Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Những dấu chân tiên phong

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Những dấu chân tiên phong

Thứ Tư, 27/09/2023 - 07:27

Trong Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” 2023, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ nhận định, ngành Ngân hàng đang đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Sự đi đầu này vừa có nguyên nhân khách quan là áp lực của hội nhập quốc tế vừa có nguyên nhân chủ quan là sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo ngành Ngân hàng.

"Ngành Ngân hàng là ngành có điều kiện về nhân lực, tài lực, lại là ngành hội nhập cao, là ngành có tư duy đổi mới. Ngành Ngân hàng đi đầu về chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo ra sự phát triển mới cho ngành và gây cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận. 

Người đi đầu là người đi vào vùng 5% - khi mới có 5% người dùng đầu tiên đã mạnh mẽ bước vào bằng sự bản lĩnh, dấn thân. Và trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đó, có những dấu chân tiên phong rất đặc biệt...

Hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN). Chuyển đổi số đã được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong đó, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Thời gian qua, nhận thức được điều này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, kế hoạch lớn mang tính chất định hướng, tận dụng cơ hội cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Việc trở thành ngành đầu tiên có Ngày chuyển đổi số riêng (11/5) đã phần nào thể hiện quyết tâm tiên phong của toàn ngành ngân hàng trong công cuộc chung tay kiến thiết xã hội số, kinh tế số của cả dân tộc.

Những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý đã tạo tiền đề và động lực để các TCTD nhận biết và tiến nhanh hơn trên con đường số hoá. Tập trung vốn, công nghệ, con người cho chuyển đổi số từ rất sớm, đến nay, ngành Ngân hàng đã bắt đầu hái “trái ngọt” từ chuyển đổi số. Nhiều TCTD đã tạo lập hệ sinh thái số các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, biến chiếc điện thoại với ứng dụng Mobile banking trở thành “ngân hàng trong tầm tay” phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống thường nhật của người dân.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân. Giai đoạn 2020 - 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Trước năm 2016, khoảng 500.000 - 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức e-KYC…

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, năm 2022 thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021; 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; hơn 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở với khoảng hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.....

“Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, hệ thống thanh toán bán lẻ Việt Nam cũng đã thực hiện kết nối song phương thanh toán QRcode với Thái Lan. Hiện đang triển khai kết nối thanh toán với Campuchia và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng với các nước khác. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã được nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài Ngành.

Thành quả của công cuộc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao. Người đứng đầu Chính phủ nêu nhận định, lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

 Không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, chính bản thân các nhà băng cũng đã hưởng lợi nhờ vào chuyển đổi số mạnh mẽ. Minh chứng là chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) của nhiều TCTD đã giảm xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, lợi ích của chuyển đổi số với bản thân các NHTM cũng được nhìn thấy rõ ràng. Quá trình chuyển đổi số đã giúp tăng tốc xử lý hoạt động của hệ thống, giúp nhiều TCTD tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập, gia tăng CASA... Qua đó góp phần giúp các ngân hàng gia tăng ổn định thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tăng hiệu quả hoạt động.

Nếu như cách đây vài năm, các công nghệ mới trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), công nghệ Blockchain, Big Data… mới chỉ lác đác được ứng dụng trong sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng thì hiện một số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn mới là sáng tạo số.

Ở giai đoạn này, cuộc đua ngân hàng số ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các ngân hàng phải có bước tiến lớn. Đơn cử, ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông… Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Hiện một số dịch vụ ngân hàng gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đến mở (hoặc tất toán) sổ tiết kiệm, thanh toán thương mại điện tử (e-commerce)… Thực tế đã chứng minh, bất cứ TCTD nào nhận thức, triển khai sớm chuyển đổi số thì nay đã gặt hái được nhiều “trái ngọt.

Một trong những “bước chân đầu tiên”, được coi là hiện tượng trong nỗ lực chinh phục công nghệ số và dẫn dắt cuộc chơi, trở thành ngân hàng của rất nhiều sự kiện tiên phong đó là Techcombank. Có thể kể đến như, đây là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử ZeroFee từ tháng 9/2016, bất chấp thời điểm đó nguồn thu từ phí chuyển khoản vẫn đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng. Nhiều người lúc đó đã đặt dấu hỏi về tính khả thi của việc áp dụng một mô hình rất mới, chưa từng có tiền lệ vào hoạt động của ngân hàng.

Tuy nhiên sau này, thời gian đã minh chứng, sự kiên định của Techcombank với ZeroFee là đúng đắn, và tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến khắp hệ thống ngân hàng. Ngay cả những ông lớn Big4 trong ngành Ngân hàng như Vietinbank, BIDV… cũng không đứng ngoài cuộc.

Đến nay, trên thị trường có tới hàng chục ngân hàng đã miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng online. Thanh toán không tiền mặt chắc chắn không thể phổ cập đến người dân như hiện nay, nếu như không có bản lĩnh tiên phong về Zero Fee của Techcombank trong làn sóng phí 0 đồng. Ngân hàng này cũng là nhà băng đầu tiên thực hiện chuyển đổi nền tảng lên đám mây cloud-first cùng ông lớn thế giới Amazon Web Servies vào tháng 8/2021…

Ứng dụng ngân hàng số Techcombank Mobile, kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 11/2021 đến nay, đã liên tục chinh phục được không chỉ những khách hàng khó tính trên App Store với 4,8/5 điểm, đồng thời, lọt vào “mắt xanh” của rất nhiều tổ chức đánh giá quy mô toàn cầu.

Với tầm nhìn “Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống” và sứ mệnh dẫn dắt hành trình số hóa của ngành tài chính, Techcombank luôn không ngừng cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ để mang đến những giá trị vượt trội, giải đáp mọi bài toán nhu cầu của khách hàng.

Bà Thái Minh Diễm Tú, Giám đốc Khối Tiếp thị (CMO) Techcombank chia sẻ, Techcombank đã bắt đầu hành trình chuyển đổi kéo dài năm năm với việc đầu tư vào ba trụ cột chính là Số hóa (Digital), Dữ liệu (Data) và Nhân tài (Talent).

“Chúng tôi đang đi đúng hướng và chính điều này đã và đang giúp chúng tôi dẫn đầu hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng như trở thành một hình mẫu cho các ngân hàng khác. Chúng tôi đầu tư vào công nghệ và năng lực số của mình với một mục tiêu rất rõ ràng - khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ để đem tới những trải nghiệm đơn giản, xuyên suốt và cá nhân hóa cho từng khách hàng của mình”, bà Tú nhận định.

Năm 2023, Techcombank được vinh danh 02 giải thưởng lớn từ Global Finance cho cả Techcombank Mobile với “Ứng dụng Ngân hàng số tốt nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương” và Techcombank Business với “Nền tảng Ngân hàng số cho doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam”.

Theo công bố mới nhất từ kết quả kinh doanh quý II/2023, Techcombank đánh dấu nửa đầu năm 2023 với tổng số lượng khách hàng lên tới 12,2 triệu. Trong đó thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng được thu hút mới, với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 499,7 triệu trong quý II năm 2023, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm, trong khi tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó, Techcombank triển khai dịch vụ ngân hàng thông qua hệ sinh thái WinLife tại hơn 3.000 cửa hàng Masan trên toàn quốc. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, hơn 0,6 triệu khách hàng từ hệ sinh thái này đã bắt đầu thực hiện thường xuyên giao dịch với Techcombank. Hệ sinh thái, dựa trên nền tảng thanh toán số mà Techcombank xây dựng, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi thói quen của người dùng từ thanh toán bằng tiền mặt sang các giao dịch số hóa tiện lợi và an toàn, và đạt hơn 10 triệu giao dịch trong 6 tháng của năm 2023. Những trải nghiệm vượt trội và niềm tin từ khách hàng đã giúp chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này chứng kiến đà tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý II/2023. Số dư CASA của ngân hàng này đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, và 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ.

Những con số biết nói trên đã minh chứng cho thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà băng luôn tiên phong trong hành trình số hoá, đem lại lợi ích toàn diện cho khách hàng. Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner, chia sẻ: “Kết quả vượt trội trong việc thu hút thêm hơn 1,4 triệu khách hàng mới đến với Techcombank chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều hơn cả năm 2022 cộng lại, là nhờ sự kiên định thực thi chiến lược “khách hàng là trọng tâm”, cũng như, chú trọng đầu tư cho các sản phẩm số hóa, được tinh chỉnh phù hợp theo nhu cầu cá nhân hoá ngày càng cao của các khách hàng”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chặng đường hiện thực hoá mục tiêu ngân hàng số đúng nghĩa còn gập ghềnh, chông gai. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, hoạt động ngân hàng không chỉ dành riêng cho các nhà băng mà có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính, công ty công nghệ lớn và các nhà cung cấp dịch vụ phi tài chính khác. Những đối thủ cạnh tranh mới buộc các ngân hàng phải chuyển đổi, thích ứng nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí loại khỏi cuộc chơi.

Tuy nhiên, một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, đúng trọng tâm, không lãng phí nguồn lực, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” là mục tiêu mà các ngân hàng cần hướng tới. Điều này đòi hỏi cần một chiến lược rõ ràng, một bản sắc riêng để tạo sự khác biệt khi cuộc đua số hoá ngày càng gay gắt.  

Ông Alex Macaire - Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch, ngân hàng Techcombank cho rằng, khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Techcombank đã được cụ thể thông qua các chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột “số hóa - dữ liệu - nhân tài”, trong đó, tích hợp lên đám mây đóng vai trò bước ngoặt.

Với chi phí đầu tư cho công nghệ năm 2023 dự kiến vượt 100 triệu USD và hơn 1.000 nhân sự đang cống hiến toàn thời gian cho lĩnh vực công nghệ, số hóa và dữ liệu. Có thể nói đây là nguồn lực vô cùng lớn mà không phải tập đoàn nào, dù ngay cả trong ngành công nghệ, cũng có thể huy động được.

“Công nghệ số hóa và đám mây không đơn thuần là công cụ để đạt mục tiêu kinh doanh mà còn là yếu tố cốt lõi thể hiện bản sắc của Techcombank”, ông Alex Macaire chia sẻ.

Đại diện ngân hàng này cho biết thêm, nhờ các quyết định đầu tư chiến lược cho số hóa, dữ liệu, Techcombank đã chuyển đổi thành công 43 hệ thống dữ liệu lên cloud trong năm qua. Cùng với đó, 10 nền tảng mới từ những công ty hàng đầu thế giới được tích hợp vào hệ thống cloud của ngân hàng và khá nhiều trong số đó là những nền tảng lần đầu tiên có mặt trên cloud trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Vừa qua, có mặt tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2023 cùng thông điệp “Khai phóng sức mạnh chuyển đổi số Việt Nam”, Techcombank mang đến phần trình diễn mô phỏng hai giải pháp tiêu biểu trên Techcombank Mobile - được vinh danh là “Ứng dụng ngân hàng di động mới sáng tạo nhất 2022” do Tạp chí Global Business Outlook trao tặng.

Với giải pháp này, chỉ cần sử dụng căn cước công dân gắn chip để xác thực thông tin, người dùng có thể mở tài khoản liền mạch và dễ dàng trên Techcombank Mobile, hoặc trên nền tảng iDO tablet. Đặc biệt, thông qua việc phân tích và tổng hợp hàng triệu dữ liệu từ Big data, Techcombank giới thiệu giải pháp quản lý tài chính cá nhân hóa cho từng khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng lập kế hoạch, sử dụng các công cụ hỗ trợ và sản phẩm của ngân hàng để thực thi kế hoạch và đạt được những mục tiêu tài chính của mình. Bên cạnh đó, Techcombank cũng giới thiệu sản phẩm cho vay cá nhân linh hoạt và sáng tạo - MyCash trên Techcombank Mobile - giúp khách hàng có thể đăng ký vay và nhận kết quả phê duyệt ngay tức thì cũng thu hút sự chú ý của người tham dự triển lãm.

Đầu năm 2023, Techcombank đã nhận 4 giải thưởng quốc tế danh giá từ The Asian Banker, gồm “Ngân hàng bán lẻ xuất sắc nhất”, “Ngân hàng bán lẻ tư nhân xuất sắc nhất”, “Ngân hàng chuyển đổi lên cloud xuất sắc nhất” và “Mô hình Ngân hàng số tốt nhất” Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam. Những giải thưởng này đã khẳng định vị thế dẫn đầu của Techcombank trong mảng ngân hàng bán lẻ, cung cấp các giải pháp sáng tạo được “may đo” riêng cho từng cho khách hàng dưới sự hỗ trợ của công nghệ và chuyển đổi đám mây (cloud transformation). Cùng với đó, những nỗ lực chuyển đổi số và chuyển đổi đám mây của ngân hàng đã giúp Techcombank nhận được giải thưởng “Ngân hàng số của năm” tại lễ trao giải The Asset Triple A Digital Awards năm 2023.

Những thành công trên đã phần nào khẳng định hướng đi đúng đắn mà Techcombank đang theo đuổi, trên hành trình tiên phong đổi mới công nghệ ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để ngành Ngân hàng giữ vững ngọn cờ tiên phong chuyển đổi số, rất cần những bản lĩnh của người đi đầu như Techcombank trong hành trình không ngừng kiến tạo những giá trị mới từ công nghệ cho khách hàng.  

Năm 2023, đúng thời điểm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Techcombank đã tạo nên dấu ấn đậm nét khi trở thành ngân hàng tư nhân duy nhất của Việt Nam vào "Top 163 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu" và "Top 18 Đông Nam Á".

Đón tuổi 30, Techcombank vừa tổ chức thành công đêm nhạc “Dấn ấn vàng son”. Đó là dịp để nhìn lại hành trình 30 năm thanh xuân lung linh hơn, luôn gắn kết sắt son cùng khách hàng. Từ đó để thấy, khách hàng thân thiết của Techcombank luôn được trân trọng và nâng niu với những xúc cảm ngọt lành, như dấu ấn vàng son đã đạt được trên chặng đường 30 năm qua. 

Techcombank cũng là thương hiệu ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đồng hành cùng TP. Hà Nội và TP.HCM kiến tạo nên giải chạy Marathon đông người tham gia nhất, với thông điệp "Bước chạy vì một Việt Nam vượt trội". 

Kiên định thực thi chiến lược kinh doanh 2021-2025 với tầm nhìn “Chuyển đổi ngành tài chính nâng tầm giá trị sống”, Techcombank đã nhận được sự tin dùng của hơn 12 triệu khách hàng, tương đương hơn 10% dân số Việt Nam. Giá trị thương hiệu Techcombank đã có bước tiến nhảy vọt trong bảng xếp hạng Top 500 Global Banking 2023 do Brand Finance công bố, theo đó, thương hiệu Techcombank được định giá gần 1,4 tỷ USD và thăng hạng 33 bậc lên vị trí thứ 163.

Tin tưởng rằng với việc kiên định với bản sắc riêng trên con đường phát triển, tăng cường số hóa và chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, Techcombank sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới và luôn giữ vai trò tiên phong trong công cuộc số hoá ngành Ngân hàng, giá trị thương hiệu Techcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top