Giá làm đường ở Hà Nội có xu hướng ngày càng cao, cao hơn cả ở Hoa Kỳ và Trung Hoa – những nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nguyên nhân của tình trạng giá làm đường cao vời vợi như vậy được cho là kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở nội đô quá lớn, thường chiếm tới hơn 80% giá trị con đường.
Chẳng thế mà mới đây "tuyến đường đắt nhất hành tinh" Hoàng Cầu – Voi Phục chính thức lùi ngày khởi công do vướng khâu GPMB. Tính ra, tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng cho 2,2km chiều dài, tương đương chi phí đầu tư 3,5 tỷ/mét dài là quá lớn. Dự án thiết kế chủ yếu đi trên mặt đất với quy mô chiều rộng mặt cắt ngang 60m, bố trí các cầu vượt tại nút giao Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh.
Ông Hoàng Sơn cùng nhóm chuyên gia của Đại học Giao thông Vận tải vừa đưa ra giải pháp xây dựng đường và cầu cạn 2 tầng sử dụng kết cấu dầm bê tông Dự ứng lực và trụ lắp ghép với quy mô mặt cắt ngang đề xuất là 29m cho đoạn không có RAMP lên xuống, 45,5m cho đoạn có RAMP tại các vị trí thiết kế nút giao thay cho mặt cắt ngang thiết kế có chiều rộng 60m cần thu hồi đất với diện tích lớn.
Với phương án đề xuất trên có thể tiết kiệm chi phí đầu tư gần 2.000 tỷ đồng và diện tích thu hồi đất chỉ còn khoảng 50%, thời gian thi công nhanh hơn, sẽ nhận được sự đồng thuận từ người dân nhiều hơn, công tác GPMB sẽ thuận lợi hơn phương án đã được duyệt.
Để giảm diện tích GPMB và chi phí đền bù, nhóm tư vấn đưa ra phương án đường 2 tầng như các nước trên thế giới sử dụng được coi là giải pháp tối ưu, dễ dàng tổ chức giao thông phân luồng xe cộ. Đường nhiều tầng đã được áp dụng phổ biến ở Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo kinh nghiệm thực hiện 1 số dự án công trình giao thông trong đô thị nếu làm đường 2 tầng chỉ cần chiếm dụng mặt bằng khoảng 29m (tiết kiệm 31m so với phương án thiết kế đã được duyệt) với quy mô đường 2 tầng như sau:
Đường tầng 1 rộng 29.0m, gồm: 2 làn xe thô sơ rộng 2x2.0m = 4.0m; 4 làn xe cơ giới: 4x3.5 = 14.0m; Vỉa hè 2 bên rộng 2x5.5m (gồm cả phần chiếm dụng của thân trụ) = 11.0 m. Cầu tầng 2 rộng 21.5m, gồm 2 làn xe thô sơ rộng 2x2.0m = 4.0m; 4 làn xe cơ giới: 4x3.75 = 15.0m; Dải an toàn giữ rộng 1.5m.
Như vậy với đường 2 tầng có thể tổ chức giao thông được 8 làn xe cơ giới và 4 làn xe thô sơ với lưu lượng giao thông thông qua cao hơn nhiều so với đường đi trên mặt đất với mặt cắt ngang thiết kế 60m. Phương án thiết kế đường 2 tầng qua các vị trí nút giao Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh chỉ cần bố trí thêm các RAM lên xuống là đảm bảo yêu cầu (vì dự án sẽ thiết kế 2 cầu vượt qua 2 nút giao này).
Kết cấu cầu tầng 2 sử dụng dầm U Bê tông dự ứng lực lắp ghép nên chi phí xây dựng thấp (chỉ khoảng 25 triệu đồng/m2 cầu), thấp hơn các giải pháp kết cấu nhịp bê tông dự ứng lực hiện nay đang triển khai tại Việt Nam.
Phương án này ước tính chỉ cần thời gian thi công khoảng 15 tháng (sau khi có mặt bằng sạch), khối lượng GPMB và tái định cư ít hơn nên sẽ đảm bảo tính khả thi hơn phương án mặt cắt ngang 60m.
Nếu UBND TP. Hà Nội cho phép nhóm nghiên cứu lập Dự án đầu tư so sánh với Dự án đã được duyệt để đưa ra số liệu chính xác về tổng mức đầu tư của dự án. "Nhóm chuyên gia sẽ lập dự án đầu tư điều chỉnh theo phương án trên với thời gian 2 tháng. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công sẽ được lập song song với quá trình GPMB nên đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo yêu cầu" - ông Hoàng Sơn khẳng định.