Chiều 9/11, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đồng chủ trì Hội thảo “Xu hướng và giải pháp công nghệ giao thông thông minh an toàn, kinh tế và bảo vệ môi trường”. Hội thảo diễn ra với sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau cũng như đại diện của các cơ quan liên quan như: Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ KHCN, GTVT, TN&MT...
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các phương tiện giao thông thông minh được trang bị các công nghệ kết nối nổi lên như một trong những phương tiện hữu ích, là một phần quan trọng của giao thông thông minh (ITS) tại Việt Nam trong tương lai. Trong đó sự kiện mới nhất là việc Công ty VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup vừa ra mắt mẫu xe máy điện thông minh Klara và chuẩn bị sản xuất ô tô điện để bán tại Việt Nam cũng như xuất khẩu ra thế giới.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia có mặt tại Hội thảo, trong khoảng 10 năm tới, xe máy vẫn sẽ phát triển và là phương tiện không thể thiếu đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trước thực trạng ô nhiễm môi trường, GDP của người dân còn thấp và tình trạng ùn tắc tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc sử dụng xe máy điện được xem là xu hướng của thời đại.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, về bản chất, giao thông thông minh (ITS) là hỗ trợ hành vi cho người tham gia giao thông. Xe máy hiện tại đóng vai trò rất lớn đối với việc tham gia giao thông của người Việt nhưng hiện nay những chiếc xe máy được trang bị tiện ích, công nghệ hỗ trợ người lái không nhiều. Vì thế, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho xe máy là rất cần thiết, đặc biệt là xe máy điện.
“Ví dụ như mẫu xe điện VinFast Klara mới ra mắt được trang bị kết nốt internet 3G, định vị GPS, Bluetooth,… Nhờ vào các trang bị này, xe có thể cập nhất thông tin, cung cấp thông tin để điều phối lưu lượng xe. Cái này rất tiện lợi tuy nhiên các thiết bị này phải được tiêu chuẩn hóa, để tương tác với hệ thống thông tin giao thông”, ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ chuyên ngành ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng với sự tiện dụng của xe máy thì trong 30 – 40 năm nữa, Việt Nam sẽ vẫn còn xe gắn máy và tư duy cấm xe máy ở thành phố như Hà Nội sẽ khó thực hiện được. Ông cũng cho rằng định hướng sử dụng xe máy điện là đi đúng hướng, rất nên ủng hộ để môi trường khí thở tại Việt Nam tốt hơn.
PGS. TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, muốn 1 chiếc xe máy trở nên thông minh thì đầu tiên, các cảm biến phải có chất lượng cao và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, đã gọi là thông minh phải có hệ sinh thái ứng dụng thông minh và đa dạng. Khi đó chiếc xe không chỉ còn là phương tiện mà còn là người bạn giúp di chuyển dễ dàng.
Dù nhận định xu hướng thay thế các loại phương tiện giao thông là rất khó lường nhưng TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, hướng đi về xe máy điện thông minh hiện nay là rất đúng đắn, hợp xu thế và đáp ứng được người tiêu dùng. “Cách mạng tiêu dùng đòi hỏi thứ nhất là sạch, hai là thuận tiện, ba là cá thể hóa và bốn là nhân văn. Xe điện rõ ràng sẽ là một xu thế nhưng điều quan trọng là phải làm thay đổi được cách sống của người tiêu dùng. Đây là một cuộc cách mạng và cần có ai đó đứng ra dẫn dắt xu thế này".
Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xe điện. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân sử dụng loại phương tiện này một cách thuận lợi, an toàn.