đầu công tác chuyển đổi số từ năm 2017. Khi đó, vẫn nhiều chủ đầu tư còn dùng Excel để quản lý bảng hàng. Đến nay, đã là 5 năm nhưng Đất Xanh Miền Bắc mới đi được khoảng 1/3 quãng đường do nhiều nguyên nhân”, ông Chính chia sẻ.

Phân tích rõ hơn về các nguyên nhân gây ra những khó khăn trong chuyển đổi số, ông Chính cho biết, về khách quan, có 3 nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, do đặc thù của ngành môi giới, khách hàng không thích thanh toán qua ngân hàng, phần lớn đều thanh toán tiền mặt;

Thứ hai, giá trị giao dịch khá lớn, phí thanh toán online rất cao, thấp nhất cũng chiếm 0,6%/ giao dịch;

Thứ ba, chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sổ đỏ, sổ hồng cấp cho chủ sở hữu mới có đủ cơ sở triển khai giải pháp quản lý tài sản, số hóa trong công tác quản lý tài sản, doanh nghiệp không thể làm được điều này.

Về nguyên nhân chủ quan, do nghề môi giới bất động sản gần đây có sự dịch chuyển rất nhiều, đặc biệt trong thời gian Covid-19 diễn ra, ngành bất động sản đón nhận nhiều nhân sự từ ngành khác sang làm môi giới. 

“Hầu hết sau một vài tháng thử việc không được, thì nghỉ. Những người mới vào lại tiếp tục đào tạo lại từ đầu… Một vấn đề nữa là sản phẩm có thể rất tốt nhưng phù hợp được đến đâu và khả năng triển khai, áp dụng được vào doanh nghiệp thật sự hiệu quả hay không thì đòi hỏi cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá”, ông Chính chia sẻ.

Chuyển đổi số không thuần túy chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ

Trước thực tế công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp địa ốc đang diễn ra khó khăn, các doanh nghiệp phát triển công nghệ trong lĩnh vực bất động sản chật vật tìm hướng đi mới, tại Hội thảo, giới chuyên gia đã đi đến kết luận, chuyển đổi số không thuần tuý chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là thể chế. Để chuyển đổi số thành công, vai trò từ chính quyền Nhà nước đến người lãnh đạo các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. 

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản là tài sản lớn, người mua đến tận nơi tìm hiểu còn khó đưa ra quyết định, huống chi là chỉ xem thông tin trên mạng internet. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công phải là cả quá trình. Hệ sinh thái công nghệ cho bất động sản là rất cần thiết và không thể thiếu để đi theo xu thế phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những nhà cung cấp phải tạo được niềm tin cho khách hàng, đồng thời, phải có giải pháp để góp phần thay đổi dần nhận thức của các chủ thể về vai trò của các ứng dụng công nghệ. Trước hết, phải cho khách hàng hiểu rõ được các sản phẩm của mình. Thứ hai là phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường, đảm bảo quan hệ giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp bất động sản, các sàn môi giới…

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, thị trường quyết định sản xuất. Vì vậy nhà phát triển sản phẩm phải nghiên cứu xem người mua cần những thông tin gì để đi đến quyết định mua nhà. Các phần mềm, công cụ của sàn nào thiết kế ra đáp ứng đúng với nhu cầu người tiêu dùng thì họ sẽ tiếp cận với sàn đó nhiều nhất, sàn sẽ bán được nhiều sản phẩm nhất. Cứ vì người tiêu dùng mà phục vụ tối đa tiện ích thì sẽ thành công. 

Bên cạnh đó cũng cần phải xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong vấn đề này, Nhà nước sẽ đóng vai trò như trọng tài, sẽ phạt nếu vi phạm để đảm bảo các vấn đề liên quan, đặc biệt là vấn đề an ninh. Xây dựng hệ thống dữ liệu data để cho dùng chung.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Mai Chung cũng nhìn nhận, việc chuyển đổi số cần một hệ sinh thái am hiểu thị trường, nhu cầu của các bên tham gia cùng với đó là phải có nguồn vốn đủ lớn mới có thể đưa các doanh nghiệp bất động sản đi xa. 

Minh chứng là Tập đoàn Meeyland đã tập trung phát triển một hệ sinh thái công nghệ giải quyết đầy đủ các nhu cầu trong việc tìm kiếm, giao dịch bất động sản. Nổi bật là app web Meeyland.com để tìm kiếm bất động sản. 

“Chúng tôi tạo ra hệ sinh thái công nghệ cho thị trường bất động sản không nhằm mục đích cạnh tranh với các đơn vị đăng tin khác mà muốn nâng cao giá trị trải nghiệm cho khách hàng.

Ngoài ra, từ thực tiễn tra cứu thông tin quy hoạch xuất hiện trên nhiều báo đài nên rất cần bản đồ quy hoạch trực tuyến, từ đó chúng tôi đưa ra và phát triển Meey Map. Ứng dụng này cho phép tra cứu quy hoạch trực tuyến; tích hợp đăng tin trên Meeyland.com; phân tích hiện trạng thửa đất; cung cấp các thông tin về bất động sản cùng thông tin về các lĩnh vực thiết yếu khác và vươn ra quốc tế”, ông Hoàng Mai Chung cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top