Trước việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, một số người đã lo ngại nếu Thông tư sửa đổi này chấm dứt cho vay ngoại tệ với một số doanh nghiệp cho đến nay vẫn được phép vay ngoại tệ thì sẽ đẩy lãi suất cho vay VND lên cao. Và dù dự thảo Thông tư sửa đổi là để chống đô la hóa nhưng vì quan ngại tác động tiêu cực lên lãi suất VND như vậy nên họ cũng đề xuất phải có lộ trình chứ không chấm dứt ngay việc cho vay ngoại tệ này trong năm 2019.
Sở dĩ có quan điểm trên bởi đã có sự nhầm lẫn lớn giữa chống đô la hóa và lãi suất.
Nhưng trước khi đi sâu vào phân tích, cần nói luôn, về nguyên tắc, nếu đã thống nhất rằng chống đô la hóa là điều bắt buộc và cần thiết thì cần phải thi hành các giải pháp chống đô la hóa, bao gồm không cho vay ngoại tệ. Đương nhiên là chính sách nào cũng sẽ gây ra thiệt hại cho một nhóm đối tượng nào đó, nhưng vì lợi ích chung của nền kinh tế thì không thể vì sự thiệt hại của nhóm đối tượng đó mà "bàn chùn" hay ngập ngừng, thoái thác.
Hơn nữa, trên thực tế, NHNN đã có chủ trương và từng bước thực hiện chủ trương xiết cho vay ngoại tệ để chống đô la hóa từ nhiều năm nay, nên nay nói rằng doanh nghiệp cần thời gian để chuẩn bị và tránh sốc là điều không hợp lý (và dự thảo Thông tư sửa đổi trên cũng đã cho phép việc cho vay ngoại tệ được tiếp tục thêm mấy tháng nữa, chứ không phải dừng lại ngay).
Chuyển sang vấn đề chính là nếu ngừng cho vay ngoại tệ thì có làm cho lãi suất cho vay VND tăng lên không?
Giả sử cung tiền của NHNN ra nền kinh tế và hệ thống ngân hàng có thể cho vay là 100 VND. Bên cạnh đó, tín dụng ngoại tệ hệ thống ngân hàng có thể cung cấp giả sử tương đương 10 VND. Giả sử tiếp là toàn bộ lượng tín dụng ngoại tệ 10 VND này sẽ được doanh nghiệp vay để nhập khẩu hàng hóa, chứ không lợi dụng việc vay này để làm những việc không được phép như đầu cơ ngoại tệ v.v…
Điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng phải ngừng cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu? Những người lo ngại nói trên có lẽ nghĩ rằng những doanh nghiệp nhập khẩu này sẽ chuyển sang vay VND. Theo đó, vì cầu tín dụng VND vẫn sẽ là 110 VND, trong khi cung VND vẫn chỉ có giới hạn là 100 VND, nên sự bất cân đối cung cầu tín dụng ngoại tệ này chắc chắn sẽ đẩy lãi suất cho vay VND lên.
Rất tiếc là không đúng như vậy. Như đã nói, nếu doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu thì cái họ cần là ngoại tệ chứ không phải là VND nên nếu không vay được ngoại tệ thì họ buộc phải dừng nhập khẩu. Tất nhiên là với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, việc dừng này là không thể nên họ buộc phải mua ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng (và thị trường tự do một cách không chính tắc).
Việc mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán đơn hàng nhập khẩu hợp pháp thì không bị pháp luật ngăn cấm và chắc chắn sẽ được ngân hàng đáp ứng đầy đủ. Nên doanh nghiệp nhập khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ chuyện cấm cho vay ngoại tệ của NHNN. Còn với cả nền kinh tế, do doanh nghiệp nhập khẩu không chuyển sang vay VND để nhập khẩu nên lãi suất cho vay VND cũng chắc chắn sẽ không tăng lên.
Sẽ có người băn khoăn là nếu doanh nghiệp nhập khẩu vay VND để mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng thì phải chăng là việc này vẫn sẽ làm tăng lãi suất cho vay VND? Câu trả lời là không, vì khi doanh nghiệp nhập khẩu vay VND mua ngoại tệ, họ phải nộp VND cho ngân hàng và ngân hàng trả lại cho doanh nghiệp số ngoại tệ tương ứng với lượng VND mà doanh nghiệp chi trả cho ngân hàng. Vì vậy, do lượng VND mà doanh nghiệp rút ra khi vay ngân hàng sẽ (gần) đúng bằng lượng doanh nghiệp nộp lại cho ngân hàng để đổi lấy ngoại tệ nên rốt cuộc cung cầu VND không thay đổi và không làm cho lãi suất cho vay VND tăng lên như lo ngại.
Ngược lại, nếu cứ khăng khăng phải cho doanh nghiệp vay ngoại tệ, tức vẫn cứ phải chấp nhận hoặc muốn duy trì một mức độ nhất định đô la hóa, thì điều này sẽ dẫn đến hậu quả nhãn tiền là tỷ giá sẽ trở nên bất ổn, dễ dẫn đến việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, hoàn trả khoản vay ngoại tệ (vì doanh thu của họ là bằng nội tệ), từ đó kích hoạt sự phá sản hàng loạt doanh nghiệp theo kiểu dây chuyền và sự hoảng loạn của giới đầu tư mỗi khi có cú sốc tỷ giá do, ví dụ, khủng hoảng kinh tế v.v...
Nguy hiểm không kém, nếu doanh nghiệp vẫn cứ được phép vay ngoại tệ tương đương với 10 VND bên cạnh lượng cung tín dụng 100 VND như nói trên thì chính sách tiền tệ của NHNN sẽ mất bớt hiệu lực mỗi khi NHNN muốn, ví dụ, thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm áp lực lạm phát.
Cụ thể hơn, nếu không tồn tại tình trạng đô la hóa và cả nền kinh tế chỉ có lượng tín dụng là 100 VND (không có tín dụng ngoại tệ) thì khi NHNN rút bớt 10 VND về, lãi suất VND chắc chắn sẽ tăng, dẫn đến thu hẹp chi tiêu và làm giảm áp lực lạm phát một cách hữu hiệu. Nhưng nếu cho phép ngân hàng cho doanh nghiệp vay lượng ngoại tệ tương đương 10 VND như trước đây thì khi NHNN rút bớt 10 VND về, lập tức một phần doanh nghiệp sẽ chuyển sang vay bằng ngoại tệ, thế chỗ hoàn toàn cho 10 VND bị NHNN rút về. Do không có doanh nghiệp nào phải thắt chặt chi tiêu (vì vẫn vay được đủ bằng nội tệ hoặc ngoại tệ như cũ, với lãi suất không đổi) nên áp lực lên lạm phát không giảm bớt đi như ý đồ của NHNN.
Tóm lại, từ phân tích trên có thể thấy rõ việc chống đô la hóa triệt để (thậm chí cần/nên chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ với ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ) luôn là điều có lợi và cần làm, cần sớm đạt được để giảm thiểu bất ôn vĩ mô, trong khi việc này không hề làm tăng lãi suất cho vay VND như có người lo ngại và "bàn ra" như hiện nay.
Và trước những nhận định sai lầm này, NHNN cần tăng cường tuyên truyền lợi ích và ý nghĩa của việc ngừng cho vay ngoại tệ, chống đô la hóa, cũng như cương quyết thực hiện những giải pháp này của mình.
TS. Phan Minh Ngọc, Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore)