Aa

Chuyển đổi số ngành ngân hàng - Đón đầu & Phát Triển

Thứ Tư, 13/11/2024 - 16:00

Trước thềm phát triển công nghệ hóa hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định ngành ngân hàng cần tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên nhiều mặt với kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới, để giữ vững ngọn cờ tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, ngành ngân hàng cần tiếp tục đưa ra các giải pháp thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng là xu hướng tất yếu 

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào tất cả lĩnh vực của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, thay đổi cơ bản cách thức vận hành, cung cấp sản phẩm, dịch vụ và đem lại giá trị cho khách hàng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng số hóa đã làm biến đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến tất cả ngành, nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và là yêu cầu bắt buộc giúp Việt Nam thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh hiện nay. 

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương mới, đột phá quan trọng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chuyển đổi số được đề cập nhiều trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và cần thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Trước xu hướng số hóa mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và của lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, nhiều năm qua Vietcombank đã đầu tư các nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số, đã và đang là một trong những đơn vị mũi nhọn thực hiện chiến lược chuyển đổi số ngành ngân hàng, tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng - Đón đầu & Phát Triển- Ảnh 1.

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng sử dụng ngân hàng số. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Xác định công nghệ và số hóa là yếu tố trọng yếu, then chốt, quyết định năng lực cạnh tranh nên ngay từ năm 2001, Vietcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên cung ứng dịch vụ số cho khách hàng, với việc triển khai phiên bản Internet Banking cho khách hàng cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức

Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn của sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, Vietcombank đã có những bước đi mạnh mẽ và nhất quán của trong hành trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng xã hội thanh toán không tiền mặt. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã vinh danh Vietcombank là "Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu Việt Nam năm 2020" với tổng số gần 50 dự án công nghệ thông tin đã và đang triển khai.

Trước hết số hóa hệ thống vận hành nội bộ, Vietcombank đưa vào vận hành hệ thống Core Banking Signature mới, một cơ sở dữ liệu tập trung, mạnh mẽ. Cùng nhiều hệ thống mới như: Phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, Quản trị nguồn nhân lực HCM,... và khởi động nhiều dự án chuyển đối, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế như Treasury, ALM/FTP, IFRS9, Basel II, ERP, PCM...

Một trong những niềm tự hào của Vietcombank - dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới, thanh toán đa kênh tích hợp. VCB Digibank được trang bị công nghệ xác thực đăng nhập hiện đại, tích hợp hàng loạt tiện ích như thanh toán vé tàu xe, điện, nước,… Tự hào là một trong những ngân hàng đầu tiên nghiên cứu và phát triển dịch vụ QR rút tiền và thanh toán không cần thẻ vật lí, dự án không chỉ vận dụng sáng tạo linh hoạt định hướng phát triển cách mạng số của Đảng mà còn lại một bước đi kịp thời thích ứng với chủ trương thanh toán không tiếp xúc trong thời kì đại dịch.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng - Đón đầu & Phát Triển- Ảnh 2.

Nguồn: trang:Đoàn Thanh niên Vietcombank Hà Tĩnh

Vietcombank nỗ lực kết nối mạng lưới giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện lực, công ty tài chính, bệnh viện, trường học,… nhằm hỗ trợ khách hàng và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở dịch vụ công ích này. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai nộp thuế cảng, biển ngay trên thiết bị di động tại TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là một phần trong quá trình thực hiện Quyết định số 61-QĐ/TW, ngày 8-3-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với
cấp ủy địa phương mà Vietcombank đã vinh dự được Đảng và Nhà nước giao phó. 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng XIII đã khẳng định: Phát triển chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là bước đi tất yếu, là bệ phóng quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Vietcombank đã chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi số ngân hàng cùng các chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với hơn 300 hành động theo
04 trụ cột là số hoá (Digital), dữ liệu (Data), công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation).

Vietcombank tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm như VCB CashUp - Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại cho doanh nghiệp lớn, VCB DigiBiz – Ngân hàng số dành cho doanh nghiệp SME, Dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến qua chương trình VCBCC, Trợ lý ảo VCB Digibot trong hoạt động chăm sóc khách hàng trực tuyến 24/7.

Năm 2023 được xác định là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, là năm bản lề đẩy nhanh kết quả thực hiện, tạo đà hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời cũng là năm chiến lược thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Vietcombank giữ vững đà tiên phong, tích cực tham gia vào thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Với sứ mệnh là ngân hàng tiên phong được Chính phủ lựa chọn, Vietcombank phối hợp với Tổng cục Thuế triển khai thành công dịch vụ Thuế điện tử (eTax) trên nền tảng số, qua đó triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ những thành công và sự uy tín, đơn vị tiếp tục được tin tưởng phối hợp với Bộ Công an, triển khai cung cấp dịch vụ ứng dụng giải pháp M.o.C trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho phép người dân sử dụng CCCD để định danh và thực hiện giao dịch qua tài khoản và thẻ tại ngân hàng.

Vietcombank đã, đang và sẽ tham gia sâu rộng vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Với những nỗ lực không ngừng trong hành trình số hóa, Vietcombank đã gặt hái được những thành công, từng bước hiện thực hóa kế hoạch trở thành ngân hàng số hàng đầu vào năm 2025, thúc đẩy xã hội không tiền mặt tại Việt Nam. Những hành động thiết thực trong hơn hai thập kỷ qua đã nói lên lời cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia được Đảng vào Nhà nước tin tưởng giao phó.

Thách thức trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng 

Bên cạnh những thành tựu mà ngành ngân hàng đạt được vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đó là:

Một là, trong bối cảnh tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ sở pháp lý để thúc đẩy ngân hàng số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, rõ ràng, cần được tiếp tục rà soát, bổ sung và ban hành. 

Hai là, sự đồng bộ và chuẩn hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho sự kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng còn nhiều thách thức.

Ba là, việc ứng dụng công nghệ trong ngành ngân hàng được quan tâm, nhưng chưa bảo đảm được sự đồng bộ trong toàn hệ thống để tạo ra các bước đột phá và chuyển biến lớn trong toàn ngành. Việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao phần lớn tập trung tại các ngân hàng lớn trong hệ thống, khả năng bao phủ trên toàn quốc còn hạn chế. 

Bốn là, xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường làm gia tăng rủi ro an ninh mạng. Nhận thức của các bên liên quan, người dùng về chuyển đổi số, về rủi ro trong giao dịch trực tuyến còn hạn chế. Một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số.

Năm là, thiếu đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ có năng lực cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực sự chuyên nghiệp có tầm khu vực và quốc tế.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới

Để giải quyết những thách thức nêu trên và bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý về kết nối, khai thác dữ liệu, về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử, áp dụng biện pháp xác thực bằng sinh trắc học...

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng sản phẩm số; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phù hợp với từng khu vực. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, đem đến những kết quả cụ thể về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Thứ ba, đơn giản hóa và tối ưu quy trình, nghiệp vụ, chú trọng nâng cao trải nghiệm của khách hàng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích gắn với bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho khách hàng, người dân về sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, phù hợp; giúp khách hàng có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi rủi ro khi giao dịch. trên môi trường điện tử. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến, sự phát triển của mô hình, giải pháp kinh doanh đổi mới sáng tạo trong ngành để kịp thời có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học - công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn ngành ngân hàng.

Đảng bộ Vietcombank Hà Tĩnh và cán bộ, nhân viên trong hệ thống Ngân hàng quyết tâm tiếp tục nắm vững "chìa khóa vàng" của cách mạng công nghiệp 4.0, đón đầu xu thế công nghệ, hành động quyết liệt, từ đó duy trì tăng trưởng và củng cố vị thế dẫn đầu của Vietcombank, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top